Làm gì để nâng tầm thương hiệu xiếc Việt?

So với các loại hình nghệ thuật khác, xiếc Việt có nhiều lợi thế để hội nhập.

 

Bởi xiếc là ngôn ngữ hình thể nên dễ dàng chuyển tải ý tưởng, thông điệp đến người xem. Tuy nhiên, trên con đường hội nhập, xiếc Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Đường đi gập ghềnh

Tại trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam (Hà Nội,) các em học sinh đến đây ở đủ mọi lứa tuổi, có những em mới chỉ 11 tuổi, đầy bỡ ngỡ với cuộc sống xa gia đình và cũng còn lúng túng với những động tác đòi hỏi kỹ thuật, độ chuẩn xác cao như động tác xoạc hai chân, ép dẻo, rồi các bài tập nhào lộn, tung hứng, đi thăng bằng trên không, đu dây... Ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào đã rất khó khăn, việc rèn luyện và giảng dạy để các em trở thành những diễn viên xiếc thực thụ cũng không hề đơn giản.

Thạc sĩ Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam chia sẻ: “Trường tuyển học viên từ 11 tuổi, các con chưa tự quyết được mà phụ thuộc vào phụ huynh. Cứ tới mùa tuyển sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường lại đi khắp các địa phương để tuyển sinh. Năm học vừa qua, trong gần 7.000 em tham gia vòng sơ tuyển, trường chỉ chọn được chưa đến 50 học sinh. Tuyển sinh đã khó, hành trình đào tạo diễn viên cho ngành xiếc còn gian nan hơn. Học xiếc không thể nào học theo đúng chương trình như quy định: trung cấp là 18 - 24 tháng, cao đẳng là 3 năm, đại học là 4 năm. Thế nhưng trường xiếc học 5 năm 2 bằng, ra trường có khi vẫn là trung cấp”.

Nghệ sĩ Bùi Hải Quân, Phó Trưởng đoàn Xiếc dân gian, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, học hành vất vả như thế nhưng ra trường không phải ai cũng trụ lại với nghề. Để luyện được một tiết mục biểu diễn trên sân khấu phải mất 1 năm. Trong khi đó, mức lương thấp, nghề lại nguy hiểm dễ gặp tai nạn nghề nghiệp.

Lâu nay, lực lượng biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam chỉ trông chờ vào nguồn diễn viên trẻ. Một số nghệ sĩ dù vẫn trong biên chế nhưng không còn năng lực biểu diễn. Với đặc thù tuổi nghề ngắn, Liên đoàn luôn trong tình trạng thiếu hụt diễn viên.

Những khó khăn từ tuyển sinh, đào tạo đến giữ chân nhân lực đang là lực rào cản lớn trên con đường hội nhập của xiếc Việt.

Nếu biết tìm tòi sáng tạo, khéo léo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, xiếc sẽ trở thành loại hình có ưu thế trong xu hướng hội nhập so với các ngành nghệ thuật khác.

Nỗ lực chuyển mình

Vỏn vẹn chỉ có 14 diễn viên cùng 6 nhạc công, với đạo cụ chính là những cây tre dài, ngắn biến hóa khôn lường thành những hoạt cảnh tái hiện cuộc sống yên ả, thanh bình của một làng quê đồng bằng Bắc bộ,… nhiều năm qua, xiếc “Làng tôi” đã chiếm được trái tim khán giả trong nước và nước ngoài như: Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Hungary… Theo đạo diễn Nhất Lý, hầu hết khán giả quốc tế xem đều hiểu và cảm nhận được ý đồ của vở diễn chứng tỏ “Làng tôi” đã chạm tới tâm hồn khán giả không cần qua ngôn ngữ. Điều đó cũng chứng tỏ xiếc Việt hoàn toàn có thể hội nhập với xiếc thế giới bởi bản sắc dân tộc thấm đẫm trong từng vở diễn. “Những giá trị truyền thống nằm ở thẩm mỹ, nằm ở vẻ đẹp Việt cũng như sự bình dị, giản dị, dễ thương. Những diễn viên, nghệ sĩ mặc bộ quần áo nông dân, đi chân đất, rất bình dị, các nhạc cụ hoàn toàn là nhạc cụ dân tộc đã có từ ngàn xưa rồi”- đạo diễn Nhất Lý chia sẻ.

Gần đây, xiếc Việt tiếp tục cho thấy sức hút và tạo tiếng vang lớn trên thế giới. Điển hình như chuỗi chương trình xiếc “À ố làng phố” của đạo diễn Tuấn Lê được biểu diễn tại nhà hát Opera House danh tiếng của Australia. Theo nghệ sĩ Tuấn Lê, buổi diễn này là một bước ngoặt lịch sử đối với xiếc Việt Nam khi vở diễn chinh phục được những nhà phê bình khắt khe nhất để được lựa chọn biểu diễn tại nhà hát danh giá hàng đầu thế giới. Vở diễn ấn tượng giới thiệu một cách khéo léo truyền thống văn hóa Việt bằng hình ảnh cây tre, cách sử dụng nhuần nhuyễn các kỹ thuật của xiếc đương đại.

Mới đây nhất, vở “Sông Trăng” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã lập kỷ lục với hợp đồng biểu diễn kéo dài 16 tháng tại 7 nhà hát của Đức. Là người dẫn nhiều đoàn đi biểu diễn nước ngoài, chị Nguyễn Ngọc Anh, Phó trưởng Đoàn xiếc dân gian, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: Thành công của vở Sông Trăng là tổng hợp của nhiều yếu tố từ đội ngũ dàn dựng, đạo diễn, diễn viên, cách kể chuyện cũng như có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị hiếu của người xem.

Xiếc Việt không chỉ “xuất ngoại” với các show diễn ở nhiều nước trên thế giới mà tại các kỳ liên hoan xiếc quốc tế nhiều năm trở lại đây, các nghệ sĩ và đoàn xiếc ở nước ta luôn đạt được thành tích cao như tiết mục “Tạo hình trên dây da” của 2 nghệ sĩ trẻ Văn Thái và Thu Hường, tiết mục xiếc “Đu quan họ”, “Đu siêu nhân”, “Hề xiếc” của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam được trao Huy chương Vàng tại các liên hoan xiếc trên thế giới. Theo NSND Nguyễn Thị Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam: Các chương trình, tiết mục xiếc của nước ta thành công trên sân khấu thế giới thể hiện được sự khác biệt, bản sắc của Việt Nam. Kỹ thuật của xiếc thì không có quá nhiều khác biệt, nhưng để làm nên bản sắc riêng thì xiếc Việt Nam đến với xứ người luôn giữ được hồn dân tộc từ kịch bản, âm nhạc, vũ đạo, trang phục và những đạo cụ đơn sơ như tre, nứa, áo tứ thân, nón quai thao…

Để tiếp cận ngày càng nhiều khán giả trong và ngoài nước, 5 năm qua, xiếc Việt đã có nhiều mày mò thử nghiệm. Nếu như năm 2016 tại Gala Xiếc quốc tế tổ chức tại Hà Nội đánh dấu lần đầu tiên chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn trên nền opera và nhạc thính phòng thì liên tiếp những năm sau đó là hàng loạt chương trình xiếc có nội dung và nghệ thuật xuyên suốt như một vở diễn với sự kết hợp nhuần nhuyễn của âm thanh, ánh sáng, vũ đạo… Và gần nhất, cuối năm 2020, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt vở “Cây gậy thần” có sự kết hợp giữa xiếc với cải lương. Theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đây sẽ là hướng đi mới của Liên đoàn, với sự kết hợp giữa xiếc và nhiều loại hình nghệ thuật khác để cho ra đời những vở diễn mới mẻ.

Thực tế đã cho thấy, nếu biết tìm tòi sáng tạo, khéo léo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, xiếc sẽ trở thành loại hình có ưu thế trong xu hướng hội nhập so với các ngành nghệ thuật khác./.

“Yếu tố quan trọng nhất là con người. Các nghệ sĩ phải có đam mê, nâng cao kỹ năng, kỹ xảo, đặc biệt hơn nữa là sự quan tâm của Nhà nước, đầu tư thích đáng cho nghệ thuật xiếc. Chúng ta phải coi đó là ngành công nghiệp và tạo ra những sản phẩm hay phục vụ khán giả”. -  NSND Tống Toàn Thắng

 

“Xiếc Việt cần có sự tươi mới, cuốn hút về cách kể chuyện, nói cách khác là phải tìm ra sự khác biệt. Trong điều kiện nguồn nhân lực còn mỏng với nhiều khó khăn thì vừa hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng thế giới, vừa phát huy yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, là hướng đi nhanh nhất để nghệ thuật xiếc hội nhập với xiếc thế giới”. - NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Xiếc Việt Nam

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận