Giảm môn thi, điều chỉnh đề thi là giải pháp tối ưu?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh các kỳ thi cho phù hợp như: Giảm môn thi, đề thi giảm độ khó...

 

“Việc đề nghị bỏ một số môn thi cũng là đề xuất có cơ sở mà Bộ có thể cân nhắc và xem xét…”- Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội

Đề xuất giảm môn thi, sớm công bố điều chỉnh

Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, thời gian kết thúc năm học sẽ là ngày 15/7/2020; Kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức vào các ngày 8, 9, 10, 11 tháng 8/2020. Đây là lần thứ hai Bộ GD-ĐT điều chỉnh khung thời gian năm học 2019 - 2020.

Việc điều chỉnh lần 1 khi học sinh (HS) nghỉ 1 tháng thì Bộ lùi 1 tháng; hiện nay HS nghỉ 2 tháng, Bộ lùi 1,5 tháng và các trường phải “dùng” hết 2 tuần dự trữ mới kịp dạy hết chương trình. Nếu phải nghỉ sang tháng thứ 3, hoặc 3 tháng trở lên thì sẽ “kịch khung” và ảnh hưởng tới kế hoạch năm học sau.

Trước thực tế trên, các chuyên gia giáo dục và hiệu trưởng cho rằng, Bộ cần sớm có điều chỉnh phù hợp đối với các kỳ thi, đặc biệt là thi THPT. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, nếu dịch kéo dài sang tháng 4 thì Bộ cần có điều chỉnh như: Thi THPT Quốc gia nên bớt 2 bài thi tổ hợp (Bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội), chỉ thi 3 môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ. Còn với kỳ thi vào lớp 10, các tỉnh cũng nên giảm bớt các môn thi, ví dụ như, Hà Nội nên bỏ môn thứ 4 (được chọn ngẫu nhiên vào tháng 3 hằng năm), chỉ kiểm tra 3 môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ thì sẽ phù hợp hơn. Đồng thời, cần công bố đề thi minh họa để thầy cô giáo hướng vào đó dạy và ôn tập cho học sinh (HS), vừa đảm bảo kiến thức cho HS, vừa không có sự thay đổi quá lớn gây xáo trộn. “Ngành giáo dục nên sớm công bố những thông tin về các kỳ thi này để HS học và ôn luyện có hiệu quả và giảm áp lực cho HS, phụ huynh” - thầy Bình nhấn mạnh.

Mới đây, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội) đã gửi tâm tư tới Bộ trưởng GD-ĐT và Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị hai nội dung: “Thứ nhất, về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020: Kính đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Thứ hai, về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 -2021 của Hà Nội: Chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân...”.

Đề thi giảm độ khó, không dàn trải

Tại cuộc họp ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo: “Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập”.

Thầy Nguyễn Xuân Khang đề xuất: “Nội dung đề thi năm nay cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm trước, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi Quốc gia nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến HS tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp HS và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này…”.

Còn theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Bộ cũng nên tính đến việc điều chỉnh nội dung đề thi, không nên quá dàn trải hết chương trình như lâu nay vẫn làm.

Các trường đại học phải điều chỉnh phương án tuyển sinh

Có thể nói, việc điều chỉnh lần 2 gần như Bộ GD-ĐT đã hết “đường lùi”, vì thế, có không ít ý kiến cho rằng, Bộ nên tính đến phương án có thể dừng thi THPT Quốc gia năm nay. Còn việc xét tuyển ĐH sẽ giao cho các trường, họ có quyền xét học bạ hoặc bổ sung thêm các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét thì tỷ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy, dù không có kỳ thi này thì hầu hết HS đã tốt nghiệp.

Tuy nhiên xung quanh vấn đề này còn có nhiều ý kiến trái chiều, bởi nếu đứng ở góc độ các trường ĐH thì việc dừng không thi THPT Quốc gia không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của các trường mà còn có thể gây khó khăn cho thí sinh. Thống kê số liệu xét tuyển ĐH các năm vừa qua cho thấy các trường ĐH lấy nguồn tuyển từ kỳ thi này là chủ yếu. Có tới trên 70% chỉ tiêu của các trường ĐH xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Trong đó, có khoảng 100 trường ĐH lớn chủ yếu tuyển sinh từ kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia. Các trường khác, đặc biệt là khối trường tư thục, chủ yếu xét tuyển từ học bạ. Do vậy, việc không có kỳ thi này sẽ ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của các trường, và các trường này tuyển sinh theo phương thức nào khi không có nguồn tuyển từ đây sẽ có tác động rất lớn đến thí sinh.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Nếu không có kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh sẽ vất vả hơn nhiều so với mọi năm. Vì các trường ĐH sẽ tổ chức tuyển sinh. Mà như thế thí sinh không có nhiều thời gian để chuẩn bị trước nên sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, có thể linh hoạt hơn trong xét tốt nghiệp THPT, còn không thể bỏ thi THPT Quốc gia.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường đại học đã chủ động điều chỉnh phương thức tuyển sinh như nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ (3 học kỳ hoặc 5 học kỳ của cấp THPT) hay tìm phương thức tuyển sinh khác. Theo một lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội, giả sử Bộ không thể tổ chức được kỳ thi THPT Quốc gia thì lúc đó cần tìm phương án thay thế và phương án này cần có sự đồng thuận của các trường và xã hội. Trường sẽ bàn thêm với một số trường trong nhóm để có phương thức tuyển sinh nào hợp lý nhất. Trường đang phối hợp với các đơn vị khác để tổ chức thi đánh giá năng lực, trong trường hợp cần sẽ sử dụng./.

 

BOX 1: “Bộ nên có định hướng sớm cho đề thi THPT Quốc gia năm nay, đề thi không nên đòi hỏi mức độ khó cao như những năm trước, mà nên giảm bớt độ khó. Nội dung chương trình cần giới hạn hơn và quan trọng nhất là nội dung của đề thi sẽ giới hạn ở mức độ nào trong 4 cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao)”. Thầy Nguyễn Quốc Bình

BOX 2: “Mỗi đề xuất của các nhà giáo là có cơ sở nhất định về thực tiễn, đều cần được xem xét. Việc đề nghị bỏ một số môn thi cũng là đề xuất có cơ sở mà Bộ có thể cân nhắc và xem xét vì luật không quy định thi bao nhiêu môn. Bộ hoàn toàn có thể căn cứ vào tình hình thực tế của năm nay để điều chỉnh sao cho phù hợp. Tất cả đều vì sức khỏe của học sinh, sinh viên...”. Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội

BOX 3: “Bộ sẽ nghiên cứu để giảm tải chương trình nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục. Đặc biệt, sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình do dịch bệnh Covid-19, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập; do vậy giáo viên và học sinh không quá lo lắng”. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận