Dạy học từ xa: Giải pháp học tập hiệu quả 'mùa' dịch Covid-19

Có ý kiến cho rằng, nếu thời gian nghỉ học tiếp tục kéo dài do dịch bệnh thì cần có những giải pháp cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục.

 

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã lùi kỳ thi THPT Quốc gia nhưng nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh vẫn lo lắng cho chất lượng các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi THPT. Có ý kiến cho rằng, nếu thời gian nghỉ học tiếp tục kéo dài do dịch bệnh thì cần có những giải pháp cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Giải pháp tối ưu?

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bệnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện nay, dịch đã bùng phát ở một số quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị, đối với học sinh, sinh viên là đối tượng có thể chủ động phòng chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2/3 tới. Còn đối với học sinh mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại  1 - 2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên chưa thể quyết cho học sinh đi học trở lại vào thời gian cụ thể ngay tại cuộc họp này, mà cần chờ đến ngày 27 - 28/2 mới “chốt” vấn đề này.

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh ghi hình hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Rất khó khăn để quyết định thời điểm nào cho học sinh quay trở lại trường khi diễn biến dịch đang rất phức tạp. Thời gian nghỉ học đã kéo dài 1 tháng nhưng các giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra mang tính rất thụ động. Nghĩa là, tùy theo tình hình dịch, nếu dịch căng thì Bộ cho nghỉ, cứ nghe ngóng từ tuần này sang tuần khác khiến học sinh, giáo viên và cả xã hội lo lắng, vì việc học bị gián đoạn khá lâu. Ngay bây giờ, Bộ GD-ĐT cần chủ động tìm giải pháp chứ không thể thụ động như thời gian qua. Ví dụ, trước đây giải pháp khi đến mùa lũ đồng bằng Sông Cửu Long phải cho học sinh nghỉ học sớm, nhưng sau đó chúng ta đã tìm ra giải pháp “sống chung với lũ”, tương tự như vậy, ngành giáo dục cần tìm ra giải pháp “sống chung với dịch”.

TS. Khuyến cho biết, hiện nay, có một số trường đã triển khai đào tạo trực tuyến nhưng không phải nơi nào cũng có điều kiện áp dụng. Chính vì vậy, ngày 20/2, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng, Bộ GD-ĐT đề xuất giải pháp là vẫn cho các trường tiếp tục hoạt động, nhưng thay phương thức học truyền thống (mặt đối mặt) bằng hình thức học từ xa, cụ thể là học truyền hình. Những bài học đó học sinh có thể lưu lại, nếu chưa rõ có thể xem lại hoặc trao đổi với giáo viên của lớp mình những phần chưa hiểu (giáo viên sẽ đóng vai trò trợ giảng).

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: HS-SV nghỉ học trong mùa dịch Covid-19 là cần thiết nhưng nếu kéo dài, hơn 20 triệu học sinh nghỉ học quá lâu sẽ tác động xấu đến nhiều mặt giáo dục và xã hội. Tốt hơn là, toàn xã hội cần chung sức với ngành giáo dục triển khai các giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến có thể của đại dịch mà không chỉ thụ động cho HS-SV nghỉ học chờ hết dịch.

“Nếu chủ trương từ trên và có sự đồng thuận của các sở GD-ĐT địa phương, các trường, đài phát thanh - truyền hình địa phương thì việc dạy học đại trà trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước trước hết là học sinh phổ thông, sẽ không gặp khó khăn đáng kể nào”. GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Trước đây chúng ta đã từng thực hiện dạy học trên truyền hình và bây giờ kênh VTV7 vẫn duy trì tuy rằng thời gian không nhiều. Hiện cả nước có hàng trăm kênh truyền hình từ Trung ương đến địa phương là lợi thế để triển khai dạy học trên truyền hình. Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào  hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo phương thức phi lợi nhuận.

Khi các kênh truyền hình cùng tham gia cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố. Các sở GD-DT sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi lên dạy trên truyền hình. Học sinh ở nhà học một mình hoặc học nhóm vài ba em ngồi chung học trực tuyến, bên cạnh có phụ huynh quản lý theo dõi. Việc theo dõi,  hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn do đội ngũ giáo viên ở các trường đảm nhiệm.

“Giáo dục đang thay đổi, học sinh đang ngày càng trở thành trung tâm, quá trình học tập cần diễn ra suốt đời và bằng cấp không phải là quá quan trọng, chính vì thế mà 1-2-3 tháng hay là cả một học kỳ chả là gì so với việc học cả một đời, quyết định cho tốt nghiệp hay xét tuyển ĐH theo quá trình học sẽ là một cải cách lớn của giáo dục Việt Nam...”. Thầy Nguyễn Minh Long (Hà Nội

“Muốn làm được như vậy thì người đứng đầu ngành và đứng đầu các địa phương cần sớm ra quyết định để các đài truyền hình chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai việc dạy học” - GS. Quân nhấn mạnh.

Có thể xét tốt nghiệp trung học phổ thông?

Dù Bộ GD-ĐT có quyết định lùi các kỳ thi THPT Quốc gia nhưng các gia đình có con em đang học lớp 12 thì vẫn có sự lo xa. Câu hỏi đặt ra là: Nếu cứ phải lùi năm học thêm 1-2 tháng không có học kỳ 2 thì học sinh lớp 12 sẽ ôn luyện, tốt nghiệp phổ thông và được tuyển vào đại học theo cách nào? Đây là vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của giáo viên, lãnh đạo các trường THPT, các trường đại học, cao đẳng.

Khi các kênh truyền hình cùng tham gia cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố

Bởi thế, mới đây lại có ý kiến đề xuất xét tốt nghiệp THPT thay vì tổ chức một kỳ thi THPT Quốc gia căng thẳng, tốn kém, trong khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nào cũng cao ngất ngưởng. Thầy Minh Long (Hà Nội) đề xuất: Trường hợp có dịch bệnh như năm nay thì không cần phải tổ chức thi tốt nghiệp nữa, chỉ cần lấy số liệu thống kê tỷ lệ tốt nghiệp mấy năm gần đây của các trường THPT làm chuẩn, trường nào tốt nghiệp 99,5 - 100% thì năm nay cho tốt nghiệp luôn khỏi phải thi, lấy điểm thi học bạ của cả năm lớp 10 - 11 và HK1 năm 12 chia trung bình là xong (trên 5,0 là tốt nghiệp). Số còn lại thì cho hiệu trưởng các trường THPT tự ôn tập 1 tháng, tự cho kiểm tra rồi quyết định. Về vấn đề tuyển sinh là việc của các trường đại học, quyền tự chủ của các trường. Đừng lo tuyển như vậy không có chất lượng vì chất lượng của trường đại học đã có các tổ chức kiểm định và thị trường lao động đánh giá bằng trả lương. “Mở cửa” đầu vào và duy trì chất lượng đầu ra bằng kiểm tra đánh giá của trường đại học quan trọng hơn nhiều và chính xác hơn là dùng một kỳ thi của lớp 12. Phụ huynh Thu Hồng (Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, việc xét tốt nghiệp sẽ giảm căng thẳng, tốn kém và rất phù hợp trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, việc xét tốt nghiệp các trường cần làm nghiêm túc, công bằng, tránh “làm đẹp học bạ”.

“Thời gian này là cơ hội để các trường suy nghĩ về việc triển khai đại trà dạy học trực tuyến, chứ không chỉ trong các đợt thiên tai, dịch họa. Trong mấy ngày gần đây, đã có kênh truyền hình Vĩnh Long, Đồng Nai, Quảng Ninh, TP. HCM... dạy học qua kênh truyền hình, nhưng mới chỉ dạy cho lớp 9 và lớp 12 (là lớp chuẩn bị thi chuyển cấp-PV).  Tuy nhiên, mới chỉ dạy theo hình thức ôn tập, còn theo tôi Bộ cần chỉ đạo để thống nhất trên toàn quốc là dạy kiến thức mới. Đang lúc “nước sôi, lửa bỏng” cần làm ngay, chỉ cần có quyết tâm cao là làm được...”. TS Lê Viết Khuyến

Về ý kiến có nên xét tốt nghiệp THPT, TS Khuyến cho rằng, như thời kỳ chống Mỹ những vùng bị ném bom nhiều quá phải bỏ tốt nghiệp, nếu chúng ta cứ nghĩ tràn lan hết tuần này sang tuần khác mà không có phương án “sống chung với dịch” thì thậm chí có khi phải chấp nhận nghỉ học 1 năm. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện được giải pháp dạy học trên truyền hình thì việc tổ chức thi vẫn có thể thực hiện. Chỉ cần quyết tâm cao của các bộ, ngành thì có thể triển khai ngay được giải pháp này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận