Một số trường đại học tổ chức thi riêng như thế nào?

Đề nghị giữ ổn định như kỳ thi THPT 2020, đề thi phải đảm bảo độ phân hóa, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các trường… là đề xuất của nhiều trường mới đây.

 

Chủ yếu vẫn sử dụng kết quả thi

Đề cập đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đảm bảo cho các trường đại học (ĐH) xét tuyển sinh…GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, có ít nhất 50% chỉ tiêu của các trường dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chứng tỏ đây vẫn là kỳ thi quan trọng với tuyển sinh của các trường, đỡ tốn kém và vất vả cho cả thí sinh và nhà trường. Vì thế ông đề nghị giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020. Việc chuyển đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT cần thời gian nhiều năm chứ không thể ngay lập tức. Riêng với Trường ĐH Y Hà Nội, năm 2021, việc tuyển sinh cơ bản vẫn giữ như năm 2020 và chủ yếu dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Còn GS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho rằng, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đảm bảo cho các trường ĐH xét tuyển sinh. Tuy nhiên, đối với khâu tổ chức kỳ thi, Bộ cần tăng cường công tác giám sát của các trường ĐH hơn nữa để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi. PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trong những năm tới trường ủng hộ phương án giữ ổn định như năm 2020. PGS. Phạm Hồng Chương đề xuất đề thi cần nâng cao tính phân loại hơn nữa; đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT để tiến tới thi trên máy; xây dựng các trung tâm khảo thí có uy tín, năng lực để các trường có thể sử dụng kết quả trong công tác xét tuyển; các trường nâng cao tính tự chủ hơn nữa.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2021-2025 bảo đảm phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung của thế giới về phát triển giáo dục ĐH. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như năm 2020. Tiếp tục tổ chức thi THPT trên giấy, từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về tuyển sinh ĐH,CĐ, thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau, thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhiều hình thức, nhiều nguyện vọng.

Một số trường tổ chức thi riêng

Bên cạnh đó, vẫn còn một số băn khoăn trong quá trình tuyển sinh, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu ra một số vấn đề về kỹ thuật nảy sinh trong quá trình tuyển sinh. Đó là, các trường ĐH yêu cầu thí sinh tham gia xét tuyển thẳng phải đạt 3 năm học sinh giỏi thì phần mềm chỉ có năm cuối. Các trường mong muốn Bộ và các bên liên quan mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, có chính sách đặc thù đối với các em có thành tích xuất sắc để tạo nguồn bổ sung cho khối khoa học cơ bản. “Những năm tới, ĐH Quốc gia Hà Nội dự định sẽ tổ chức bài thi đánh giá năng lực. Mong Bộ GD-ĐT ủng hộ và sự tham gia của các trường đại học với việc sử dụng kết quả kỳ thi này vào công tác tuyển sinh”, GS. Nguyễn Đình Đức bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, phương án tổ chức kỳ thi riêng là quyền tự chủ của các trường ĐH. Nhiều trường cũng có thể phối kết hợp tổ chức kỳ thi để lấy chung kết quả, đảm bảo thí sinh không phải tham dự quá nhiều kỳ thi trong năm.

Hiện tại, các trường đại học đang lên phương án dự kiến cho tuyển sinh năm sau. Đáng chú ý là việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. ĐHQG TP. HCM vừa tổ chức cuộc họp cho phương án tổ chức thi riêng, dự kiến vào năm sau. Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tiếp tục được ĐHQG TP.HCM tổ chức 2 đợt vào năm 2021. Cụ thể, đợt 1 dự kiến vào ngày 28/3 và đợt 2 vào ngày 4/7(khoảng sau từ 7 - 10 ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT)

Việc tổ chức kỳ thi riêng của ĐHQG TP. HCM dựa trên tinh thần giữ ổn định như các năm trước, kể cả cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi. Những điều chỉnh nhỏ hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh khi tham dự kỳ thi này. Cụ thể, sự thay đổi nếu có là việc có thể mở rộng thêm địa điểm thi ở khu vực Tây Nguyên và thêm một cụm thi khác ở miền Trung để thí sinh dễ dàng hơn trong việc di chuyển. Các cụm thi đã ổn định năm trước sẽ tiếp tục duy trì trong kỳ thi năm nay. Về đề thi, cấu trúc đề sẽ giữ ổn định nhưng câu hỏi sẽ tiếp tục được làm mới để phù hợp hơn với thực tế. ĐHQG TP. HCM sẽ công bố bài thi mẫu dự kiến trong tháng 12/2020, với nội dung bài thi khác với đề thi mẫu đã công bố các năm trước đó.

Tương tự, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) cũng đang cân nhắc việc có thể tổ chức trở lại kỳ thi đánh giá năng lực. Nếu kỳ thi này được tổ chức, sẽ có điều chỉnh nhỏ về môn thi. Trong đó, thí sinh sẽ dự thi 2 môn bắt buộc, gồm: Toán và Logic (2 môn này được tách ra từ môn Toán - Tư duy logic trước đây). Ngoài ra, thí sinh sẽ chọn thi 1 trong 4 môn tự chọn gồm Tiếng Anh, Lý, Hóa và Sinh…

Tuy nhiên, điều mà các trường lo lắng là liệu có lặp lại kịch bản như năm 2020 khi hàng loạt trường ĐH tốp trên, các trường khối sức khỏe đã lên phương án tuyển sinh riêng nhưng “phút 89” lại phải thông báo hủy bỏ vì Bộ đột ngột đưa ra những đòi hỏi quá cao, chưa sát thực tế khiến nhiều trường đại học xoay sở không kịp.

Cần thành lập trung tâm khảo thí độc lập

Tại Hội nghị trực tuyến Giáo dục đại học, liên quan đến vấn đề tuyển sinh, đại diện ĐH Đà Nẵng đưa ra đề xuất: Bộ GD-ĐT nên bỏ việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm do trước đó các em đã được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên việc điều chỉnh là không cần thiết, gây kéo dài thời gian tuyển sinh. Tâm lý thí sinh không ổn định do băn khoăn chọn trường sẽ tạo nên bức tranh tuyển sinh lộn xộn trong quá trình xét tuyển.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Ngoại thương Hà Nội ủng hộ phương án tuyển sinh 2021 là ổn định, đặc biệt sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Theo bà Thủy, để nâng cao chất lượng tuyển sinh, tiến tới cần có Trung tâm Khảo thí độc lập. Việc này sẽ giúp các trường xét tuyển nhiều đợt trong năm như các nước trên thế giới đã làm.

Đồng quan điểm này, đại diện một số trường ĐH cũng nêu ý kiến, để giữ tuyển sinh ĐH ổn định, thì trong thời gian này Bộ GD-ĐT và các trường cần tích cực chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm Khảo thí độc lập để trong tương lai các trường có thể xét tuyển nhiều đợt trong năm, và việc thi ĐH cho người học cũng dễ dàng hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng nghiên cứu điều kiện thành lập Trung tâm Khảo thí độc lập, chuẩn hóa về ra đề thi để các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả./.

Công tác tuyển sinh trong năm 2021 và đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học;việc tuyển sinh ĐH sẽ đi theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng để tuyển sinh; Hình thành Trung tâm Khảo thí độc lập với ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa thi trên máy 
 

Bình luận

    Chưa có bình luận