Tạo đòn bẩy cho sinh viên khởi nghiệp

Làm sao để khởi nghiệp thực sự có hiệu quả, đang là một bài toán khó của các trường trong việc hướng tới mô hình đại học khởi nghiệp.

 

Sinh viên Việt còn "đủng đỉnh" với khởi nghiệp

Phạm Thành Tôn (22 tuổi), sinh viên Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội đang cùng 9 người bạn khởi nghiệp với dự án “Ứng dụng công nghệ 3D phục vụ y tế và giáo dục” - Dự án đoạt giải nhất sinh viên - Starup 2019. Tôn cho biết, dự án thể hiện rõ tiềm năng trong lĩnh vực y tế khi nhóm có thể tạo ra các sản phẩm xương bằng nhựa peek (loại nhựa sinh học) để cấy ghép vào cơ thể người, thay thế các xương bị gãy, hỏng. Hiện nhóm đã thử nghiệm thành công trên 10 bệnh nhân của ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, nhóm Tôn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường vì hiện tại mới liên kết với Đại học Y nên sản phẩm chưa được biết đến rộng rãi. Đây cũng là khó khăn không chỉ của riêng Tôn, vì vậy, nhiều sinh viên mong muốn các trường sẽ tích cực tạo ra sân chơi, cuộc thi về khởi nghiệp để học sinh, sinh viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và tìm “chiến hữu” có chung đam mê và mục tiêu.

Theo một số chuyên gia kinh tế, đặc điểm chung thường thấy của các nhóm khởi nghiệp sinh viên là hạn chế về tài chính, dẫn đến việc các sản phẩm tuy có tính ứng dụng cao nhưng chất lượng kỹ thuật còn ở mức cơ bản, giá bán không cao. Cho nên, phải giải được bài toán tìm kiếm thị trường và định hướng phát triển sản phẩm.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT cho rằng: Chuyện khởi nghiệp ở bậc ĐH là rất khó, mặc dù trong chuẩn chương trình, chuẩn kiến thức của hệ thống GD quốc dân, chuẩn đầu ra của các ngành đại học là phải làm sao dạy cho sinh viến kiến thức, tố chất để khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp liên quan đến doanh nghiệp, hơn nữa xã hội chưa có văn hóa khởi nghiệp, trong khi các nước khác đã có nền tảng phát triển lâu rồi. Làm sao để tạo ra được sản phẩm, thu hút được vốn đầu tư ban đầu, bán được cổ phần của mình, thậm chí bán công ty của mình để tiếp tục xây dựng công ty mới, là điều sinh viên cần quan tâm. Nếu so với sinh viên ĐH ở các nước thì rõ ràng sinh viên Việt Nam rất “đủng đỉnh”.

Trường ĐH FPT có bộ phận riêng, nguồn tài chính riêng để hỗ trợ sinh viên, có những môn dạy về khởi nghiệp, thi, sinh viên nào có ý tưởng khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ tài chính, có người hướng dẫn những bước ban đầu. Nếu sản phẩm của sinh viên tốt, thành lập được công ty thì trường có thể đầu tư, thậm chí biến thành cổ phần của trường. Mặc dù có sự hỗ trợ như vậy nhưng hiệu quả của việc khởi nghiệp vẫn còn thấp, vì tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên còn kém

Khởi nghiệp ở giảng đường có nhiều thuận lợi

TS. Lê Trường Tùng cho biết: Ở Mỹ, Israel, tinh thần khởi nghiệp có ở từng góc của giảng đường, từng sân trường, sinh viên ngồi với nhau bàn tán hôm nay bạn này, bạn kia có ý tưởng đã thu hút được vốn đầu tư hoặc bán được công ty với giá bao nhiêu... và họ khao khát cũng làm được điều đó. Nghĩa là ngay từ khi còn ngồi trong trường, sinh viên nước ngoài đã nghĩ làm gì để thu hút được vốn hoặc làm gì hình thành công ty sau này cổ phần hóa bán ra thị trường. Ở đâu cũng thấy nói, thấy bàn về chuyện khởi nghiệp nên nó tạo sự háo hức. Không khí, văn hóa khởi nghiệp chính là chỗ đó. Ở Israel có đến 40% sinh viên tốt nghiệp ra làm lãnh đạo công ty mới.

Theo ông Tùng, việc khởi nghiệp trong trường là rất thuận lợi và rất nhanh vì các em có nhiều thời gian, có bạn bè, thầy cô hỗ trợ không chỉ về kiến thức mà còn cả về tài chính. Ông dẫn chứng, bài tập của sinh viên năm thứ 2 của ĐH FPT là phải viết lại facebook, hay học cơ khí, trên cơ sở những cái có sẵn, sinh viên có thể chế tạo, thiết kế một sản phẩm tương tự, ví dụ xe máy điện... Đó phải được xem là những bài tập hết sức bình thường của các em. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phụ thuộc nhiều vào phương pháp giảng dạy của người thầy, tinh thần thắp lửa khởi nghiệp của họ. Ở nước ngoài, các thầy khởi nghiệp rất giỏi, vì thế khi sinh viên có ý tưởng hay là các em mạnh dạn xin ý kiến ngay.

Cùng với mong muốn thúc đẩy tinh thần sinh viên khởi nghiệp, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã tổ chức các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên. Các khóa học này nhằm trang bị cho các đối tượng quan tâm đến khởi nghiệp và có mong muốn khởi nghiệp những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để phát triển các dự án dựa trên những thế mạnh của bản thân và quan sát nhu cầu thị trường. Đầu năm 2019, trường đã hướng đến việc xây dựng và đưa môn học Khởi nghiệp vào giảng dạy nhằm giúp sinh viên nâng cao kiến thức, nhận thức về khởi nghiệp, định hình tư tưởng và giá trị cốt lõi khi khởi nghiệp.

Phó Giám đốc ĐHQG HN Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc đưa tinh thần đổi mới sáng tạo hay kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy không chỉ để có ngày càng nhiều sinh viên startup hơn mà còn giúp sinh viên xây dựng và tăng cường những kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, quản lý tài chính, tư duy một cách tổng quan, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp - lắng nghe người khác, tinh thần dám chấp nhận thất bại, kiên trì thử, sai và sửa sai.

Tạo môi trường thực sự để sinh viên khởi nghiệp.

Tạo môi trường thực sự để khởi nghiệp

Phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau 2 năm triển khai, Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, số lượng dự án khởi nghiệp của học sinh sinh viên ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao. “Nếu năm ngoái chúng ta có khoảng gần 200 dự án khởi nghiệp thì năm nay con số đó đã là 300. Các dự án khá chất lượng, đa dạng, tập trung vào tất cả các lĩnh vực: Công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội… Có nhiều dự án đã được các bạn HSSV triển khai và bước đầu có những thành công, nhiều dự án đã được triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng”.

Tại Ngày hội này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trường đại học bây giờ là nơi sáng tạo tri thức mới. Giáo dục phổ thông không phải truyền thụ một chiều mà khơi dậy sự sáng tạo, đầu tiên từ giáo viên rồi tới học sinh, để hình thành một lớp người không thụ động mà sáng tạo, dám nghĩ khác, làm khác trong khoa học...”.

Còn TS Tùng cho rằng, FPT có câu lạc bộ khởi nghiệp, tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp, có quỹ đầu tư... nhưng thực ra môi trường khởi nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng, môi trường ở đây không chỉ trong trường mà còn cả xã hội.

Về vấn đề này, ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ CMC cũng chia sẻ: So sánh với sinh viên Singapore mà ông từng làm việc, ông thấy sinh viên Việt Nam thiếu hiểu biết về kinh doanh, thị trường, sản xuất. Do vậy, chủ động học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường là cần thiết đối với sinh viên. “Nếu các bạn có kiến thức nền tảng về công nghệ, kinh tế hay quy trình vận hành của doanh nghiệp, tôi chắc chắn các bạn sẽ nhận mức lương rất cao sau khi ra trường”, ông Thành nói. Không những chủ động, sinh viên cần rèn luyện tính bền bỉ, đây là điểm khác biệt rõ rệt giữa người thành công và kẻ thất bại. Đối với những thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường, sự bền bỉ được thể hiện qua việc lĩnh hội kiến thức. Sinh viên nên tìm sự hỗ trợ từ những nhà cố vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp để hạn chế rủi ro. Hầu như không có sinh viên nào vừa tốt nghiệp có thể nắm rõ về thị trường nên cần thời gian tích luỹ kiến thức.

Có thể nói, hành trình vươn đến Quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam đang cần không chỉ những người làm kinh doanh, mà cần cả xã hội có tinh thần khởi nghiệp. Trong đó, trường đại học đóng vai trò then chốt, là nơi đào tạo ra những người có tinh thần khởi nghiệp, động lực chính để thúc đẩy Quốc gia khởi nghiệp.

 

Chùm ý kiến:

“Việc triển khai Đề án 1665 không phải để tạo ra nhiều startup hay tỷ phú mà để trang bị kiến thức cho HSSV về khởi nghiệp, cao hơn nữa là tạo kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Và cao nhất là rèn luyện tinh thần khởi nghiệp trong HSSV, hun đúc và nhân lên tinh thần ấy”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. “Cần tạo môi trường giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cho các em “không gian” để thử nghiệm những kiến thức đã học trong việc giải quyết những bài toán thực tế trên giảng đường. Tôi đánh giá cao và cho rằng việc hợp tác với doanh nghiệp, các đơn vị liên quan trong xây dựng môn học Khởi nghiệp là tối cần thiết”. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.

“Sinh viên không nên nghĩ rằng cứ thành lập công ty mới là khởi nghiệp. Hiện nay có hai dạng khởi nghiệp, một là trong doanh nghiệp, hai là cho riêng mình. Sinh viên trước khi đưa ra ý định cần cân nhắc kỹ bản thân phù hợp với phương thức nào để lựa chọn đúng đắn...”. Ông Lương Tuấn Thành - Giám đốc công ty Công nghệ CMC.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận