Ngân hàng lưu động góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Ngoài việc vay vốn phục vụ sản xuất, bà con bắt đầu quen dần với hình thức gửi tiền tiết kiệm và thực hiện chuyển tiền ngay tại điểm giao dịch.

 

Nhằm giúp người dân ở các xã xa trung tâm thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã tổ chức các điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Lắk. Sau hơn 1 năm hoạt động, mô hình này đã góp phần hiệu quả trong việc đẩy lùi nạn tín dụng đen, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Phạm Văn Thái, ở thôn Kiến Xương, xã Buôn Triết, huyện Lắk cho biết: Gia đình ông có 1,2 ha ruộng và hơn 5 sào cà phê, đang rất cần tiền để mua vật tư phân bón. Đầu tháng 6 này, ông Thái đã liên hệ với cán bộ tín dụng ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Lắk để được tư vấn tại nhà; Đồng thời cán bộ tín dụng kiểm tra, thẩm định thực tế vườn tược...

Phiên giao dịch ngày 16/6 vừa qua, ông Thái ra trụ sở UBND xã, nơi ô tô lưu động của Agribank Chi nhánh huyện Lắk đã chờ sẵn để hoàn tất thủ tục và nhận 150 triệu đồng. Ông Thái vui mừng vì số tiền cần vay đã đến đúng thời điểm, không phải vay nóng, mua nợ bên ngoài như trước kia nữa.

Phiên giao dịch xe lưu động tại xã Buôn Triết.

“Khi được gọi tên tuổi, chúng tôi ký vào giấy tờ xong thì lên xe lưu động để nhận tiền. Tôi cảm thấy mô hình này rất tiện lợi vì bà con không phải đi xa và không phải chờ đợi”, ông Phạm Văn Thái chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết: Xã có 15 thôn, buôn, với trên 1.800 hộ. Buôn Triết là xã thuần nông, chủ yếu là sản xuất lúa ruộng nước, với diện tích lên đến 2.300 ha. Vào vụ, hầu hết các gia đình đều cần nguồn vốn để mua vật tư phân bón chăm sóc lúa và các loại cây trồng.

Ông Trọng khẳng định, hơn 1 năm qua, từ khi có những phiên giao dịch của Agribank chi nhánh huyện Lắk thực hiện tại trung tâm xã, người dân rất thuận tiện trong việc vay vốn cũng như thực hiện các khoản giao dịch khác như gửi tiền tiết kiệm, chuyển tiền, trả vốn vay. Nguồn vốn được đáp ứng kịp thời, góp phần đẩy lùi tình trạng cho vay nóng, vay lãi suất cao của tín dụng đen.

“Từ khi có xe lưu động của ngân hàng về giao dịch tại trụ sở UBND xã thì đã đem lại hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân trong xã được trực tiếp tiếp cận giao dịch với ngân hàng một cách thuận lợi hơn. Bà con nhân dân không còn phải đi từ xã ra ngoài huyện nữa. Xã là một địa phương chuyên canh cây lúa nước, bà con nông dân thường xuyên chịu ảnh hưởng về vấn đề thiên tai, hạn hán, lũ lụt. Do vậy vấn đề tiếp cận ngân hàng để vay vốn cũng rất là nhiều bà con nông dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ra trực tiếp tiếp cận, giao dịch làm thủ tục vay vốn cũng như giải ngân được kịp thời và rất thuận lợi”, ông Nguyễn Đăng Trọng cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Xuân, Giám đốc Chi nhánh Agribank huyện Lắk cho biết, sau khi có xe chuyên dụng lưu động, Chi nhánh thành lập tổ tiến hành giải ngân bên ngoài. Cứ một tổ vay vốn phải có tối thiểu là 10 người, và số tiền một người vay là không quá 200 triệu đồng. Điểm giao dịch của xe lưu động gần nhất cách trụ sở 20km, điểm xa nhất là hơn 60km.

“Đối với chi nhánh, đến giao dịch vẫn gửi tiền tiết kiệm, vẫn chuyển tiền. Tất cả mọi hoạt động của Agribank như thế nào thì xe lưu động xuống vẫn làm như thế. Nên rất thuận lợi cho bà con, thứ nhất là đỡ đi lại, thứ 2 là an toàn vì xe mình đến tận nơi giải ngân cho người dân. Thứ 3 là đẩy lui được tình trạng cho vay nặng lãi ở bên ngoài. Mình đi sâu đi sát bà con, giúp đỡ bà con. Anh em cán bộ tín dụng nằm vùng ở đó để nắm bắt tình hình bà con như thế nào, sản xuất cây gì, con gì, giống gì để mà hỗ trợ bà con kịp thời”, ông Nguyễn Hữu Xuân cho hay.

Nhờ khai thông kênh dẫn vốn từ điểm giao dịch lưu động nên nguồn vốn tín dụng cung ứng cho các địa bàn tại 4 xã có điểm giao dịch lưu động có sự tăng trưởng đáng kể và đạt con số là 224 tỷ đồng. Trong đó, xã Buôn Triết: 98 tỷ đồng, xã Krông Nô: 78 tỷ đồng, xã Nam Ka: 22 tỷ đồng, xã Ea R’bin: 26 tỷ đồng. Ngoài việc vay vốn phục vụ sản xuất, đời sống, bà con tại các điểm xã này cũng đã bắt đầu quen dần với hình thức gửi tiền tiết kiệm và thực hiện chuyển tiền ngay tại điểm giao dịch. Điều đáng nói hơn là hiện tượng vay nóng, vay lãi suất cao của tín dụng đen đã bị hạn chế đẩy lùi./.

Lê Xuân Lãm/VOV-Tây Nguyên

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận