Tỷ lệ tốt nghiệp sụt giảm, vì sao?

Tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước  giảm hơn 3% so với năm 2018. Đặc biệt ở những điểm 'nóng' sụt giảm mạnh đến 25%.

 

                                  

          Tỷ lệ tốt nghiệp giảm mạnh ở “điểm nóng”

Sáng 16/7, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, qua thống kê sơ bộ, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 trên cả nước đạt 94,06%, giảm 3,51% so với năm ngoái. Những vùng điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, truyền thống học tập tốt, tỷ lệ tốt nghiệp duy trì cao. Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ tốt nghiệp thấp.

Năm 2019, cả nước có hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia, trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là hơn 653.200, số chỉ xét tốt nghiệp là gần 234.000. Việc xét tốt nghiệp năm nay thay đổi lớn về cách cộng điểm khuyến khích và cách tính điểm chung. Năm nay, mặc dù đề thi "dễ hơn" so với năm 2018 nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung trên cả nước đều giảm.

Theo kế hoạch, hết ngày 16/7, các Sở GD-ĐT phải hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ. Chậm nhất ngày 21/7, hiệu trưởng các trường phổ thông phải cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La cho biết, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung của địa phương này là 71,97%. Trong đó hệ THPT là 77,79%, hệ giáo dục thường xuyên là 28,34%. So với năm 2018 thì tỷ lệ đỗ của thí sinh tỉnh Sơn La đã giảm đáng kể, năm 2018, tỷ lệ đỗ là 97,29%, như vậy, tỷ lệ tốt nghiệp tại địa phương này năm nay sụt hơn 25%. Đỗ thấp nhất là Trường THPT Co Mạ, chỉ đạt 52,92%. Tại Hà Giang, ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết tỷ lệ đỗ của toàn tỉnh là 71,96%, thấp hơn năm 2018 gần 17%. Năm 2018, Hà Giang cũng thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất nước (89,35%). Tại Hòa Bình, thống kê sơ bộ cho biết tỷ lệ tốt nghiệp THPT giảm hơn 10% so với năm trước.

Những địa phương được xem là “đất học” ở khu vực miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh... đều vẫn có tỷ lệ tốt nghiệp cao, đứng đầu bảng trong kết quả ở nhiều môn thi. Tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT của Nam Định đạt 99,53%; hệ giáo dục thường xuyên đạt 88,74%. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, tỷ lệ tốt nghiệp là 96,18%, trong đó hệ THPT đạt 97,6%; giáo dục thường xuyên đạt 83,68%. Có 70 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Theo Sở GD-ĐT Thanh Hóa, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 92,39%, giảm hơn 5% so với năm trước (năm 2018 là 97,46%).

 

Đánh giá thực chất?

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ xét điểm thi THPT Quốc gia giảm là do cách tính điểm xét tốt nghiệp thay đổi, điểm thi được tính 70% và kết quả học tập 30% thay vì 50% - 50% như năm 2018, trong khi đó chất lượng giáo dục và kết quả thi thì chưa được nâng lên đáng kể để “bù” vào cách tính điểm mới này. Bên cạnh đó, các chuyên còn cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước và nhiều địa phương giảm, có nơi giảm mạnh là tín hiệu đáng mừng cho thấy việc siết chặt kỷ luật thi cử đã có tác dụng.

 TS. Lê Viết Khuyến cũng lý giải: Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay sụt giảm là do cách tính điểm xét tốt nghiệp thay đổi, trước đây (tỷ lệ 50-50) dễ nảy sinh tiêu cực, chạy học bạ “đẹp”. Năm nay với cách tính mới (tỷ lệ 70-30) đã đánh giá sát sao hơn, đúng thực lực thí sinh hơn, vì thế nó thụt xuống là điều có thể hiểu”. Ông Khuyến còn cho rằng, nếu đặt mục tiêu “2 trong 1” thì phổ điểm của kỳ thi năm nay chỉ giải quyết được mục tiêu xét tuyển đại học, còn mục tiêu xét tốt nghiệp chính thì chưa được chuẩn. Lý do là xét tốt nghiệp không cần đến phổ điểm mà cần căn cứ vào thông số chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông. Kết quả của học sinh phổ thông so sánh chuẩn đầu ra đạt được tỷ lệ bao nhiêu; việc đánh giá tỷ lệ tốt nghiệp đó là cao hay thấp cũng vẫn gây tranh cãi vì không có chuẩn... Cách đánh giá này của Bộ GD-ĐT lâu nay vẫn mang kiểu định tính như thế.../.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận