Những bức vẽ từ trái tim

Trong tương lai, ông Lý khẳng định sẽ tiếp tục vẽ thêm những bức tranh về Bác Hồ, có thể bằng chất liệu tốt hơn để những thế hệ sau hiểu thêm về Bác.

 

Với mong muốn lưu lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nhiều thế hệ, Việt kiều Thái Lan Đào Trọng Lý đã có hàng trăm bức họa về Người mà theo ông, đây là những tác phẩm từ chính trái tim của mình.

Ý tưởng vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trên tầng 2 căn nhà ở trung tỉnh Nakhon Phanom là xưởng vẽ của ông, nó khá giản dị, chỉ bao gồm một giá vẽ nhỏ, mấy cây bút và vài tuýp màu. Dọc cầu thang đi lên tầng 2 là rất nhiều bức tranh do chính ông vẽ, bao gồm phong cảnh quê hương đất nước và đặc biệt là những bức tranh họa lại những hình ảnh đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là thế hệ Việt kiều thứ hai tại tỉnh Nakhon Phanom, Đông Bắc Thái Lan, ông Đào Trọng Lý vốn là một giáo viên và là người rất có uy tín trong cộng đồng người Việt tại tỉnh Nakhon Phanom. Ông bắt đầu vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi thôi làm giáo viên cách đây hơn chục năm.

Ông Đào Trọng Lý và những bức họa về Bác Hồ.

Ông bắt đầu mang ý tưởng vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi chính quyền Thái Lan cho phép xây dựng khu tưởng niệm của Người tại tỉnh Nakhon Phanom. Lúc đó, ông Lý cũng là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh. Ông mong muốn, những bức họa của mình ở khu tưởng niệm sẽ giúp kiều bào ta tại Thái Lan cũng như những người Thái có cái nhìn trực quan về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Hiện tại, ở khu tưởng niệm Người có cả một phòng trưng bày tranh của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là một địa điểm không thể thiếu khi các du khách tới tham quan và dâng hương Người tại khu tưởng niệm.

Những bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng bột màu phấn là những hình ảnh sinh hoạt của Người với kiều bào ta tại Thái Lan, hình ảnh làm việc của Người và đặc biệt, tất cả là những hình ảnh vô cùng bình dị và gần gũi. Từ ý tưởng ban đầu đó, những bức tranh đã có sức lan toả mãnh liệt và ngoài việc treo tại khu tưởng niệm của Người, tranh của ông về Bác còn được treo tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Ban Dong và rất nhiều nơi khác tại Thái Lan cũng như một số nơi trên thế giới.

Đã có hàng trăm bức họa về Người mà theo ông Lý, đây là những tác phẩm từ chính trái tim của mình.Ông Đào Trọng Lý chia sẻ thêm, tuy chỉ được nghe kể lại những câu chuyện về Bác tại Thái Lan nhưng hằng đêm ông đã tưởng tượng ra cuộc sống của Người với kiều bào tại Bản Mạy để hoạ lên bức tranh khổ lớn. Bức hoạ 4x12m bằng sơn dầu mô tả Người đứng giữa đồng bào, bên cạnh ruộng lúa chín vàng nói chuyện về tình yêu nước, về khát khao mãnh liệt giải phóng dân tộc.

“Mỗi lần tôi vẽ là một lần trái tim mình rạo rực. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tác phong, đạo đức, tinh thần hy sinh cho đất nước và cả nhân loại là vô cùng cao cả, việc được vẽ tranh về Bác là một niềm hạnh phúc nhất đối với tôi” - ông Đào Trọng Lý chia sẻ.

Trong tương lai, ông Lý khẳng định sẽ tiếp tục vẽ thêm những bức tranh về Bác Hồ, có thể sẽ vẽ lại một cách chỉn chu hơn, bằng chất liệu tốt hơn để có thể để lại cho những thế hệ sau, giúp họ hiểu thêm về Bác.

“Tôi thấy việc vẽ tranh Bác Hồ phải xuất phát từ lòng ham muốn. Vừa vẽ vừa suy nghĩ, vừa tìm hiểu thì bức tranh mới có chiều sâu, mới tạo ảnh hưởng. Không nên sáng tác thêm, mà phải chép được đúng sự thật lịch sử của bức tranh đó. Từ ánh sáng, màu sắc tự nhiên, như vậy sẽ giúp bức tranh trở nên sống động”, ông Lý chia sẻ.

Muốn lưu giữ hình ảnh Bác tới các thế hệ sau

Những bức tranh về Bác của ông Lý đã được cộng đồng kiều bào tại Thái Lan nói riêng và người Thái nói chung đón nhận và đánh giá cao. Anh Sombun, một du khách tới xem tranh về Bác tại khu tưởng niệm cho biết: “Tôi biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam qua những bài học về lịch sử. Tuy nhiên, hôm nay tới đây, xem các bức tranh này tôi hiểu hơn về Bác Hồ, về tinh thần giải phóng dân tộc và đấu tranh chống áp bức, sắp tới, tôi sẽ đưa các con tới đây để chúng có thể học thêm được những bài học mới”.

Ông Đào Trọng Lý là thế hệ Việt kiều thứ hai tại tỉnh Nakhon Phanom, Đông Bắc Thái Lan

Trong trái tim kiều bào tại Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có một vị trí đặc biệt. Ở Thái Lan, Người đã sinh sống và làm việc hơn một năm, quãng thời gian không dài nhưng đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng kiều bào tại xứ Chùa Vàng. Các thế hệ Việt kiều ở Thái Lan luôn được nghe kể những câu chuyện về Bác và họ lại tiếp tục truyền những câu chuyện đó cho thế hệ sau.

Ông Nguyễn Văn Hùng, kiều bào Việt Nam tại tỉnh Nakhon Ratchasima cho biết: “Thế hệ chúng tôi, hình ảnh Bác Hồ đã in sâu trong tâm khảm của mình. Bất cứ hành động nào của Bác đều ghi lại những ấn tượng rất sâu trong trái tim của chúng tôi, cho đến bây giờ. Ngay khi nhắm mắt tôi cũng có thể hình dung ra hình ảnh của Bác. Đối với những bức tranh về Bác do họa sĩ Việt kiều vẽ, tôi cảm thấy chúng được xuất phát từ trong trái tim của họ. Tôi thấy chỉ khi người họa sĩ có tâm hồn, có cảm hứng mãnh liệt mới có thể vẽ được những bức tranh đặc sắc như vậy. Tôi cảm thấy rất khâm phục”.

Còn ông Phan Chí Thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan chia sẻ: “Sau khi xem những bức tranh về Bác của ông Đào Trọng Lý, rõ ràng ông Lý đã đầu tư thời gian, công sức để trang trí, vẽ những bức tranh, tạo ra những mẫu trưng bày rất đẹp. Qua đó, ta có thể thấy rằng bà con vô cùng yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà con rất tự hào khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một thời gian sinh sống và hoạt động tại Thái Lan trong những năm 1928 - 1929. Hiện nay, tại những nơi Bác Hồ từng sinh sống, có mặt, bà con đã và đang xây dựng các khu tưởng niệm Bác. Đặc biệt, có thể kể đến các khu tưởng niệm tại Phichit, Udon Thani, Nakhon Phanom có quy mô tương đối bề thế”.

Những bức tranh của ông Đào Trọng Lý tuy chỉ họa lại những bức ảnh chụp Người nhưng thật sự đó là những bức hoạ từ chính trái tim của ông. Trong căn phòng khách của nhà ông, bức tranh chân dung Bác vẽ bằng sơn dầu được treo đặc biệt trang nghiêm và trân trọng. Trong nhà ông còn có bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi thắp hương, qua câu chuyện, ông kể, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân muốn ông bán tặng bức tranh này nhưng ông chỉ cười và bảo “bức quý nhất phải giữ cho mình, giữ cho gia đình và cả những thế hệ sau”./.

Quang Trung (từ Bangkok)

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận