Thi trắc nghiệm có 'bóp chết' môn Toán?

Trước quan điểm cho rằng việc thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trắc nghiệm đã 'bóp chết' môn Toán, theo TS. Lê Thống Nhất mỗi phương pháp thi đều có ưu, nhược

 

Không thể nói vì một bài thi trắc nghiệm mà bóp chết tư duy Toán học.

Vừa qua, một chuyên gia về Toán học đã xới lại vấn đề thi trắc nghiệm môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng, thi trắc nghiệm như hiện tại "bóp chết" môn toán chứ không còn là ảnh hưởng nữa. Toán đào tạo con người tư duy logic, tư duy hệ thống. Ở mức độ khác nhau sẽ có cách tiếp cận khác nhau chứ không phải tuyển chọn ngẫu nhiên.

Vậy, hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT có “bóp chết” môn Toán và tư duy học Toán? Để có thêm góc nhìn về vấn đề gây tranh cãi này, P/V VOV2 có cuộc trao đổi với chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất.

"Học sinh không biết giải toán là lỗi giáo viên chứ không phải do thi trắc nghiệm"

PV: Thưa TS. Lê Thống Nhất, năm 2017, Bộ GD-ĐT áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau 7 năm có ý kiến cho rằng, việc thi theo hình thức này đã “bóp chết” môn Toán, làm hỏng tư duy học toán của học sinh. Quan điểm của ông thế nào?

TS. Lê Thống Nhất: Chúng ta phải hình dung rằng, môn Toán phổ thông được dạy và học trong 12 năm. Sách giáo khoa (SGK) hiện nay và cả SGK theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đều thể hiện rõ môn Toán là môn rèn luyện tư duy cho học sinh. Các thí dụ trong SGK đều giải bằng phương pháp tự luận và thầy cô cũng được hướng dẫn dạy như thế.

Trong SGK mới còn tập trung vào mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh và ngay dự thảo đề án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định mục tiêu này. Mỗi năm học, có các bài kiểm tra, bài thi định kỳ môn Toán đều chủ yếu là tự luận, một số kỳ kiểm tra có đưa vào một hai câu trắc nghiệm. Các kỳ thi chuyển cấp môn Toán hay thi học sinh giỏi các lớp, các cấp cũng là thi tự luận.

Chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT là hoàn toàn thi trắc nghiệm, như vậy không thể nói vì kỳ thi này mà bóp chết tư duy Toán học. Tôi ủng hộ dự thảo đề án thi tốt nghiệp từ năm 2025 là thi trắc nghiệm môn Toán. Tuy nhiên cần bổ sung nhiều hình thức trắc nghiệm chứ không như hiện nay là chọn 1 phương án trong 4 phương án.

PV: Nhưng Toán học góp phần đào tạo con người có tư duy logic, tư duy hệ thống. Ở mức độ khác nhau sẽ có cách tiếp cận khác nhau chứ không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên như hình thức thi trắc nghiệm, thưa ông?

TS. Lê Thống Nhất: Để trao đổi điều này ta cần hiểu về công tác khảo thí. Tuỳ cách thu thông tin của hoạt động kiểm tra/thi có thể chia ra 3 loại: kiểm tra viết, kiểm tra vấn đáp và kiểm tra thực hành. Trong 3 loại này thì kiểm tra viết được sử dụng phổ biến nhất cho các kỳ thi chính thức. Lý do là vì kiểm tra viết cho phép kiểm tra nhiều thí sinh một lúc, cho phép thí sinh cân nhắc nhiều hơn khi trả lời, có thể đánh giá một số mục tiêu học tập cụ thể ở mức độ cao, cung cấp các bản ghi trả lời của thí sinh để nghiên cứu kỹ khi chấm, dễ quản lý vì người chấm không tham gia trực tiếp vào bối cảnh kiểm tra như thi vấn đáp.

Trong kiểm tra viết cũng có nhiều dạng, điển hình là 2 dạng tự luận và trắc nghiệm khách quan. Tự luận là phương pháp đánh giá mà thí sinh ứng đáp bằng cách viết một bài viết dài. Trắc nghiệm khách quan là phương pháp đánh giá mà thí sinh ứng đáp bằng cách chọn một phương án trả lời có sẵn trong nhiều phương án cho trước.

Do ưu thế của trắc nghiệm khách quan là bao phủ được phạm vi kiến thức rộng, tránh học tủ, học lệch, ít tốn công chấm bài, chấm điểm hoàn toàn khách quan, độ tin cậy cao với sự hỗ trợ phân tích đề thi bằng phần mềm và có thể xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để sử dụng lâu dài, nên trắc nghiệm khách quan được sử dụng phổ biến trong các kỳ thi diện rộng với đề thi chuẩn hoá.

Tuy nhiên cần biết rằng câu hỏi trắc nghiệm khách quan có nhiều loại, như:

Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017, Bộ GD-ĐT áp dụng hình thức thi trắc nghiệm môn Toán (ảnh minh họa)- Ghép đôi: Học sinh phải ghép các cặp mệnh đề cho trước sao cho đúng. Nếu câu hỏi cho ghép 4 cặp thì xác suất đúng hú hoạ là 1/24.

- Điền khuyết: Một mệnh đề cho đoạn trống để học sinh điền kết quả theo ý mình. Học sinh không thể hú hoạ để điền đúng.

- Câu trả lời ngắn: Học sinh cũng phải tự nghĩ để trả lời.

- Câu đúng sai: Học sinh khẳng định mệnh đề đúng hay sai. Xác suất hú hoạ đúng là 1/2. Chính là trường hợp riêng của câu nhiều lựa chọn.

- Câu nhiều lựa chọn: Học sinh phải chọn 1 phương án đúng hoặc tốt nhất trong các phương án cho trước. Hiện nay ta mới dùng dạng trắc nghiệm này với 4 phương án nên xác suất hú hoạ đúng là 1/4. Nếu tăng thêm 1 phương án thì xác suất chỉ còn 1/5. Kiểu câu NLC được sử dụng phổ biến hơn cả vì, một mặt, chúng có cấu trúc đơn giản, dễ xây dựng thành các đề thi, dễ chấm điểm tự động, mặt khác, chúng cho phép đánh giá được nhiều cấp độ nhận thức từ thấp đến cao.

- Câu thí sinh tự tạo đáp án: Thông thường đáp án bằng số và thí sinh phải điền kết quả bằng số vào bài thi.

Trong thực tế, từ năm 2008 khi thiết kế cuộc thi ViOlympic và năm 2010 với cuộc thi IOE, tôi đã đưa tất cả các dạng câu trắc nghiệm khách quan trên vào bài thi và hoàn toàn chấm bằng máy.

Như vậy nói đến trắc nghiệm khách quan thì không thể nói là hú hoạ, ngẫu nhiên nếu như chúng ta tận dụng nhiều loại câu trắc nghiệm khách quan như đã nói ở trên. Để làm được đề thi như vậy, học sinh vẫn phải tư duy và tư duy nhanh, bởi thời gian cho mỗi câu thường rất ngắn, tránh luôn được hiện tượng gian lận trong thi cử hay học tủ, chấm sai như khi thi tự luận.

PV: Tuy vậy, trong thực tế không ít giáo viên than phiền, từ khi kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức bài thi theo hình thức trắc nghiệm, nhiều học sinh không biết giải bài toán một cách logic mà chủ yếu giải Toán theo mẹo, thậm chí dựa cả vào sự may rủi khi chọn bừa một đáp án?

TS. Lê Thống Nhất: Nếu học sinh không biết giải toán thì là lỗi của giáo viên. Dạy mẹo cho học sinh chỉ có thể loại bớt các phương án còn may rủi cho cả 50 câu hỏi mà điểm cao thì ngang với trúng xổ số giải đặc biệt. Bởi vậy, dù thi kiểu nào thì giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12 vẫn phải dạy học sinh hiểu vấn đề và hiểu cách giải quyết bài toán. Ngoài ra có thể dạy thêm những dấu hiệu để nhanh chóng loại bớt các phương án sai. Ngay việc áp dụng các dấu hiệu này cũng đòi hỏi tư duy.

TS. Lê Thống Nhất.

"Thi tốt nghiệp THPT chỉ là kỳ thi sát hạch chứ không phải kỳ thi tuyển"

PV: Với một đề thi trắc nghiệm môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT có 50 câu với thời gian làm bài 90 phút, trung bình chưa đầy 2 phút học sinh phải đưa ra một đáp án đúng. Như vậy, học sinh phải tư duy nhanh mà nếu không tư duy nhanh sẽ dẫn đến chọn bừa thay vì tư duy trình bày lời giải theo phương pháp tự luận?

TS. Lê Thống Nhất: Trong cuộc sống thực tế có nhiều câu hỏi hay vấn đề chúng ta phải trả lời hay đưa ra phương án nhanh. Việc rèn luyện tư duy nhanh là cần thiết bởi có khi chúng ta chỉ có máy giây cho một quyết định. Lúc đó không có thời gian cho tự luận.

Trước đây thi tự luận, nhiều học sinh đã trúng tủ và giải được cả câu khó nhất mặc dù không phải là học sinh giỏi. Trong nhiều cuộc thi quan trọng vẫn có những xì xào về lộ đề hay trúng tủ. Thậm chí chấm gian dối. Trắc nghiệm khách quan còn chống được nhiều tiêu cực trong thi cử. Nếu thi trên máy tính thì chúng ta còn bớt được công đoạn in sao đề, lọt đề ra ngoài và nhập dữ liệu bài thi sai dẫn đến chấm sai. Bớt sự tham gia của con người thì kết quả càng khách quan, công bằng.

PV: Vấn đề của giáo dục Việt Nam là thường thi như thế nào sẽ tổ chức cách dạy học như thế, thưa ông?

TS. Lê Thống Nhất: Không ai chỉ đạo dạy học chạy theo thi trắc nghiệm chọn 1 trong 4 phương án. Bởi vậy cần có sự quản lý dạy học từ tổ chuyên môn đến nhà trường, Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT. Đặc biệt kiểm tra, thanh tra về việc tổ chức thi định kỳ ở tất cả các lớp. Ở đây cũng nói thêm ở nhiều nước sách toán có nhiều bài trắc nghiệm và học sinh làm ngay vào sách.

PV: Theo quan điểm của ông, giữa phương pháp thi trắc nghiệm và phương pháp thi tự luận của môn Toán có sự chênh lệch nhiều về kết quả đánh giá học sinh hay không?

TS. Lê Thống Nhất: Điều này cần có sự phân tích cụ thể bằng dữ liệu. Tuy nhiên mỗi phương pháp thi đều có ưu và nhược điểm. Với kỳ thi cho gần 1 triệu học sinh thì phương pháp trắc nghiệm khách quan, đặc biệt khi thi trên máy tính chắc chắn nhiều ưu việt hơn phương pháp tự luận. Thi tốt nghiệp chỉ là kỳ thi sát hạch chứ không phải kỳ thi tuyển.

PV: Vậy, vấn đề đáng bàn trong việc tổ chức thi trắc nghiệm đối với môn Toán hiện nay là gì, thưa ông?

TS. Lê Thống Nhất: Vấn đề cần phải quan tâm hiện nay là ngân hàng câu hỏi. Cần đưa nhiều loại, nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm trắc quan vào đề thi. Xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan và có thực nghiệm để chuẩn hoá. Các công ty khảo thí uy tín trên thế giới, các câu hỏi phải thực nghiệm 2 năm để chuẩn hoá mới đưa vào ngân hàng câu hỏi thi.

PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng các bộ câu hỏi trắc nghiệm đề thi môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm vừa qua?

TS. Lê Thống Nhất: Tôi nhận thấy còn thiếu quá nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan và một số đề thi lấy từ các câu hỏi chưa chuẩn hoá. Các phương án gây nhiễu đang ở mức độ thấp. Trong lĩnh vực này có các phương pháp toán học để đánh giá ngân hàng câu hỏi và đề thi trắc nghiệm mà những nhà quản lý thi cần nghiên cứu để đánh giá.

PV: Trên thế giới, khi kiểm tra, đánh giá trên diện rộng học sinh, có nhiều quốc gia tổ chức bài thi trắc nghiệm môn Toán không, thưa ông?

TS. Lê Thống Nhất: Ở Mỹ, hệ thống các bài thi để đánh giá năng lực học sinh trung học khá đa đạng, trong đó cơ bản và tiêu chuẩn chung nhất là bằng phát triển giáo dục tổng quát (GED), dành cho người từ 17 tuổi trở lên.

Bằng này tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam. Phần thi toán của bài GED được sắp xếp dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm và được chia làm hai phần, là những câu được sử dụng máy tính và những câu không được sử dụng máy tính.

Trong khi đó, nhiều trường đại học ở Mỹ chọn bài thi SAT hoặc ACT làm bài thi xét tuyển. Thí sinh có thể chọn làm một trong hai hoặc cả hai. Phần thi toán trong bài SAT và ACT cũng được trình bày ở dạng trắc nghiệm và được chia làm hai phần tương tự bài thi GED.

Tại châu Á, học sinh trung học Nhật Bản phải tham dự đến hai kỳ thi nếu quyết định vào đại học. Kỳ thi chung đầu tiên diễn ra vào hai ngày đầu tháng 1, với Toán là môn bắt buộc, hình thức thi trắc nghiệm.

Tham dự xong kỳ thi này, học sinh sẽ phải tham dự tiếp một kỳ thi riêng của các trường đại học có nguyện vọng theo học. Hình thức của kỳ thi thứ hai là viết bài luận và vấn đáp.

Ở nước ta, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh đại học thì nên coi kết quả này chỉ là sơ khảo thì sẽ tuyển tốt hơn.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, các học sinh trải qua kỳ thi tuyển sinh vào đại học mang tên Gaokao (cao khảo). Ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, tiếng Anh, văn học, thí sinh sẽ chọn thêm môn thi thuộc nhóm khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, chính trị) hoặc nhóm khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học).

Hình thức thi các môn hầu hết là trắc nghiệm. Bài thi viết chỉ yêu cầu với thí sinh muốn tìm hiểu sâu lĩnh vực triết học.

Hình thức bài thi toán tuyển sinh đại học tại Nga cũng có phần tương tự với kỳ thi “cao khảo” để chống gian lận.

Kỳ thi toán quốc tế Kangaroo, hoàn toàn thi trắc nghiệm với câu hỏi 5 lựa chọn. Kỳ thi SASMO Singapore và Châu Á có 15 câu hỏi trắc nghiệm 5 lựa chọn và 10 câu hỏi chỉ ghi đáp số.

PV: Ông nghĩ sao với phương án một đề thi Toán 70% là trắc nghiệm và 30% là tự luận?

TS. Lê Thống Nhất: Với tôi thì 100% trắc nghiệm khách quan sau khi đã bổ sung các loại câu trắc nghiệm nói ở trên với ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá sẽ tốt hơn là cho 30% tự luận mà để học sinh trúng tủ hay kết quả phụ thuộc vào người chấm.

Chúng ta nên nhớ kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là kỳ thi sát hạch theo chuẩn kiến thức kỹ năng, không phải là kỳ thi tuyển và việc chống gian lận trong mọi khâu của quy trình là rất quan trọng.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!

Khôi Nguyên/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận