Phim gắn mác 'lấy cảm hứng': Dễ làm nhưng cũng dễ thất bại?

Thất bại gần đây của những phim 'lấy cảm hứng' đang khiến các nhà làm phim trở nên thận trọng.

 

Gặp khó trong việc tìm kiếm, khai thác đề tài mới, các nhà làm phim Việt đang loay hoay lấy cảm hứng từ các tác phẩm kinh điển dưới nhiều hình thức như remake, chuyển thể, phóng tác... Tuy nhiên, thất bại gần đây của những phim “lấy cảm hứng” đang khiến các nhà làm phim trở nên thận trọng.

Chỉ trong quý I năm nay, điện ảnh Việt đã chứng kiến liên tục những thất bại của các phim lấy cảm hứng từ các tác phẩm kinh điển, mà điển hình gần đây nhất là thất bại thảm hại của phim “Kiều” khi chỉ đạt doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng sau 2 tuần ra rạp. Trước đó, vào những ngày đầu tiên của năm 2021 là thất bại của “Cậu Vàng”. Và gần đây hơn là một phiên bản mới của Truyện Kiều có tên “Kiều @”. Thất bại liên tiếp của các phim được gắn mác “lấy cảm hứng” đã dấy lên e ngại của các nhà đầu tư với thể loại này.

Phim điện ảnh “Kiều” lấy cảm hứng từ tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du bị “ném đá” dập sau khi ra rạp.

Nói về thất bại của “Kiều”, đạo diễn Mai Thu Huyền bày tỏ: “Với một tác phẩm điện ảnh thì mọi ý kiến khen, chê là hết sức bình thường. Ê-kíp tôn trọng điều đó. Thế nhưng chúng tôi có những lựa chọn riêng để phù hợp với hình ảnh phim hướng đến. Nếu đặt mình ở vị trí khán giả, bản thân tôi cũng sẽ mong đợi một sự mới lạ so với những gì đã học, đã biết”.

Thất bại của “Kiều”, “Cậu Vàng”, “Kiều @” cho thấy việc làm phim liên quan các tác phẩm văn học kinh điển, cho dù chỉ là lấy cảm hứng đi chăng nữa thì dường như cũng quá sức với nhà làm phim khi phải chịu áp lực từ một “tượng đài” đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ.

Phải thừa nhận rằng phim remake, chuyển thể, cải biên, phóng tác hay thậm chí là chỉ lấy cảm hứng từ các tác phẩm kinh điển đều khó mà thoát ra khỏi cái bóng của tác phẩm gốc. Thực tế cho thấy, rất nhiều bộ phim đã mất điểm trong mắt khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi xem một bộ phim thuộc thể loại này, ngoài yếu tố nội dung, khán giả luôn đòi hỏi bối cảnh, trang phục, diễn xuất của diễn viên phải đem lại cảm giác như thật, đồng thời vẫn phải thỏa mãn được yêu cầu về thẩm mỹ, và hơn thế, khán giả luôn mặc định là phim phải thật gần với nguyên tác. Thế nhưng, nếu làm phim càng gần với nguyên tác thì lại càng hạn chế khả năng sáng tạo, càng khó mang đến sự mới mẻ cho tác phẩm. Nghịch lý này dường như đang đưa những nhà làm phim vào ngõ cụt.

Sau “Cậu Vàng”, “Kiều” của Mai Thu Huyền cũng không là ngoại lệ. Mặc dù nhà sản xuất nhắc đi nhắc lại rằng bộ phim không phải để minh họa cho Truyện Kiều, nhưng khi ra rạp, không ít người thất vọng, thậm chí còn kết án “Kiều” , cũng giống như trước đó ít lâu cho rằng “Cậu Vàng” làm hỏng các tác phẩm văn học của Nam Cao.

“Thách thức lớn nhất đối với cả ê-kíp là khán giả Việt Nam phần lớn đều thuộc Truyện Kiều. Chính vì thế, chúng tôi đã chọn một câu chuyện đơn giản, đi sâu vào nội tâm của nhân vật. Xem phim, khán giả sẽ thương Kiều và thương Hoạn Thư hơn. Thông điệp của bộ phim là khát khao quyền được sống, quyền được yêu của những thân phận phụ nữ thời xưa”, Mai Thu Huyền chia sẻ.

Thực tế đã có nhiều phim gặt hái thành công khi dấn thân vào thể loại này. Đây cũng là một cách làm khéo léo khai thác giá trị từ những tác phẩm cũ mà vẫn tạo được nét riêng, mới mẻ, gần gũi phù hợp với xu thế và nhu cầu cầu khán giả. Tuy nhiên, nếu phim không vượt qua được cái bóng của nguyên tác thì thất bại là lẽ đương nhiên”.

Đạo diễn Thu Trang, Hãng phim truyện Việt Nam

Rõ ràng, với cách tiếp cận mới để truyền tải những thông điệp nhân văn như tác giả mong muốn thì “Kiều” có thể được chấp nhận ở nhiều góc độ. Nhưng có lẽ, lý do khiến “Kiều” bị “ném đá” bầm dập cũng không khác gì so với “Cậu Vàng” trước đó là bởi cả Truyện Kiều hay các tác phẩm của Nam Cao đã phủ một cái “bóng” quá lớn trong lòng khán giả.

Chuyển thể, phóng tác, remake, lấy cảm hứng để làm mới những tác phẩm văn học, tác phẩm điện ảnh kinh điển trên thực tế cũng có không ít những phim thành công. Đạo diễn Thu Trang, Hãng phim truyện Việt Nam, chia sẻ: “Để sáng tạo nên một tác phẩm điện ảnh riêng thì trước tiên cần phải có ý tưởng mới, mà việc tìm ý tưởng không phải dễ. Vậy tại sao không lấy ý tưởng từ những tác phẩm đã có, đã nổi tiếng rồi chuyển thể, phóng tác, làm mới nó, làm cho nó phù hợp với xu thế và thị hiếu của khán giả?. Làm như vậy vừa dễ, đỡ tốn kém, tranh thủ được “thương hiệu” của nguyên tác mà lại kích thích được sự tò mò của khán giả, từ đó kéo họ đến rạp”.

Remake, phóng tác, chuyển thể hay lấy cảm hứng như thế nào thì những sáng tạo mới mẻ của phim cũng cần được người xem đón nhận. Tuy nhiên, để làm được điều này lại không hề đơn giản. Đây chính là lý do khiến những nhà làm phim bắt đầu e ngại khi dấn thân vào các dự án đã được che phủ dưới “bóng” của một tác phẩm kinh điển./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận