Rà soát, quy hoạch lại hệ thống thủy điện

Những ngày qua dư luận tranh luận về việc liệu thủy điện nhỏ có phải là 'thủ phạm' gây lũ lụt. Đã đến lúc cần rà soát lại hệ thống thủy điện nhỏ.

 

Phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình ra Quốc hội. Với những công trình thủy điện nhỏ, tôi đồng ý với các đồng chí là nên rất hạn chế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế -xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vừa qua

Đánh giá, rà soát lại hệ thống

Khi ngập lụt nghiêm trọng diễn ra ở miền Trung, vấn đề an toàn của các đập, hồ thủy điện cũng như việc vận hành xả lũ một lần nữa được đặt ra. PGS.TS PGS. TS. Vũ Thanh Ca, giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho rằng, thiên tai ngày càng có xu hướng gia tăng do biến đổi khí hậu. Miền Trung đã và đang trải qua những khó khăn vô cùng lớn do lũ lụt. Nhiều người nói thuỷ điện là nguyên nhân khiến tình trạng lũ thêm trầm trọng. Ông Ca cho rằng, không có đập thủy điện, lũ có thế thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều.

Ông Ca cũng nêu ra một loạt tác động không thể phủ nhận trong quá trình thực hiện các dự án thuỷ điện như: việc đào đất làm hồ sẽ tạo nên sự bất ổn định có thể gây nên sạt lở một số khu vực, ảnh hưởng cấu trúc địa chất… “Khi phát triển bất kỳ một dự án thuỷ điện nào, cần hết sức thận trọng trong thiết kế thi công, đánh giá tác động môi trường”, ông Ca bày tỏ. Chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn cũng cho rằng, thuỷ điện không gây ra thêm lũ. Điều đáng tiếc theo ông Sơn, địa hình miền Trung dốc hẹp, chủ yếu là các hồ thuỷ điện nhỏ, việc xây được các hồ to có dung tích lớn chống lũ là vô cùng khó khăn.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội sáng 3/11, một số đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề xây dựng dự án thủy điện nhỏ và vừa, đánh mất diện tích rừng tự nhiên. Theo Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị), lũ lụt, thiên tai xảy ra những ngày qua có phần do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đất khô bị mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở... Nhưng phải kể đến việc thời gian qua chúng ta đã mất diện tích rừng tự nhiên quá nhiều, khiến cho hậu quả thiên tai dữ dội hơn, nặng nề hơn. Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt xây dựng với quy mô khác nhau; cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục nghìn ha rừng đầu nguồn mất đi, khả năng giữ đất, giữ nước, chắn giữ thiên tai khi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng hẹp đi. Mất rừng mất đất, khả năng điều tiết nước tự nhiên từ thượng nguồn giảm là nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất, lũ đi nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn. "Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và tạo nên lũ dữ, tàn phá nặng nề hơn” - ông Thắng nói.

Do đó hầu hết ý kiến đều cho rằng, cần sớm rà soát lại hệ thống thủy điện nhỏ xem vận hành ra sao, rủi ro như thế nào để có giải pháp ứng phó kịp thời. Họ lo ngại nhiều công ty xây dựng không quan tâm đến chất lượng mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được từ điện, gỗ rừng, các kim loại quý khi thực hiện thi công…

Phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng

Hạn chế phát triển thủy điện nhỏ

Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ, kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn và ảnh hướng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, môi trường và đời sống người dân. Khâu quy hoạch nhất thiết phải giải quyết cho được phát triển nhanh nhưng phải bền vững…”, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị).

Sau gần chục năm trải thảm đỏ thu hút đầu tư, giờ đây, một số tỉnh đi đầu trong “phong trào phát triển năng lượng” ở miền Bắc như Hà Giang, Cao Bằng hay các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Gia Lai,… đã và đang phải hứng chịu hàng loạt hệ lụy: Mất rừng, sông suối cạn trơ đáy, suy giảm lượng phù sa, mưa lũ, sạt lở đất,…

Đi tìm giải pháp, PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất, các đập thủy điện cần phải được quy hoạch một cách hợp lý, tránh làm ngập các khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái. Cần xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xả lũ và chạy thủy điện để đảm bảo dòng chảy môi trường cũng như không làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới các hệ sinh thái vùng hạ lưu. Còn theo TS Tô Văn Trường, kiên quyết ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng.

         Về phía đại diện Bộ Công Thương, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: Thời gian vừa qua, Bộ này không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên kể từ năm 2016. Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện, loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện, đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội.

Hiện còn khoảng hơn 800 thuỷ điện các loại, trong đó có hơn 600 đang vận hành. Tuy nhiên, những dự án thuỷ điện nhỏ dưới 3MW là loại bỏ khỏi quy hoạch. Ngoài ra các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… cũng hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch. “Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu các tỉnh có chương trình đánh giá, rà soát với tất cả các dự án trên địa bàn mình để có kế hoạch phát triển về sau, đề ra hướng phát triển thời gian tới”, ông Quân nói./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận