Hiệp sĩ của những người nghèo

Gần 45 năm âm thầm giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, ông Hồ Đề được mọi người xung quanh xem như 'hiệp sĩ của người nghèo'.

 

Đồng cảm với người nghèo

Những ngày giữa tháng Tư lịch sử, dưới cái nắng chói chang của TP.HCM, tôi gặp ông Hồ Đề (76 tuổi) trong căn nhà rộng gần 300m2 nằm trong hẻm nhỏ (số 125/25) đường Nguyễn Công Hoan, phường 7, quận Phú Nhuận. Căn nhà này được ông chia thành 10 phòng chính cho các gia đình và nhiều phòng nhỏ cho học sinh, sinh viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn sinh sống. Tất cả hơn 30 người sinh sống tại đây đều được ông miễn phí tiền điện - nước, thậm chí là cả tiền nhà (chỉ một số trường hợp là ông lấy tiền nhà, nhưng cũng chỉ 1 triệu đồng/tháng - bằng 1/3 mặt bằng chung tại khu vực này).

Bà Hoàng Thị Cam (62 tuổi) đang ở trọ nhà ông cho biết, hơn 13 năm trước, tình cờ gặp ông Hồ Đề ở ngoài chợ, khi ông ghé xuống gánh hàng rong của bà, rồi bà cùng chồng tới ở trọ nhà ông từ đó đến giờ. Không chỉ riêng gia đình bà Cam mà nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đến tìm ông thì đều được ông cưu mang giúp đỡ.

Nhiều trường hợp đến chữa bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện U Bướu TP.HCM (khi phải ngủ ở ngoài đường) thì được ông xây phòng riêng (có điều hòa) cho ở miễn phí, thậm chí có những gia đình ở nhờ nhà ông hơn 20 năm.

Đặc biệt, những đồng tiền có được từ việc cho thuê trọ, ông Hồ Đề lại tích lũy để làm quỹ “cứu kẹt” - nếu ai thiếu tiền làm việc lớn, việc nhỏ thì ông cho mượn (rồi trả lại thành nhiều lần cho ông). Nhiều người không có điều kiện trả được thì ông cũng cho luôn. Từ sự giúp đỡ của ông mà gia đình bà Cam và mọi người ở đây mới có được cuộc sống đỡ vất vả khi xa quê làm ăn, học tập.

“Ở đây mình có dư nhiều, chứ bây giờ ở quê với tuổi của cô thì không kiếm nổi 50 ngàn/ngày. Nhưng ở đây thì dư nhiều, có tiền trả tiền nhà, tiền uống thuốc, tiền tích lũy để về quê thăm con cháu”, bà Hoàng Thị Cam chia sẻ.

Một số bằng khen mà ông Hồ Đề được các cấp khen tặng.

Chị Nguyễn Thanh Xuân, người mới được ông cho ở nhờ gần 2 tháng nay cho biết, ngoài cảm nhận được cuộc sống chan hòa giữa những người xung quanh, chị còn được ông Hồ Đề giúp đỡ khi biết công việc chị đang làm. Chị Xuân chia sẻ: “Tôi thấy mình thật may mắn khi được gặp bác Hồ Đề tại TP.HCM, và được bác coi như con cháu trong nhà. Bác là nhà báo về hưu, mình đang là phóng viên tập sự nên được bác chỉ bảo và chia sẻ nhiều về chuyên môn khiến mình có thêm kiến thức để tự tin theo nghề hơn”.

Sống gương mẫu

Không chỉ cưu mang những người có hoàn cảnh cơ nhỡ, mà ngay cả học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được ông Hồ Đề cho ở miễn phí, hằng tháng chu cấp thêm để động viên học tập. Ngoài ra, đều đặn mỗi năm vào mùa tuyển sinh, ông lại nhận khoảng 10 thí sinh về chu cấp gần như toàn bộ chi phí trong suốt thời gian ôn tập, thi cử...

Theo ông Trần Văn Vinh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM, ông Hồ Đề là một tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Theo ông Trần Văn Vinh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM, ngoài việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và khuyến học tại địa phương, ông Hồ Đề còn là một ủy viên Mặt trận Tổ quốc phường, quận có nhiều đóng góp cho công tác xã hội của địa phương trong thời gian qua.

“Trong thời gian qua, bác Hồ Đề tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, các công tác xã hội tại địa phương. Ngay cả hiện tại, khi có thư kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố tham gia ủng hộ công tác phòng dịch Covid-19 thì bác Hồ Đề cũng là một trong hai mạnh thường quân đầu tiên tại phường tham gia”, ông Trần Văn Vinh cho hay.

Khi hỏi ông Hồ Đề đã giúp đỡ được bao nhiêu người trong gần 45 năm qua, đưa tay vuốt mái tóc bạc phơ, ông cho biết, những người đến và đi ông đều không nhớ hết, ông bảo: “Lúc đến thì họ khó khăn và đi khi họ cảm thấy đủ điều kiện, nhường chỗ ở cho người khác”.

Tài sản vô giá mà ông Hồ Đề có được là sự mến trọng của mọi người.

Nhưng ông nhớ người đầu tiên ông giúp đỡ là một phóng viên tập sự vào năm 1975, khi miền Nam vừa được giải phóng. Bản thân là phóng viên nên mỗi lần ông đi tác nghiệp quanh TP.HCM, thấy ai có hoàn cảnh khó khăn, không nơi cư ngụ thì ông lại giúp đỡ bằng cách cho họ ở nhờ. Đặc biệt từ năm 1981 đến nay, khi ông được Nhà nước cấp cho căn nhà thì ông có thêm điều kiện để giúp được nhiều người hơn.

Hiện tại, ông chỉ có một tâm nguyện là thế hệ sau này sẽ tiếp bước ông trong việc giúp đỡ mọi người. Ông Hồ Đề nói: “Năm 2019 tôi có tâm nguyện và di chúc hiến tặng căn nhà tôi đang ở cho UBND phường 7 để làm chỗ ở sinh viên miễn phí của phường và thêm 75 triệu đồng để xây thêm 2 phòng làm nơi cưu mang người có hoàn cảnh khó khăn”.

Gần 45 năm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và học sinh, sinh viên nghèo, đến nay tài sản mà ông Hồ Đề nhận được chính là sự mến trọng của mọi người đối với ông, coi ông là “hiệp sĩ của những người nghèo”, đây là những tài sản vô giá mà ông có./.

Hoàng Dương/VOV-TPHCM

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận