Các biện pháp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Đây là đề xuất quan trọng được các đại biểu đưa ra tại Tọa đàm về những quy định mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi chiều 8/6.

 

Việc quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên vùng, liên tỉnh là Thủ tướng Chính phủ. Đây là nội dung quan trọng được các đại biểu đưa ra tại Toạ đàm về những quy định mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 8/6, tại Hà Nội.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn người Việt Nam tử vong mỗi năm, thiệt hại 240.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% GDP cả nước. Trong thời gian qua, mặc dù nhiều vụ việc ô nhiễm không khí xảy ra nhưng Luật Bảo vệ môi trường 2014 chỉ có quy định chung về bảo vệ môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải. Chính vì vậy, việc xử lý các cơ sở, chủ nguồn phát thải ô nhiễm không khí gặp nhiều khó khăn.

ảnh minh họa: KT

PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết: “Tới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những tác nghiệp rất cụ thể để có thể đưa ra trong mỗi một trường hợp thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào, để chúng ta không bị động khi có các trường hợp xảy ra. Đầu tiên với không khí và sau đó là với các tình trạng thảm họa khác. Nghĩa là sau đây khi luật được đưa ra chúng ta sẽ có rất nhiều việc cần phải tiếp tục triển khai”.

Theo ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ quản lý chất thải môi trường, Tổng cục Môi trường, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn diện phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cũng đã quy định, phân công rất rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí của Thủ tướng Chính phủ là ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.

Ông Lê Hoài Nam cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất đưa quy định là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với những địa phương mà có nguy cơ gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thì phải có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương mình. Đây có một vấn đề tôi xin được nhấn mạnh, tức là trong Kế hoạch quản lý chất lượng không khí này thì sẽ bao gồm nội dung kiểm kê các nguồn phát thải, khí thải trên vùng, lãnh thổ. Đây là vấn đề mà chúng ta vẫn chưa làm được”.

Theo kế hoạch, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ chính thức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021./.

Quang Huy/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận