Trượt tốt nghiệp vẫn còn nhiều 'cửa sáng'

Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường lao động, nhu cầu cao về nhân lực trình độ trung cấp, sơ cấp nghề đang cao. Học sinh trượt tốt nghiệp vẫn còn cơ hội.

 

Thị trường “khát” lao động có tay nghề              

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 có gần 75.000 thí sinh tham gia và kết quả có khoảng 3.000 thí sinh trượt tốt nghiệp. Điều này cho thấy do hoạt động phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt hiệu quả, vì thế đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng, trong khi các ngành học bậc trung cấp tại nhiều trường chỉ có vài trăm học sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.

Nhiều giáo viên cho rằng, đa số phụ huynh định hướng cho con em mình sau khi tốt nghiệp THCS nên tiếp tục học lên THPT, nhưng không nắm rõ được tâm lý, học lực của con cũng như hoàn cảnh gia đình mình; hoặc họ không nắm rõ chương trình đào tạo nghề của các trường, các thông tin mới của Chính phủ về phân luồng học sinh THCS nên không biết tư vấn con em mình thế nào, đành tiếp tục theo lối mòn cũ là cho con học tiếp lên cấp 3. Do đó, việc tổ chức phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT là giải pháp căn bản để giúp mỗi học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề và hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Một vài năm gần đây, xu hướng không học đại học mà chuyển sang học nghề, học trung cấp... ngày càng rõ rệt. Nhiều em thay vì học THPT có thể học trung tâm giáo dục thường xuyên và sau 3 năm ra trường các em có trong tay 2 tấm bằng: văn hóa và chứng chỉ nghề. Điều này vừa giúp các em rút ngắn thời gian, vừa tiết kiệm tiền bạc, có thể lập thân lập nghiệp sớm. Ngay cả học sinh tốt nghiệp THCS cũng có rất nhiều con đường lựa chọn nếu không học tiếp lên THPT thì có thể học lên trung cấp; cũng có thể vừa đi làm vừa học tiếp lên THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên…

Ông Thành dẫn chứng một thực tế, nhiều em có bằng cử nhân nhưng xin việc gặp khó khăn khi các doanh nghiệp chỉ cần lao động có tay nghề. Hằng tháng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận được hàng trăm, thậm chí cả ngàn chỉ tiêu tuyển lao động ở những ngành nghề sản xuất hoặc ngành nghề dịch vụ. Ví dụ, thị trường hiện đang cần nhân lực trong ngành kỹ thuật như cơ khí - tự động hóa; gò hàn... vì thế, nhiều doanh nghiệp đến tận trường nghề xin học sinh mà trường không có đủ để cung cấp. Thậm chí, doanh nghiệp phải tuyển lao động phổ thông, sau đó tổ chức hướng dẫn, đào tạo nghề. Với những em học ngành nghề cơ khí - hàn có kỹ năng thành thạo, tay nghề cao thì lương có thể lên tới 8-10 triệu đồng/tháng; còn với ngành dịch vụ như: bán hàng, nhân viên nhà hàng, khách sạn có mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng cho biết: Trong giai đoạn 2018-2025 đến năm 2030, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân 85%, trong đó nhu cầu nhân lực có sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ 21%, đặc biệt, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo, có xu hướng tăng qua các năm và cao hơn nhiều so với nguồn cung nhân lực trung cấp, chiếm trung bình 29%. Trong khi cung nhân lực chỉ chiếm khoảng 10%, chủ yếu thiếu hụt nhân lực trình độ trung cấp tập trung vào các nhóm ngành kỹ thuật như: cơ khí - tự động hóa - luyện kim; điện - điện công nghiệp - điện lạnh; công nghệ thông tin; điện tử - cơ điện tử, xây dựng; công nghệ thông tin; điện tử - viễn thông, du lịch - nhà hàng - khách sạn...

Nhiều chuyên gia nghiên cứu thị trường lao động cũng cho rằng, quan niệm học nghề thua kém hơn so với học đại học đã là quan niệm rất lỗi thời, bởi thực tế công việc cho thấy những người có tay nghề tốt khi lập nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi và dễ thành công hơn. Con đường cũng rộng mở hơn cho những học sinh có ý thức phấn đấu và khả năng sau 5 năm các em vẫn đạt được tấm bằng Đại học. Thời gian đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên CĐ và từ CĐ nghề lên ĐH 1,5-2 năm. Đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên ĐH 3-4 năm.

Phân luồng sớm, tránh lãng phí

Dù đã có nhiều đề án, chỉ thị, nghị quyết bàn về vấn đề phân luồng học sinh trong giáo dục đặt ra nhiều năm nay, tuy nhiên hiệu quả vẫn rất thấp. Thầy Huỳnh Mạnh Nhân, Phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo Trường CĐ Công Thương miền Trung băn khoăn: “Học nghề hay đại học: Vẫn còn lắm băn khoăn!. Việc lựa chọn học đại học hay học nghề thì hầu hết đích đến cuối cùng của học sinh và gia đình là sau khi tốt nghiệp tìm được một việc làm tốt, có nhiều quyền lợi”. Thầy Nhân chia sẻ, dù học đại học hay học nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) cơ hội việc làm đều rất lớn dành cho các em sau khi tốt nghiệp. Người có bằng cấp cao chưa chắc được hưởng quyền lợi cao. Hãy lựa chọn cho mình con đường phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân, cố gắng trau dồi kiến thức, rèn luyện tốt kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình học tập thì thành công sẽ đến với các bạn.

ÔngTrần Anh Tuấn đề xuất, cần có các biện pháp tăng cường hiệu quả hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THCS như: Tăng cường thông tin định hướng xã hội, không nên chú trọng học nghề theo giá trị bằng cấp, vì để tham gia được vào thị trường lao động là năng lực hành nghề, bởi vậy bản thân mỗi học sinh sau trung học cần chọn nghề học theo năng lực, điều kiện và xu hướng phát triển thị trường lao động.  Các trường THCS cần tăng cường hoạt động hướng nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội, phụ huynh và học sinh, cần mở rộng đối với học sinh THCS...

Có thể nói, nếu công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông tốt sẽ giảm bớt áp lực thi cử, tiết kiệm thời gian, chi phí cho gia đình và học sinh. Hiện nay, Chính phủ đã có những chương trình hỗ trợ vay vốn cho người học... Mục tiêu cuối cùng mà việc phân luồng học sinh muốn đạt được là học sinh sau khi học tập sẽ có việc làm ngay, có mức lương ổn định phục vụ nhu cầu bản thân và mang lại lợi ích cho xã hội...

 

*Mục tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 có ít nhất 30% và đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

**Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH), báo cáo của 63 sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,Riêng trong năm 2018, tỷ lệ học sinh sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp có việc làm sau tốt nghiệp đạt khoảng 85%.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận