Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động: Trách nhiệm của các bên liên quan

Phóng viên VOV bàn luận cùng ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Sau ngày 31/3/2023, các thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn xác sẽ bị khóa một chiều. Đến ngày 15/4, tình trạng không cải thiện, các nhà cung cấp sẽ khóa dịch vụ 2 chiều. Ngày 15/5, nếu thông tin chủ sở hữu vẫn chưa xác thực, số thuê bao sẽ bị thu hồi. Phóng viên VOV bàn luận cùng ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan - bao gồm cả người dân.

Ông có thể thông tin cụ thể về mục tiêu của việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động?
Trước đây, khi điện thoại chỉ cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện thì việc sử dụng rất đơn giản. Nếu thuê bao đó không đăng ký đúng với thông tin ở giấy tờ của mình thì đâu đó cũng không quá ảnh hưởng. Thế nhưng, khi điện thoại thông minh có thêm nhiều tính năng ứng dụng quan trọng như ví điện tử thì khi chúng ta mở một tài khoản ngân hàng, cần cung cấp số điện thoại liên lạc, người đứng tên số điện thoại đó lại là một người khác thì toàn bộ giao dịch đó có thể xảy ra rất nhiều rủi ro.

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, các nhà mạng và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã dùng nhiều biện pháp để chuẩn hóa thông tin thuê bao, đảm bảo thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Trong lần này, các doanh nghiệp (DN) di động đã kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia, từ đó so sánh giữa cơ sở dữ liệu mà DN đang có với Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia, phát hiện khoảng 4 triệu thuê bao có giấy tờ chưa trùng khớp. Mong muốn đợt này có sự đồng hành của tất cả nhà mạng cùng sự chung tay vào cuộc của người sử dụng, chúng ta sẽ có được môi trường dịch vụ an toàn, văn minh, sạch sẽ.
Với khá nhiều thông tin ông vừa nêu, liệu đó đã phải là lời giải thích cho những vấn đề đang được dư luận quan tâm - đó là tại sao việc mua bán sim lại quá dễ dàng và gây nhiều hệ lụy trong thời gian qua? Và vì sao cơ quan chức năng lại đặt vấn đề chuẩn hóa thông tin thuê bao di động vào thời điểm này, thưa ông?
Dịch vụ di động đã có ở Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi ấy, người sử dụng làm quen với điện thoại phím bấm. Từ năm 2010 - 2011, chúng ta dùng điện thoại thông minh có tính năng đa dạng.

Do vậy, việc cần có thông tin chính xác cho mỗi thuê bao ngày càng quan trọng. Hơn nữa, mỗi người có thể không phải chỉ dùng 1 điện thoại để liên lạc, mà có thể dùng sim cho các thiết bị cá nhân, như gắn vào ô tô, gắn vào các thiết bị đọc sách, do vậy, việc phát triển thuê bao vẫn là nhu cầu của người sử dụng.

Thế nhưng, các kênh và nhân viên bán hàng chưa ý thức được việc cần phát triển thuê bao một cách bài bản, quy củ như quy định của pháp luật nên đã đăng ký trước thông tin vào sim, sau đó bán lại. Nếu người dân ý thức được thì khi sử dụng sim đó sẽ chuyển sang tên của mình để khi dùng các dịch vụ trên điện thoại được an toàn.
Việc mua sim điện thoại quá dễ dàng đã gây nhiều hệ lụy cho người dân như tình trạng quảng cáo rác và nhận những tin nhắn với thông tin thất thiệt, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ. Và đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, thưa ông?
Để quản lý môi trường dịch vụ văn minh, an toàn, chúng ta phải nhìn từ các góc độ khác nhau. Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, trong 1, 2 năm gần đây đã xây dựng, hoàn thiện thể chế thông qua việc ban hành Nghị định 49 năm 2017 quy định chặt chẽ về quản lý thông tin thuê bao, phát triển thuê bao.

Cùng với đó, các nhà mạng đã xây dựng quy trình để phát triển thuê bao, chỉ ở các đại lý, các kênh phân phối chính thức của nhà mạng mới được đăng ký thông tin thuê bao. Ngoài ra, cũng cần có sự chung tay của người sử dụng đăng ký thông tin thuê bao cho đúng; đồng thời nếu phát hiện những hành vi quảng cáo, vi phạm pháp luật thì gửi nội dung này đến các nhà mạng thông qua số đã được quy định.
Quá trình xử lý sim rác có 3 công đoạn: Đảm bảo toàn bộ thuê bao có thông tin, đảm bảo thông tin chính xác khi đối chiếu với Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia, xử lý sim không chính chủ. Vậy đến thời điểm này, cơ quan chức năng đang gặp khó khăn, thách thức nhất trong công đoạn nào, thưa ông?
Với mỗi một khó khăn, thách thức trong quá trình xử lý sim rác để có môi trường dịch vụ văn minh, an toàn, chúng ta đều cần có giải pháp mới. Trước đây, khoa học công nghệ chưa phát triển nên để chuẩn hóa thông tin thuê bao thì người dùng phải đến tận điểm cung cấp dịch vụ. Nay chúng ta có thể đăng ký chuẩn hóa thông tin từ xa. Vì thế, cần liên tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng khi đăng ký thông tin thuê bao hay sử dụng một sim mới. Ngoài ra, việc thông tin đầy đủ tới khách hàng cũng rất quan trọng, không chỉ từ góc độ cơ quan quản lý mà còn từ các DN cung cấp dịch vụ.

Nhân viên giao dịch hướng dẫn khách hàng khai thông tin chuẩn hóa thuê bao.

Trong quá trình xây dựng, thực thi quy phạm pháp luật, chúng tôi luôn đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên. Các DN cần thông tin tới người dùng thông qua việc nhắn tin được thực hiện liên tục trong vòng 5 ngày để người sử dụng sắp xếp thời gian trong vòng 15 ngày đi đăng ký lại thông tin thuê bao.

Nội dung này cũng đã được quy định rõ trong Nghị định 49. Ngoài việc nhắn tin, các DN cũng đã đăng số điện thoại hỗ trợ khách hàng trên trang web của mình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của Bộ TT-TT để giảm thiểu việc người sử dụng không biết số điện thoại của nhà mạng hoặc bị những số điện thoại lạ làm phiền, thậm chí lừa đảo.
Trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao, chúng tôi cũng yêu cầu các nhà mạng phải cá thể hóa thông tin đến người sử dụng.

Ví dụ, đối với người già, người khiếm thị, người ở vùng sâu vùng xa, người sử dụng những điện thoại phím bấm thì việc tiếp cận vào các trang web hay các tin nhắn rất khó khăn. Chúng tôi yêu cầu phải có điện thoại gọi chăm sóc khách hàng và làm sao để người sử dụng được thuận tiện, ít bị làm phiền nhất trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Có không ít người sử dụng thắc mắc, thuê bao họ sử dụng đã nhiều năm và đăng ký đúng tên, thông tin nhưng vẫn bị làm phiền bởi những cuộc gọi hoặc tin nhắn là sau 1 tiếng nữa thuê bao bị khóa. Vậy tại sao số điện thoại đã dùng trong nhiều năm, được chuẩn hóa thông tin, mà vẫn bị lọt ra ngoài và có những cuộc gọi, tin nhắn rác như vậy?
Thời gian qua đã có nhiều hành vi của các công ty quảng cáo, những người lợi dụng sim chưa chính chủ để quảng cáo hoặc lừa đảo, vi phạm pháp luật. Bộ TT-TT đã yêu cầu nhà mạng phải chuẩn hóa thông tin thuê bao để giảm thuê bao rác. Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng trang web kèm theo số điện thoại để người dân nếu gặp phải trường hợp vi phạm này có thể phản ánh tới nhà mạng, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin và loại bỏ những sim đó ra khỏi thị trường.
Thực trạng sim rác hay quảng cáo rác thì chúng ta đã nhận diện nhiều năm nay. Với hệ lụy của sim rác, vai trò nhà mạng đã được xem xét, xử lý như thế nào, thưa ông?
Trong 2 năm qua, các DN đã loại bỏ nhiều triệu sim không đúng quy định ra khỏi nhà mạng nhưng cũng không thể hết ngay mà cơ quan quản lý cũng đã sửa những quy định, chế tài để có các chế tài chặt chẽ hơn, nghiêm minh hơn đối với những hành vi này, chẳng hạn như quy định nếu phát triển số thuê bao lớn không đúng quy định thì có thể phải dừng việc phát triển thuê bao trong một thời gian.

Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng tổ chức thanh tra tất cả DN trên thị trường với tổng số tiền phạt lên tới 39 tỷ đồng. Dù đó là một kết quả không lớn nhưng góp phần vào giảm thiểu những hoạt động phi pháp trên thị trường.


Một số chuyên gia khuyến cáo, giai đoạn thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao khá gấp rút, thời hạn chỉ vài tuần (thời điểm 31/3 tới 14/5), nếu cách thức tiến hành của cơ quan chức năng không bài bản, không quản trị rủi ro thì tội phạm sẽ lợi dụng thời điểm này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.

Đúng vậy. Thời gian quan đã có những cuộc gọi lừa đảo, mạo danh Sở GT-VT thông báo vi phạm phạt nguội tới người dân, hoặc gọi tới phụ huynh thông báo con đi bệnh viện nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để phòng tránh những hệ lụy trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao, trước hết chúng tôi khẳng định là Cục Viễn thông hay các đơn vị của Bộ TT-TT cũng như các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện việc gọi điện tới người dân yêu cầu chuẩn hóa thông tin, và việc thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin chỉ được thực hiện bởi các kênh thông tin chính thức của nhà mạng di động.

Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà mạng phải thông báo rõ tên của tin nhắn, cuộc gọi điện thoại, số điện thoại mà DN sử dụng để chăm sóc khách hàng, và các nội dung này được đăng ký truyền tải trên các kênh thông tin đại chúng, trên trang web của DN, của Bộ là MIC.gov.vn để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động tra cứu, trao đổi từ kênh thông tin chính thống của các nhà mạng. Ngoài ra, người sử dụng có thể kiểm tra được thông tin thuê bao của mình bằng cách soạn tin nhắn TTTB gửi tới số 1414 để biết được thông tin thuê bao của mình có phải chính chủ hay không. Người sử dụng cũng lưu ý rằng, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là hoàn toàn miễn phí và không yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Người dùng tuyệt đối không thực hiện yêu cầu nếu việc chuẩn hóa thông tin thuê bao liên quan đến chuyển tiền, cung cấp số tài khoản.

Cơ quan chức năng cũng cần phối kết hợp với các cơ quan truyền thông để tăng cường hoạt động truyền thông hơn nữa thì chúng ta mới xử lý được tình trạng tin nhắn rác.
Việt Nam hiện có 127 triệu thuê bao di động, trong số này có hơn 3,5 triệu sim hoặc thuê bao di động thuộc diện điều chỉnh thông tin lần này, nhưng số thuê bao bị ảnh hưởng bởi sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo là hàng chục triệu, nếu không muốn nói là tất cả 127 triệu thuê bao. Đâu sẽ là giải pháp cho thực trạng này, thưa ông?
Để giải quyết thực trạng này, Bộ TT-TT đã triển khai đầu số 156 để nhận tin nhắn phản ánh của người sử dụng. Quá trình dọn sim rác cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Chuẩn hóa thông tin thuê bao, đồng thời cũng cần nâng cao ý thức bởi bấm vào đường link mà kẻ xấu lợi dụng, hoặc cung cấp thông tin tài khoản một cách quá dễ dàng cũng tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận