Các nhà văn trẻ đã nhập cuộc?

Trong dòng chảy văn chương đương đại, các nhà văn trẻ đã nhập cuộc hay chưa? Nhà văn Đỗ Tiến Thụy đã trao đổi với phóng viên VOV về chủ đề này.

 

Nhà văn trẻ giỏi mảng miếng

Là giám khảo cuộc thi truyện ngắn mang tên “Lửa mới” do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức, nhà văn nhận xét gì về sự hiện diện các tác phẩm của những cây bút trẻ trên văn đàn những năm gần đây?

          Người viết trẻ luôn muốn thể hiện, chứng minh mình. Vì quá vội vã, hiện thực chưa ập vào họ đã nhập cuộc. Thay vì đi thực tế để trải nghiệm, quan sát, họ dùng thủ pháp. Họ tận dụng công nghệ, tìm hiểu thông tin hay ngồi một chỗ đọc sách. Điều đó giúp họ cập nhật thông tin và các thủ pháp, mảng miếng văn chương rất nhanh. Đây là điều các nhà văn trẻ hơn thế hệ đàn anh. Đọc văn bản của người viết dưới 30 tuổi dưới góc độ của người biên tập không chê được gì về mặt chữ nghĩa. Tuy nhiên điều họ thiếu là chất sống, sự trải nghiệm của cuộc sống.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy cho rằng, nhà văn trẻ đã nhập cuộc.

          Nhật Phi, Đinh Phương, Trọng Khang, Nguyễn Đăng Khoa, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trần Băng Khuê, Nguyễn Minh Nhật, Vũ Phương Thanh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Phong Việt… là những cái tên xuất hiện khá thường xuyên trên văn đàn. Anh đánh giá như thế nào về những tác phẩm của họ?

Đây là những cây bút trưởng thành từ các cuộc thi và họ đã khẳng định được mình. Điều đáng mừng là họ đã dám dấn thân vào con đường văn chương vốn rất chông gai này. Theo đuổi văn chương đến cùng là cả một quá trình khổ luyện. Tôi đọc tác phẩm và trân trọng họ.

Tác phẩm phải chạm đến trái tim bạn đọc

Nhiều tác phẩm của người viết trẻ khai thác những tầng vỉa của hiện thực đời sống đương đại khá gai góc như vấn đề tha hóa nhân cách, chống tham nhũng, bi kịch của giới trẻ trong cuộc sống hiện đại… Theo đánh giá của anh, việc khai thác và thể hiện của họ đã thành công chưa?

           Nói một cách sòng phẳng về nghề, họ giỏi hơn thế hệ cha anh. Họ thạo nghề, các mảng miếng nghệ thuật như hậu hiện đại, kỳ ảo, vận dụng  các thủ pháp nghệ thuật điêu luyện. Đó là điều đáng mừng.

Vấn đề đặt ra là họ có nhập cuộc hay không? Họ có tiếp cận những  vấn đề gai góc trong xã hội hay không? Hằng ngày, đọc các bản thảo gửi về, cảm nhận của tôi là họ có ý thức nhập cuộc. Tuy nhiên, hiện nay internet cập nhật thông tin đời sống rất nhanh. Các bạn viết trẻ hiện nay cũng theo xu hướng ấy, luôn bày tỏ thái độ trước mọi vấn đề của cuộc sống, từ tình yêu, gia đình đến những vấn đề khá nhạy cảm như: đồng tính, sinh thái, tham nhũng... Họ tiếp cận hết nhưng có thể vì vội vã, họ chưa hiểu hết bản chất của vấn đề nên khi thể hiện trong tác phẩm họ cứ cố gồng lên, nói quá đi. Như vậy là vội vàng. Trong văn học, nó đòi hỏi sâu hơn nữa. Ngoài đòi hỏi phản ánh đúng sự kiện thì còn phải phản ánh hay. Cái đích đến của văn chương là phải hay, chạm đến trái tim người đọc.

          Anh đánh giá như thế nào về tâm thế sáng tạo của các nhà văn trẻ? Có phải họ là những người dám đổi mới và rất giàu ý tưởng?

          Theo cá nhân tôi dù anh có giàu ý tưởng như thế nào đi nữa thì tác phẩm cũng cần phải chạm vào trái tim, đi vào lòng người. Một trong những yếu tố lay động được độc giả là phải có sự tin cậy. Chúng ta đọc một tác phẩm chỉ thuần về ý tưởng sẽ có cảm giác như đọc một bản dịch. Các bạn trẻ bây giờ có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, giỏi ngoại ngữ có thể đọc tác phẩm nước ngoài rồi tham khảo, biến ý tưởng đó thành của mình.  Nhưng đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy đó là sự trình diễn nghề mà thôi. Rõ ràng văn chương không chỉ nằm ở ý tưởng, thủ pháp mà còn ở giá trị nội dung.  

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy được công chúng đón nhận từ những tập  truyện ngắn, bút ký "Những nốt nhạc xa xanh", "Người đàn bà đợi mưa", "Gió vẫn thổi qua mùa khô" và "Vết thương thành thị". Đặc biệt là 2 tiểu thuyết "Màu rừng ruộng" xuất bản năm 2006 và gần đây là cuốn tiểu thuyết "Con chim Joong bay từ A đến Z" gây nhiều tiếng vang.

          Theo anh, các nhà văn trẻ hiện nay có thực sự vững tâm để theo đuổi con đường văn chương vốn rất gập ghềnh và nhiều trở ngại?

          Tôi luôn hy vọng, mong chờ, đón đợi họ. Chúng tôi mở ra các cuộc thi cũng vì mong muốn tìm ra những cây bút tâm huyết. Xuất hiện một tác giả mới là mừng lắm! So với thế hệ chúng tôi, các cây bút trẻ có nhiều cơ hội hơn trong công việc mà không nhất thiết phải đắm đuối với văn chương. Sự đón đợi của công chúng cũng không vồ vập như trước đây. Bầu khí quyển văn chương không còn đậm đặc như thế hệ chúng tôi đã trải qua, vậy nên các bạn trẻ phải thực sự tâm huyết, nghiêm túc và đắm say với văn chương mới có thể theo đuổi đến cùng. Cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí văn nghệ quân đội mang tên “Lửa mới” với mong muốn là đón đợi một lứa tác giả mới, một sinh khí mới trong sáng tạo.

          Xin cảm ơn nhà văn!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận