Lấy phiếu tín nhiệm: Căn cứ quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Phóng viên VOV bàn luận nội dung này với PGS.TS Lê Văn Cường (ảnh nhỏ), Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Làm rõ những điểm mới trong Quy định số 96-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên về việc lấy phiếu tín nhiệm, tác động trực tiếp nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Phóng viên VOV bàn luận nội dung này với PGS.TS Lê Văn Cường (ảnh nhỏ), Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Sau Đại hội 13, Đảng ta đã ban hành hàng loạt quy định mới hoặc bổ sung, sửa đổi những quy định đã có nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của hàng loạt quy định này, đặc biệt là Quy định số 96 do Bộ Chính trị ban hành ngày 2/2/2023?
Sau mỗi kỳ Đại hội, chúng ta có những quy định thi hành Điều lệ Đảng và cụ thể hóa Điều lệ Đảng thành những quy định, quy chế, hướng dẫn để tổ chức thực hiện. Đó là điều rất cần thiết và những nhiệm kỳ gần đây, chúng ta đã làm khá bài bản và đồng bộ. Ngay sau Đại hội kết thúc, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 22 về những quy định về công tác kiểm tra giám sát kỷ luật Đảng và Quy định số 24 về thi hành Điều lệ Đảng.

Qua 10 năm thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm trong Quy định số 47, Đại hội 13 bổ sung bằng Quy định số 37, tiếp đó là hợp nhất Quy định số 102 về xử lý kỷ luật Đảng viên và Quy định số 07 về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng thành Quy định số 96 - đồng bộ hóa các quy định đã có và thay thế cho Quy định số 262 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Giờ đây, qua quá trình tổ chức thực hiện, có những yêu cầu, vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra thì cần có quy định cụ thể hóa hơn và sát thực hơn với đòi hỏi của cuộc sống. Chính vì vậy, việc ban hành Quy định số 96 là rất cần thiết và kịp thời, đáp ứng được mong mỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, chúng ta có thêm một tiêu chí, một tiêu chuẩn, một góc nhìn trong công tác đánh giá cán bộ hiện nay.
Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới của Quy định số 96 so với Quy định số 262, đặc biệt về việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành định kỳ?
Quy định số 96 là sự kế thừa, bổ sung và phát triển Quy định số 262. Về vấn đề thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, Quy định số 262 quy định lấy vào giữa nhiệm kỳ. Một nhiệm kỳ là 5 năm thì thường lấy vào năm thứ 3. Bây giờ, Quy định số 96 quy định lấy phiếu tín nhiệm là một hoạt động thường xuyên và được lấy định kỳ - có thể là 6 tháng, 1 năm, có thể lấy phiếu hằng năm.

Trong xã hội hiện nay, có những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết ngay; có những sai phạm diễn ra có tính chất kéo dài, thường xuyên; có những sai phạm, vi phạm có tính chất nhất thời. Bởi thế, nếu cứ đợi giữa nhiệm kỳ mới lấy phiếu thì e rằng không sát, không đúng, cho nên cần lấy phiếu định kỳ để đánh giá. Việc coi lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động thường xuyên góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn, phòng ngừa những sai phạm, những khuyết điểm của cán bộ đảng viên ngay từ đầu sẽ không dẫn đến hậu quả lớn, những vi phạm trầm trọng, những hệ lụy mất việc, mất người, mất cán bộ cũng như ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng.
Quy định số 96 nêu rõ, những trường hợp có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện việc miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Điều này sẽ tác động như thế nào trong việc nâng cao chất lượng công tác của cán bộ, đảng viên hiện nay, thưa ông?
Quy định số 96 có 2 điểm mà tôi muốn nhấn mạnh: Thứ nhất là tính đồng bộ, liên thông; Thứ hai là tính kịp thời. Kiểm điểm của Đại hội 13, nhiệm kỳ 12 để trình Đại hội 13 có khá nhiều vấn đề, quy chế, quy định về công tác cán bộ, về đánh giá cán bộ có sự vênh nhau, thiếu tính đồng bộ, liên thông thì lần này Quy định số 96 toát lên tính đồng bộ, liên thông.

Khi chúng ta ban hành Quy định số 41 về vấn đề từ chức, miễn nhiệm của cán bộ thay cho Quy định số 262, đã nói rõ thế nào là từ chức, thế nào là xem xét miễn nhiệm khi cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao mà có vi phạm, kèm theo đó có thông báo Kết luận số 20 về sử dụng cán bộ đảng viên sau khi bị kỷ luật.

Theo quy định số 96, việc lấy phiếu tín nhiệm là một hoạt động thường xuyên và được lấy định kỳ.

Trong thông báo Kết luận số 20 cũng đồng bộ hóa Quy định số 41, đó là khuyến khích cán bộ bị kỷ luật, khiển trách hoặc cảnh cáo từ chức. Nếu không từ chức khi vi phạm đã rõ thì tổ chức có thẩm quyền xem xét việc miễn nhiệm. Ngay trong Hội nghị Trung ương 6 đã chấp nhận cho thôi Ban Chấp hành Trung ương đối với 3 ủy viên Trung ương. Và Quy định số 96 thể hiện tính đồng bộ, liên thông, nghĩa là qua việc lấy phiếu tín nhiệm, anh mà tín nhiệm thấp thì ngay lập tức cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét việc cho từ chức hoặc miễn nhiệm chứ không đợi đến hết hoặc nửa nhiệm kỳ.

3 quy định khác nhau, ban hành thời điểm khác nhau nhưng thể hiện quan điểm xuyên suốt là đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Chúng ta thấy quá trình thực hiện Quy định số 262 có kẽ hở, nghĩa là quy định số phiếu tín nhiệm thấp đến mức 50% thì sẽ xem xét việc từ chức, miễn nhiệm, thế nhưng qua cả một thời kỳ thực hiện thì không thấy ai tới mức ấy, đồng thời coi kênh lấy phiếu tín nhiệm này chỉ để tham khảo, thành ra việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức và bị mất đi tính hiệu quả. Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm phải là căn cứ để chúng ta có những biện pháp xử lý tiếp, có như vậy thì quy định mới đi vào cuộc sống và phát huy tính chất răn đe, cảnh tỉnh những người mới bắt đầu có biểu hiện suy thoái, vi phạm các quy định bằng sự đánh giá khách quan, công tâm của những người được lấy phiếu.
Điểm đặc biệt trong Quy định số 96 là tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm được thể hiện bằng kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTNTC), thực hiện những điều Đảng viên không được làm. Ông đánh giá như thế nào về điểm đặc biệt của Quy định số 96 này?
Cái mới của Quy định số 96 thể hiện ở kết quả lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh PCTNTC và đưa thêm vấn đề về giữ mối liên hệ với chi cấp ủy nhân dân nơi cư trú, kết nối mối liên hệ với khu dân cư. Tôi tán đồng việc bổ sung này bởi kết quả hoàn thành nhiệm vụ phải là số 1.

Anh được giao chức vụ lãnh đạo, quản lý mà để cho cơ quan, cấp dưới xảy ra tiêu cực thì trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm quản lý là chưa tốt, do đó, phải đưa tiêu chí này vào để đánh giá. Hơn nữa, sự đánh giá của nhân dân rất sâu sắc và chính xác. Để thực hiện quy định này, cần sự công khai, minh bạch và thông tin phải đúng và sát. Nếu thông tin chung chung, mơ hồ thì đánh giá nhận xét cũng chỉ là cảm tính. Lần này Quy định số 96 đã mở rộng phạm vi lấy phiếu tín nhiệm.

Cụ thể, quy mô được mở rộng trong toàn hệ thống chính trị, các cơ quan Đảng, mặt trận, nhà nước, đoàn thể từ T.Ư đến cấp có đơn vị trực thuộc. Như vậy là rất xác đáng, bình đẳng và có tính khái quát.
Ngoài Quy định số 96, chúng ta giữ lại Kết luận 14 là khuyến khích cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm. Đây cũng là tình tiết giảm nhẹ trong Quy định số 96 - nếu chứng minh được không có động cơ vụ lợi, vì lợi ích chung thì có thể xem xét giảm nhẹ, thậm chí miễn trách nhiệm kỷ luật. 
Ông có kỳ vọng như thế nào về sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ đảng viên khi được đánh giá bằng phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo đủ phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ?
Tôi kỳ vọng rất cao. Bác Hồ đã nói, một Đảng giấu giếm khuyết điểm là một Đảng hỏng, một Đảng mà có gan thừa nhận khuyết điểm rồi tìm rõ nguyên nhân và chỉ rõ biện pháp chạy chữa, mà liều thuốc tốt nhất là phê bình và tự phê bình, thì chắc chắn sẽ mang lại kết quả cao. Ở đây, Quy định số 96 cũng là một liều thuốc tốt để đội ngũ cán bộ, đảng viên nhìn lại bản thân mình, tự soi, tự sửa, tự rèn, thấy được sự đánh giá của đồng chí, đồng đội, nhân dân đối với cá nhân mình để những gì chưa tốt, chưa hay thì kịp khắc phục, sửa chữa.

Qua nghiên cứu từ thời kỳ đổi mới đến nay, tôi tạm chia ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chưa có cơ chế, chính sách, các quy định ấy vì chuyển đổi trạng thái từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì có nhiều quy định chưa theo kịp với diễn biến thực tế của cuộc sống, dẫn đến rất nhiều người phạm pháp. Nhưng bây giờ hệ thống văn bản, quy chế, quy định khá đầy đủ - từ khi thành lập lại Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, đưa về Ban Chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban từ năm 2012 đến giờ, đã có 250 văn bản về lĩnh vực đấu tranh PCTNTC. Như vậy, điều cần làm bây giờ chỉ còn là tổ chức thực hiện các quy định sao cho tốt, thực chất, có hiệu quả và đi vào cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận