Có đủ sức nói không với gian lận trong chấm thi THPT Quốc gia 2019?

Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều giải pháp nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân về một kỳ thi Quốc gia nghiêm túc, công bằng.

 

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã gây chấn động xã hội vì những tiêu cực, gian lận trong công tác chấm thi. Theo kết luận của cơ quan điều tra về kết quả chấm thẩm định điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại 3 tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, có tất cả 222 thí sinh được nâng điểm thi. Điều đáng quan tâm là trong số những những thí sinh này có em là thủ khoa, á khoa ở một số trường quân đội, sư phạm...

Ở tỉnh Hà Giang, có thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Tại tỉnh Hòa Bình, có thí sinh được nâng điểm tổng 3 môn thi là 26,45. Còn ở Sơn La, có thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, việc gian lận trong chấm thi ở Hà Giang được thực hiện sau khi cán bộ chấm thi mở túi, scan bài thi, chuyển file ảnh scan thành file text để chấm. Ở Hòa Bình, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an phát hiện có dấu hiệu can thiệp làm thay đổi trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.

Còn tại tỉnh Sơn La, các cơ quan chuyên môn và điều tra đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Còn ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD-ĐT giữ (do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La gửi trước khi chính thức cho máy chấm thi) hoàn toàn giống nhau. Hành vi nâng điểm được thực hiện từ trực tiếp bài thi của thí sinh nên sự phát hiện sẽ khó hơn cho cơ quan điều tra.

Mã hóa toàn bộ dữ liệu bài thi

Cho đến nay, cơ quan công an và các ngành liên quan đã khởi tố những đối tượng liên quan đến gian lận trong chấm thi ở kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và đang tiếp tục điều tra vụ việc.

Từ những lỗ hổng trong công tác chấm thi ở kỳ thi THPT Quốc gia 2018, năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm lấy lại niềm tin của xã hội và nhân dân về một kỳ thi quốc gia thực sự nghiêm túc, công bằng.

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm nay sẽ có nhiều thay đổi về mặt kỹ thuật để hạn chế gian lận.

Theo đó, với sự cải tiến của phần mềm quản lý thi, quy trình chấm thi trắc nghiệm năm nay gồm nhiều bước. Sau khi mở niêm phong bài thi, phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.

Ngay sau khi quét, tất cả dữ liệu bài thi đều được mã hoá. Việc sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD thành 3 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 1 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD-ĐT.

Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm. Dữ liệu bài thi được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD-ĐT cấp khóa giải mã.

Theo ông Mai Văn Trinh, rút kinh nghiệm của kỳ thi năm 2018, các phòng bảo quản bài thi, chấm thi THPT Quốc gia năm nay đều được lắp camera giám sát nghiêm ngặt.

Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất 1 năm.

Giao trường đại học chấm thi trắc nghiệm

Nếu như năm 2018, việc chấm thi Trắc nghiệm và Tự luận đều được giao cho các địa phương thực hiện thì năm nay, nhằm ngăn chặn gian lận trong chấm thi, Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh trong công tác chấm thi các bài Trắc nghiệm.

Theo đó, Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.

Chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi và bài thi đạt điểm cao

Đối với việc chấm bài thi Tự luận (môn Ngữ văn), Bộ GD-ĐT giao cho các Sở GD-ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập. Công tác kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở tất cả 63 Hội đồng thi.

Điểm mới trong công tác chấm thi năm nay và cũng là giải pháp góp phần kiểm soát điểm thi của thí sinh là Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương phải thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.

Ngoài ra, nhằm hạn chế những gian lận trong công tác chấm thi đã xảy ra như năm 2018, năm nay, Bộ GD-ĐT cho biết không công bố đáp án các môn sau khi thí sinh thi xong.

Với sự đổi mới trong công tác chấm thi như trên, ông Bùi Văn Đường, Hiệu trưởng trường THPT Công nghiệp, tỉnh Hòa Bình nêu quan điểm, năm 2018 ở một số địa phương như: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã xảy ra tiêu cực trong khâu chấm thi nên có hàng trăm bài thi dưới điểm trung bình được nâng lên thành 9-10 điểm.

Trước những gian lận đó, năm nay, Bộ GD-ĐT có sự đổi mới trong khâu chấm thi như thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi đạt điểm cao. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì Bộ có thể yêu cầu mở rộng để các trường ĐH chấm thẩm định lại toàn bộ bài thi đạt điểm cao.

Là thành viên từ trường ĐH, góp ý vào việc chấm thi các bài thi Trắc nghiệm và Tự luận, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, các phòng thi đều được giám sát bằng camera 24/24h; những bài thi trắc nghiệm được đánh phách điện tử. Tất cả dữ liệu bài thi đều được mã hoá; phần mềm có chức năng thông minh, không cho người dùng can thiệp sửa lỗi.

Nhìn vào những biện pháp được Bộ GD-ĐT đưa ra đã cho thấy, các biện pháp chống gian lận thi cử của Bộ năm nay là ổn và mong các năm sau tiếp tục duy trì như vậy để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

“Việc chấm thi Trắc nghiệm nên giao cho các trường ĐH vì đa phần các thầy cô giáo giảng viên giảng dạy các khối Khoa học tự nhiên và dạy Ngoại ngữ. Còn phần thi Tự luận giao cho các giáo viên cấp THPT chấm là phù hợp hơn vì các thầy cô giảng dạy trực tiếp cho học sinh. Các giảng viên ĐH không dạy Ngữ văn ở cấp THPT nên chấm không chuẩn xác bằng giáo viên phổ thông. Với quy chế năm nay và việc cả xã hội vào cuộc, chắc chắn gian lận trong chấm thi bị loại trừ”, ông Đức Triệu chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, đối với các trường ĐH, việc chấm thi Tự luận có năm gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu giảng viên hoặc không có người.

Thiết bị công nghệ cao: Nỗi lo lớn, khó kiểm soát

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các lực lượng trong xã hội, năm nay, có thể không có gian lận trong khâu chấm thi nhưng chúng ta phải lưu ý gian lận thi cử dễ xuất hiện ở công đoạn coi thi khi thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao. Đó là thí sinh lợi dụng quy chế cho phép được mang thiết bị chỉ có chức năng thu không có chức năng phát tín hiệu, truyền tải dữ liệu ra bên ngoài nhưng lại truyền đề ra bên ngoài và nhận đáp án từ bên ngoài vào phòng thi. Ví dụ trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, có thí sinh ở Phú Thọ đã mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề ra bên ngoài nhờ người giải hộ.

Theo ông Nguyễn Phong Điền, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển vượt trội, vũ bão như hiện nay, có những thiết bị công nghệ rất nhỏ gọn như chiếc cúc áo hoặc như hạt đỗ có để đặt vào tai thí sinh thì không phải cán bộ coi thi nào cũng dễ dàng nhận biết, phát hiện kịp thời. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn gian lận từ công tác coi thi như ngắt tín hiệu truyền tải thông tin ở trong phòng thi ra ngoài và ngược lại.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục nhận định, những giải pháp của Bộ GD-ĐT để ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt là công tác chấm thi đã cho thấy quyết tâm của Bộ trong việc lấy lại niềm tin của nhân dân về một kỳ thi nghiêm túc, công bằng.

Năm 2018, khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả điểm thi THPT Quốc gia, khi nhìn vào điểm thi và phổ điểm của từng môn, từng địa phương, các chuyên gia giáo dục mới phát hiện được những bất thường về điểm thi ở một số địa phương như: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình so với những tỉnh, thành khác.

Ngoài những giải pháp ngăn chặn tiêu cực, gian lận trong chấm thi, cũng giống như năm ngoái, năm nay, chúng ta nên đợi thêm kết quả chấm thi và phổ điểm của kỳ thi THPT Quốc gia ở các địa phương thì mới có thể biết được kỳ thi này có gian lận điểm thi hay không.

Quan trọng vẫn là con người

Theo Bộ GD-ĐT, với giải pháp kĩ thuật chống gian lận trong chấm thi như trên, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế được tiêu cực. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người nên phải lựa chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện công tác chấm thi.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi phải đảm bảo nắm vững chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao. Song song với đó, Bộ đề nghị các địa phương, trường ĐH phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng cho từng cán bộ tham gia làm thi, có tập huấn chi tiết, để đảm bảo rõ người, rõ việc, nắm chắc quy chế, làm đúng quy trình, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có thực sự nghiêm túc, công bằng và khách quan hay không phụ thuộc rất nhiều vào con người.

Vì vậy, việc chọn lọc cán bộ coi thi, chấm thi có đạo đức, kiến thức và trách nhiệm cao phải được đặt lên hàng đầu./.

(Theo Bích Lan/VOV.VN)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận