Loại bỏ những cuộc thi nặng tính thành tích

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục cần loại bỏ những cuộc thi nặng tính thành tích, trình diễn, mà nên đi vào thực chất...

 

 

 

 

Nhiều cuộc thi nặng về“diễn”, ...

Câu chuyện khiến cho không chỉ phụ huynh ở Hải Phòng, mà cả dư luận đang bức xúc là việc một số trường ở Hải Phòng cho học sinh yếu kém nghỉ học giờ thi giáo viên dạy giỏi. Đây không phải hiện tượng cá biệt, trái lại còn khá phổ biến. Việc cho học sinh (HS) yếu kém hoặc “cá biệt” ở nhà vào giờ dạy học có đoàn kiểm tra đến dự giờ hoặc chọn HS giỏi vào học giờ thi giáo viên (GV) dạy giỏi đã khá quen thuộc ở nhiều nơi. AnhNguyễn Sang, một phụ huynh ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, đây chính là che đậy sự yếu kém của GV, nếu GV dạy giỏi sao không dạy được những HS yếu kém thành khá giỏi được. Ở góc độ người trong cuộc, một giáo viên ở Hà Nội cho hay, không bao giờ tham gia cuộc thi GV dạy giỏi, dù là cấp trường. Toàn bộ những cuộc thi này đều gây áp lực và mệt mỏi cho GV. Quan trọng nhất, mình cho rằng để biết giáo viên đó có dạy giỏi hay không thì người đánh giá chính xác và khách quan nhất là HS, chứ không phải đồng nghiệp. Những buổi dự giờ này, GV và HS không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc soi mói lẫn nhau, rất phản tác dụng. Trong khi GV cần có thêm thời gian và công sức để tập trung cho việc dạy dỗ và chăm sóc HS.

Hiệu trưởng của một trường THCS tại huyện An Dương, TP.Hải Phòng cũng có ý kiến: “Theo tôi nên dừng lại các cuộc thi hình thức như thi GV giỏi. Một GV giỏi không thể dựa vào 1 tiết dạy quy phạm mà đánh giá được. Để đánh giá họ giỏi hay không nên dựa vào sự hài lòng của phụ huynh và sự tiến bộ cả về học tập và đạo đức của học sinh. Một tiết dạy ở trên bảng là cô giáo với giáo án được chuẩn bị kỹ càng ở dưới là những học sinh chọn lọc thì không có giá trị để đánh giá điều gì cả”.

Một số ý kiến cũng cho rằng, việc cô giáo “bỏ rơi” HS yếu kém như vậy thì không xứng đáng là giáo viên giỏi mà ngược lại là GV kém. Giáo viên dạy giỏi là trong một lớp học có nhiều đối tượng khác nhau từ học sinh kém, trung bình đến khá giỏi... nhưng cô giảng sao cho các đối tượng đều tiếp thu được. “Ứng xử của  giáo viên không trung thực mà tạo nên sự gian dối, mang nặng tính thành tích trong khi GV là một tấm gương cho học sinh noi theo thì đây là tấm gương không tốt. Ngành giáo dục cần sớm bỏ cách làm như vậy”- một chuyên gia giáo dục cho biết.

Thay đổi cách đánh giá để đi vào thực chất

            Thực tế lâu nay chính việc gắn quyền lợi của GV vào giải thưởng đã nảy sinh những gian dối, tiêu cực. TheoTiến sĩ Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì, để giải quyết bất cập trên, giải pháp đơn giản là đừng đánh giá GV bằng giải thưởng mà hãy đánh giá người dạy qua sự tiến bộ của người học thì chắc chắn giáo viên sẽ phải giảng dạy bằng thực chất. Thanh tra giáo dục sẽ kiểm tra trình độ của một số HS bất kỳ trong lớp, so sánh với kết quả học tập các năm trước là có thể nhận định để đánh giá giáo viên trực tiếp giảng dạy. Đừng chỉ để đánh giá giáo viên mà làm hại HS.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhất trí với đề xuất:Ngành giáo dục nên dẹp bớt những cuộc thi hình thức như vậy mà nên để HS đánh giá giáo viên. Một GV giỏi không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là tấm gương về đạo đức, cô phải có tấm lòng yêu thương tất cả các HS, không chỉ học sinh giỏi mà cả những em yếu kém. Có nghĩa là GV giỏi phải giỏi toàn diện chứ không chỉ trong một buổi biểu diễnchuyên môn”.

Sau khi báo chí phản ánh vụ việc trên ở một số trường ở Hải Phòng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã cử Tổ công tác của Bộ tiến hành rà soát, kiểm tra. Mới đây, chia sẻ về kết quả sau đợt rà soát, TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng thừa nhận có tình trạng 'diễn' trong các hội thi giáo viên dạy giỏi và việc này không chỉ xảy ra ở Hải Phòng.Ông Thái Văn Tài cho biết: Thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi GV dạy giỏi không còn phù hợp: Sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi.

Qua khảo sát thực tế tại cụm thi Trường Tiểu học Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng và trao đổi trực tiếp với GV cho thấy, giáo viên rất mong muốn có sự điều chỉnh để cuộc thi diễn ra một cách nhẹ nhàng, thực chất, tránh gây áp lực không cần thiết về thi đua và bệnh thành tích.../.

 Bỏ đánh giá GV bằng giải thưởng mà hãy đánh giá người dạy qua sự tiến bộ của người học

 

Bình luận

    Chưa có bình luận