Quy định mới trong lĩnh vực PCCC: Giải pháp gỡ khó cho cơ sở kinh doanh karaoke

Phóng viên VOV bàn luận với Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an.

 

Công an TP Hà Nội vừa chỉ đạo triển khai biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan các cơ sở kinh doanh karaoke trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn. Trước đó, nhiều đơn vị kinh doanh loại hình này ở nhiều tỉnh, thành khác cũng kiến nghị tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc thực hiện các quy định PCCC.
Phóng viên VOV bàn luận với Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an về việc làm sao để quy định về PCCC vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân nhưng cũng không quá siết chặt làm khó doanh nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về những vấn đề mà các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke ở Hà Nội đang gặp phải?
Đợt rà soát, kiểm tra năm 2022 cho thấy, đa số các cơ sở kinh doanh karaoke được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình. Trong quá trình chuyển đổi, có một số tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật vào tại thời điểm chuyển đổi hoạt động. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, mặc dù chủ đầu tư, chủ cơ sở chấp hành các quy định pháp luật về PCCC, tuy nhiên, việc thực hiện chưa đầy đủ. Việc không duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở, dẫn đến trong quá trình hoạt động phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có những động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh karaoke.

Có những tồn tại ở các cơ sở karaoke. Một số cơ sở chưa đủ lối thoát nạn hoặc lối thoát nạn chưa đảm bảo theo quy định. Vật liệu trang trí nội thất, cách âm chưa đáp ứng yêu cầu về tính chịu lửa, dù điều này đã được quy định rất rõ trong tiêu chuẩn, quy chuẩn 06-2010, 06-2021 và 06-2022. Việc trang bị, lắp đặt các phương tiện thiết bị PCCC, đặc biệt đối với những cơ sở yêu cầu phải trang bị hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động chưa đầy đủ.

Trong quá trình hoạt động, chủ cơ sở kinh doanh karaoke chưa kiểm tra, duy trì liên tục hoạt động của hệ thống thiết bị báo cháy và chữa cháy, vì thế, sau một thời gian hoạt động, phương tiện hệ thống PCCC bị hư hỏng nên khi có cháy xảy ra, hệ thống không hoạt động, không triển khai được các phương tiện để chữa cháy.

Lực lượng PCCC tại chỗ lúng túng trong việc triển khai kỹ năng về PCCC. Các thiết bị điện được lắp đặt tại các cơ sở karaoke được sử dụng với công suất tối đa, nên nếu không đảm bảo yêu cầu thì tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Cơ quan quản lý nhà nước về PCCC đã hướng dẫn, kiểm tra và kiến nghị các cơ sở khắc phục và sẽ xử lý vi phạm đối với những cơ sở nào tồn tại vi phạm, tạm đình chỉ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM yêu cầu các phòng hát karaoke trên địa bàn có diện tích dưới 50m2 phải sử dụng vật liệu trang trí, cách âm là vật liệu không cháy, khó cháy. Tuy nhiên, Thông tư 147/2020 của Bộ Công an lại quy định quán phải trên 50m2 thì mới sử dụng vật liệu này. Phải chăng có sự vênh giữa các quy định quản lý nhà nước về PCCC với việc thực thi ở các địa phương?

Các cơ sở karaoke hiện nay tồn tại theo từng thời điểm quy định của các văn bản quy phạm pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn. Từ trước tới nay có Thông tư 47/2015, sau đó là Thông tư 147/2020 của Bộ Công an và gần đây có quy định của Quy chuẩn 06/2022 quy định liên quan đến các cơ sở karaoke. Đối với các cơ sở karaoke hoạt động trước ngày 20/2/2021 thì phải thực hiện theo quy định của Thông tư 47/2015. Đối với cơ sở hoạt động từ 20/2/2021 đến trước ngày 16/1/2023 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 147/2020, trong đó điều chỉnh quy định về vật liệu là trong các gian phòng có diện tích từ 50m2 trở lên và các gian phòng bố trí tại tầng hầm, tầng nửa hầm phải được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, vật liệu khó cháy, khó bắt cháy.

Thông tư 47 yêu cầu tất cả phòng tập trung đông người phải có vật liệu chống cháy, còn Thông tư 147 có quy định rõ ràng đối với diện tích các gian phòng là từ 50m2 trở lên. Từ 16/1/2023, Quy chuẩn 06/2022 có hiệu lực thì khi các cơ sở karaoke xây mới, cải tạo, hoặc chuyển đổi thì các yêu cầu về vật liệu phải áp dụng theo Quy chuẩn 06/2022. Các vật liệu này sẽ phải được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, thử nghiệm đảm bảo quy định. 

Ông đánh giá như thế nào về động thái tích cực của lãnh đạo UBND TP Hà Nội và Công an Hà Nội để sớm khắc phục những bất cập hiện nay, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh liên quan đến lĩnh vực karaoke?

Trước ý kiến của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh liên quan đến lĩnh vực karaoke, Công an Hà Nội đã chủ động tổ chức cuộc họp đánh giá thực trạng công tác PCCC, bàn biện pháp, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng cháy đối với các cơ sở kinh doanh karaoke.

Tại cuộc họp đã chỉ đạo các đơn vị tích cực lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó, rà soát, phân loại và đánh giá thực trạng đối với từng loại hình cơ sở karaoke, xem xét trường hợp nào đảm bảo yêu cầu về an toàn PCCC thì cơ sở ấy được phép hoạt động, và chủ cơ sở phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và đảm bảo điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động của cơ sở mình. Đối với những tồn tại, Công an Hà Nội đã nghiên cứu và phân loại nhóm tồn tại vi phạm, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể để doanh nghiệp có thể khắc phục, đảm bảo yêu cầu về quy định PCCC tương ứng với thời điểm cơ sở ấy được đưa vào hoạt động. 

Tới đây, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ có hướng tham mưu thế nào với Bộ Công an để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phòng cháy hiệu quả cũng như để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh thuận tiện trong việc áp dụng các quy định của pháp luật?
Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã triển khai nhiều chuyên đề về công tác kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi đã tập hợp, thống kê và đánh giá toàn diện thực trạng công tác PCCC đối với các cơ sở karaoke, vũ trường và các loại hình cơ sở khác đang hoạt động tại Việt Nam. Qua đó, tham mưu cho lãnh đạo các cấp để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Đồng thời đơn vị chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công an địa phương để hướng dẫn cho chủ các cơ sở kinh doanh karaoke thực hiện trách nhiệm công tác PCCC và việc khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC. 

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định PCCC của chúng ta với các tiêu chuẩn đang rất cao. Ông có ý kiến gì trước những phản hồi này?

Nói quy định của Việt Nam cao hơn thế giới là chưa đầy đủ. Khi đánh giá, so sánh các tiêu chuẩn, quy định của Việt Nam với tiêu chuẩn của thế giới cần có sự đánh giá tổng thể nhiều mặt, nhiều vấn đề, ví dụ về điều kiện hạ tầng, thực tiễn, nhận thức của người dân Việt Nam với thế giới như thế nào và các giải pháp này phù hợp với từng đối tượng, từng loại hình công trình.

Khi xây dựng tiêu chuẩn về quy chuẩn PCCC, các cơ quan chuyên môn luôn nghiên cứu và đề cao thực tiễn, đồng thời cũng tham khảo, vận dụng tiêu chuẩn của nước ngoài phù hợp với các loại hình cơ sở, công trình và điều kiện thực tế, điều kiện hạ tầng tại Việt Nam.

Ví dụ như hệ thống mạng lưới cấp nước đô thị, bố trí các đội cảnh sát PCCC, hạ tầng giao thông, hệ thống thông tin liên lạc và truyền báo sự cố đến các cơ quan công an cảnh sát PCCC, từ đó chúng tôi mới đề xuất để đưa ra những quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam sao cho phù hợp, đảm bảo nếu có xảy ra sự cố thì tại cơ sở phải phát hiện sớm nhất và lực lượng PCCC phải triển khai các biện pháp chữa cháy ngay giai đoạn ban đầu, dập tắt ngay đám cháy khi mới phát sinh, không để cháy lan cháy lớn. Nếu xảy ra cháy lan cháy lớn thì lực lượng cảnh sát PCCC phải đến được trong thời gian nhanh nhất để triển khai các biện pháp chữa cháy kịp thời.

Về câu chuyện giải quyết hồ sơ PCCC, thời gian qua, công an các tỉnh, thành phố đã triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an. Một số doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu chưa kịp thời nắm bắt các thủ tục liên quan đến PCCC, dẫn đến việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ gặp khó khăn, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình. Ông có khuyến nghị gì tới các doanh nghiệp và người dân liên quan tới việc chủ động tìm hiểu các quy định của Nhà nước?

Thực hiện về chủ trương chuyển đổi số Chính phủ, năm 2022, Bộ Công an đã chủ động triển khai, đẩy mạnh việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, trong đó có thủ tục liên quan đến công tác PCCC. Trong thời gian đầu triển khai, một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn bỡ ngỡ khi tiếp cận với các hồ sơ nộp trực tuyến, đồng thời chưa nắm, chưa hiểu hết được lợi ích và các trình tự thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến, vì vậy, người dân lúng túng trong việc thực hiện.

Cơ quan PCCC từ T.Ư đến địa phương đã chủ động hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp. Đơn vị có nhiều bài viết đăng trên website của Cục cảnh sát PCCC công an TP Hà Nội và tổ chức tuyên truyền hướng dẫn chi tiết về thủ tục, trình tự, cách thức nộp hồ sơ trực tuyến. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, về cơ bản, người dân và doanh nghiệp đã làm quen với việc nộp hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại Cục Cảnh sát PCCC gần như đạt 100%.

Công an địa phương cũng đã chủ động hướng dẫn người dân thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến. Khi người dân đến thắc mắc, chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn chi tiết cụ thể. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đem lại rất nhiều lợi ích, người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và nộp hồ sơ, nhận kết quả, tiết kiệm được chi phí in ấn hồ sơ. 

Thứ hai, người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu được thông tin, trạng thái, giải quyết hồ sơ trên cổng của Bộ Công an xem bộ hồ sơ này đã giải quyết đến đâu, trình đến đâu và kết quả giải quyết được trả về người dân dưới dạng văn bản điện tử.

Thứ ba, khi triển khai dịch vụ công trực tuyến, quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hoàn toàn không có sự tiếp xúc giữa cán bộ giải quyết hồ sơ và doanh nghiệp, người dân, đảm bảo công khai minh bạch. Trong quá trình giải quyết hồ sơ thì được kiểm soát quy trình và thời gian cụ thể cho từng khâu, đáp ứng theo yêu cầu, đảm bảo thời hạn giải quyết cho người dân.

Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận