Hà Nội: Thi khảo sát trực tuyến có nên tiếp tục?

Trong thời gian này, học sinh lớp 12 của Hà Nội sẽ trải qua 3 đợt thi khảo sát trực tuyến. Tuy nhiên, qua đợt thi khảo sát lần 1 đã bộc lộ nhiều bất cập...

 

Thi liên tiếp khiến học sinh bị áp lực       

Tối ngày 29/5, ngay môn thi đầu tiên là môn Toán đã phát sinh nhiều trục trặc do lỗi hệ thống. Chỉ ít phút sau giờ kiểm tra môn Toán học sinh (HS) đã “nháo nhào” hỏi nhau vì đề thi lỗi phông chữ rất nhiều khiến các em không đọc và không hiểu được nội dung đề thi yêu cầu gì. Giáo viên thì bị “cháy máy” khi liên tục nhận được các cuộc gọi từ HS, phụ huynh. Do vậy,nhiều HS cho biết các em cũng chỉ làm cho xong vì tâm lý không tốt.

Thầy Nguyễn QuốcThép, giáo viên Trường THPT Cổ Loa cho biết:“Hôm 29/5, các thầy cô thức đến tận 11 rưỡi đêm để túc trực nhận điện thoại giải đáp liên tục cho HS, phụ huynh. Có HS làm xong rồi nhưng hệ thống lại báo HS đó chưa đăng nhập để làm bài, hoặc đăng nhập để làm bài thi thì lại nhận được thông báo hệ thống đang “bảo trì”, “nâng cấp...“Việc thi online khó phát hiện được gian lận. Cụ thể đợt thi vừa rồi,một số giáo viêngiải đề và cung cấp đáp án trên trang facebook cá nhân, điều này không chỉ làm cho việc đánh giá HS không chính xác, mà còn gây bất công cho HS.Hơn nữa, chỉ nên thi 1, 2 lần chứ thi đến 3 lần là nhiều quá vì thời gian không còn nhiều, các em đang phải“chạy đua” với kiến thức và những kiểm tra trên lớp...”- Thầy Thép khẳng định.

Em T.A, Trường THPT Cổ Loa nêu:“Thi online dễ xảy ra gian lận vì có những nhóm bạn trao đổi bài để cùng giải đề thi. Có những lớp bình thường điểm thấp trong khối nhưng đến lúc thi điểm cao vọt dẫn trước cả những lớp đứng đầu khối.Vì thế chúng cháu mong được khảo sát trực tiếp vì kỳ thi phải trung thực mới phản ánh đúng thực lực của HS,nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới".

Nhiều HS lớp 12 chia sẻ mong muốn, Sở nên giảm bớt đợt khảo sát trên máy và thay vào đó kiểm tra một vài đợt tập trung như hình thức thi thử, có số báo danh, có giám thị, chia phòng… như quy chế thi thật để học sinh làm quen, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay Bộ GD-ĐT vẫn quy định thi trên giấy theo cách truyền thống.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã tiến hành chạy thử ở một số trường, tuy nhiên, khi tổ chức trên diện rộng với 73.000 HS ở cùng một thời điểm, việc trục trặc đường truyền khó tránh khỏi. Sau đợt kiểm tra khảo sát lần thứ nhất, Sở sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh ở các đợt tiếp theo, nhằm bảo đảm chất lượng tốt hơn.

 Gian lận nhiều, có đánh giá chính xác thực lực HS?

Thầy giáo bị tố giải bài giúp học sinh trong buổi thi khảo sát đợt 1

Mặc dù khẳng định Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, kỳ khảo sát chất lượng với mục đích chính là đánh giá chất lượng dạy học và có kế hoạch điều chỉnh phù hợp nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng thực tế nữa mà nhiều phụ huynh phản ánh là do kết quả của các bài khảo sát này không được sử dụng như bài kiểm tra định kỳ hay cuối kỳ nên HS không thật sự nghiêm túc và tập trung làm bài. Vì vậy, kết quả chắc chắn sẽ không phản ánh đúng thực tế chất lượng học tập của HS, nên nếu mục tiêu kiểm tra để biết HS đó học thế nào thì khó ra được kết quả đúng.

Có phụ huynh cho biết, trong buổi thi online đó, có những HS làm bài tập thể qua các nhóm chat, ai làm được thì đọc cho các bạn kết quả để làm!Thực tế, trong kỳ thi khảo sát chất lượng vừa qua đã có một số cá nhân cung cấp đáp án, bài giải lên mạng cho HS khiến dư luận vô cùng bức xúc. Theo phản ánh trên mạng xã hội, trong thời gian HS làm bài thi môn Toán vào tối 29/5, một giáo viên dạy Toán có tên Nguyễn Tiến Đạt đã giải đề và cung cấp đáp án trên trang facebook cá nhân và một số nhóm facebook luyện thi. Điều đáng nói là các trang facebook này có hàng chục nghìn HS theo dõi.Không chỉ riêng trang facebook Nguyễn Tiến Đạt mà còn rất nhiều trang facebook khác của các giáo viên luyện thi online cũng tung đáp án lên mạng, livestream để trực tiếp giải đề cho HS. Nhiều HS bày tỏ quan điểm: “Hành vi của thầy Đạt rõ ràng đã tiếp tay cho sự gian lận. Bây giờ thầy giúp các em có được dăm ba điểm thi ảo để sĩ diện với bố mẹ, bạn bè. Nhưng đến kỳ thi thật, liệu thầy có giúp được như vậy nữa không?”.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đã nắm được thông tin và sẽ đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng có hành vi ảnh hưởng đến kỳ kiểm tra khảo sát này.

Một giáo viên THPT ở Hà Nội cho rằng, đúng như lo lắng từ trước, thi online như thế này giống như thả cửa, "tháo khoán" và không có gì để đảm bảo kết quả trung thực. Việc HS hỏi bài nhau, chia sẻ đáp án diễn ra sôi động, có em nghiêm túc muốn tập trung làm bài cũng khó. Khi lấy ý kiến của HS trên một diễn đàn học tập, nhiều em bày tỏ không muốn thi online nữa bởi các em mất nhiều công sức và lo lắng nhưng kết quả không kiểm soát được.

Hầu hết HS đều mong muốn được thi trực tiếp một lần để được tập dượt và đánh giá đúng. Do vậy, theo nhiều ý kiến, không nên tổ chức thi online lần 2 và 3 nữa bởi không hiệu quả và nên tổ chức thi khảo sát thật để đánh giá chính xác. Đồng thời, Sở GD-ĐT Hà Nội cần cân nhắc kỹ các phương án, các quyết định vì nó liên quan đến hàng chục nghìn HS khối 12.../.

 Theo kế hoạc, kỳ khảo sát được tiến hành: Lần thứ nhất ngày 29 đến 31/5/2020; Lần thứ hai ngày 19 đến21/6/2020; Lần thứ ba ngày 10 đến 12/7/2020. Mỗi học sinh THPT dự kiểm tra 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (các môn Toán, tiếng Anh) và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).


 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận