Ấm áp mô hình 'Con nuôi Biên phòng'

Mô hình "Con nuôi Đồn biên phòng" được triển khai mới đây tại Đồn Biên phòng Đắk Lắk đã giúp nhiều trẻ em thiệt thòi có cuộc sống ổn định được cắp sách tới trườ

 

Cùng với hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, các cán bộ chiến sĩ các đồn Biên phòng ở Đắk Lắk còn thực hiện hiệu quả hỗ trợ an sinh xã hội giúp nhân dân ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt mô hình "Con nuôi Đồn biên phòng" được triển khai mới đây đã giúp nhiều trẻ em thiệt thòi có cuộc sống ổn định được cắp sách tới trường. Kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 31 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1959 - 3/3/2020).

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk tặng quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Cháu Y Phú Mlô 5 tuổi, dân tộc M'nông, ở buôn Đrang Phốk, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn từ nhỏ đã không được bố thừa nhận, mẹ lại mất sớm lúc chưa đầy 3 tuổi. Không có bố lại mồ côi mẹ, ông bà ngoại đã đón cháu về nuôi. Do tuổi cao sức yếu, gia đình thuộc diện hộ nghèo, việc nuôi dưỡng cháu gặp không ít khó khăn. Trước hoàn cảnh éo le của Y Phú, chỉ huy Ðồn Biên phòng Srêpốk, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk quyết định xin nhận cháu về làm con nuôi của đồn.

Trung tá Đỗ Văn Nhương - Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Srêpốk cho biết, ban đầu, ông bà ngoại nhất quyết không đồng ý. Họ lo lắng Y Phú sẽ thiếu tình yêu thương của người thân. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, ông bà cũng đồng ý để các cán bộ đồn đón cháu về nuôi dưỡng. Tháng 8/2019, đại diện Đồn biên phòng Srêpốk đã lên UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn làm thủ tục nhận Y Phú về làm con nuôi.

Các cháu được nhận làm con nuôi các đồn biên phòng ở Đắk Lắk phát triển rất tốt.

Trung tá Đỗ Văn Nhương kể: "Lúc lên đây cháu cũng yếu. Sau quá trình chăm sóc đến nay, cơ thể phát triển cao lớn khỏe mạnh có da có thịt hẳn lên, tâm lý không còn rụt rè hay tự ti như trước. Anh em chúng tôi cố gắng sắp xếp thời gian để nuôi dạy cháu, uốn nắn từng lời ăn tiếng nói, chúng tôi dùng tình thương và tấm lòng để nuôi dạy cháu nên người. Coi cháu như con trong nhà, mong cháu sau này sẽ trường thành và là người có ích cho xã hội".

Cháu Y Phú Mlô cho biết, từ ngày được về ở với bộ đội biên phòng, bản thân được ăn no, dạy kiến thức và những điều hay lẽ phải. Hằng ngày, sau thời gian đến lớp, cháu được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, tập thể dục rèn luyện sức khỏe cùng bộ đội. Khi không hiểu bài thầy cô giáo giao, về đồn cháu được "những người bố mang quân hàm xanh" chỉ dạy phụ đạo. Đi học cháu còn được các chú dùng xe máy chở đến tận cổng trường và đón về đơn vị. Ở với bộ đội biên phòng, em có cuộc sống no đủ, đầy ắp tình yêu thương.

Bộ độ BP Đắk Lắk đẩy mạnh công tác dân vận ở vùng biên giới.

"Mẹ con chết rồi, ông bà ngoại thì nghèo lắm, không có nhiều cơm cho con ăn. Khi lên ở với các chú biên phòng, con được các chú cho ăn no, được vui chơi, và dạy cho con biết viết hết bảng chữ cái. Sang năm vào lớp một, con hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ông bà, các chú biên phòng", cháu Y Phú Mlô tâm sự.

Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động nhằm giúp đỡ các cháu nhỏ hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, con em gia đình chính sách ở biên giới, qua đó tạo điều kiện cho các em được ăn ở, học tập, phát triển toàn diện, mai sau trở thành những công dân tốt cho gia đình và xã hội. Thông qua chương trình, sẽ góp phần tăng cường mối đại đoàn kết giữa quân và dân ở địa bàn biên giới, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Đại tá Đỗ Quang Thấm - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm qua, các Đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã triển khai thành công các chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản"; hỗ trợ gần 100 học sinh mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng trong chương trình “Nâng bước em đến trường”; trao tặng 340 nhà “Mái ấm biên cương”, “Nhà nghĩa tình đồng đội”; hỗ trợ an sinh xã hội cho các gia đình chính sách; trao tặng cây, con giống, phân bón cho hơn 700 hộ nghèo phát triển kinh tế, với số tiền lên tới trên 2,3 tỷ đồng mỗi năm.

Về mô hình "Con nuôi Biên phòng", từ đầu năm 2019 tới nay, các đồn biên phòng đã nhận nuôi dưỡng 4 cháu có hoàn cảnh khó khăn đến từ hai huyện biên giới Ea Súp và Buôn Đôn. Mô hình đã hỗ trợ các cháu cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần tạo điều kiện cho các cháu tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường. Thời gian tới, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục khảo sát, nhân rộng mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” trên địa bàn toàn tỉnh.

"Những năm tiếp theo thì xuất phát từ vai trò trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng, điều kiện khó khăn của người dân ở khu vực biên giới cũng như tính nhân văn của chương trình, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa chương trình này. Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp ngành địa phương, tổ chức rà soát lập danh sách các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nhận về đỡ đầu, hỗ trợ các cháu có thể tiếp nhận nguồn hỗ trợ để được học tập, giáo dục thành những công dân tốt cho xã hội", Đại tá Đỗ Quang Thấm cho hay.

Với tình thương và trách nhiệm, các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng ở Đắk Lắk đã và đang dành những tình cảm yêu thương, chân thành cho các cháu con nuôi của đồn, giúp các cháu vươn lên trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Có thể nói, mô hình "Con nuôi Đồn biên phòng" ở biên giới Tây Nguyên thật sự mang lại hiệu quả tích cực, nhân lên những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những người lính quân hàm xanh nơi phên dậu của Tổ quốc./.

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận