Tiếng Anh tiếp tục 'đội sổ': Phản ánh đúng thực trạng dạy và học

Đây là năm thứ 6 (kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi các môn), môn tiếng Anh tiếp tục 'đội sổ' trong các môn thi của kỳ thi THPT.

 

Ngày 27/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1, phổ điểm thi các môn và phổ điểm thi theo các tổ hợp môn. Từ phổ điểm thi các môn cho thấy, điểm thi môn tiếng Anh năm nay tiếp tục "đội sổ", vì có kết quả thi thấp nhất so với các môn còn lại. Điều đáng nói là Bộ Giáo dục và đào tạo đã có hẳn một Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia không bất ngờ với điểm thi của môn tiếng Anh và cho rằng kết quả này phản ánh đúng thực trạng dạy và học ở ngoại ngữ ở trường phổ thông hiện nay.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPTT môn tiếng Anh của cả nước năm 2020 cho thấy có hơn 749.000 thí sinh tham gia thi môn tiếng Anh. Trong đó điểm trung bình là 4,58 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm. So với năm ngoái, điểm trung bình môn tiếng Anh có nhỉnh hơn - tăng từ 4,36 lên 4,58 điểm. Tuy nhiên, so với các môn còn lại trong kỳ thi năm nay, điểm tiếng Anh vẫn thấp nhất. Đáng chú ý, năm nay, môn tiếng Anh cũng có 543 bị điểm liệt - dưới 1 điểm (chiếm tỷ lệ 0,07%) - tăng 1,3 lần so với năm ngoái. Đặc biệt, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình cao kỷ lục, với 472.000 thí sinh đạt điểm dưới trung bình (chiếm tỷ lệ hơn 63%). Đây là năm thứ 6 (kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi các môn), môn tiếng Anh tiếp tục “đội sổ” trong các môn thi của kỳ thi trung học phổ thông.

Ảnh minh họa: KT

Nhận định về điểm thi của môn tiếng Anh, nhiều chuyên gia cho biết không bất ngờ với phổ điểm thi này bởi nhiều năm nay, tiếng Anh luôn là một trong những môn có điểm thi trung học phổ thông thấp nhất. Điểm thi này phản ánh đúng chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ ở một số địa phương hiện nay. Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hà Nội nêu ý kiến: “Theo tôi nghĩ là phản ánh tương đối đúng. Bởi vì hiện nay ở các vùng nông thôn, miền núi chẳng hạn, hoặc là một số nơi ở thành phố thì vẫn theo hướng là dạy cho học sinh để làm được bài thi đó mặc dù kiến thức tiếng Anh của nhiều học sinh chưa cao nên điểm vẫn cứ lẹt đẹt. Một số lượng lớn thí sinh làm bài tiếng Anh chỉ để tránh điểm liệt thôi, không đăng ký thi vào khối D, các em cũng không cần cố gắng”.

So với các môn học khác, tiếng Anh là môn học đang được các địa phương đầu tư khá lớn cho điều kiện dạy học. Tuy vậy, theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT, Ngoại ngữ thực chất là môn khó, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực giảng dạy của giáo viên và các điều kiện dạy và học khác. Cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay vẫn theo hướng học để thi chứ không phải học để sử dụng nên khó đạt hiệu quả như mong muốn.

“Môn Ngoại ngữ vẫn có bất cập là điều kiện học ngoại ngữ và trình độ giáo viên ở các địa phương khác nhau nhiều lắm. Một số tỉnh nhiều khi yên tâm ngoại ngữ tương đối cao nhiều khi không đơn thuần phụ thuộc vào chuyện học ở trường phổ thông, khi đó một số em học thêm ở bên ngoài, học thêm các trường quốc tế, trường tư thì điểm mới cao được. Ngoại ngữ vẫn học như một môn học, khi đó không sử dụng tới thì rất khó để đảm bảo chất lượng”, tiến sĩ Lê Trường Tùng cho hay.

Cùng chung quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, kết quả thi cao hay thấp phụ thuộc vào việc đề thi có phù hợp với chất lượng dạy và học môn học đó hay không. Đề thi môn tiếng Anh năm nay dù được đánh giá là không khó, dễ hơn năm trước, nhưng chất lượng dạy ở bậc phổ thông hiện nay ở nhiều địa phương, nhiều vùng đều chưa đạt yêu cầu. “Riêng môn Ngoại ngữ chúng ta thấy chủ yếu là tiếng Anh thì mặc dù có chương trình Ngoại ngữ 2020, nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là đội ngũ giáo viên của chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Thứ 2 là phương pháp dạy cũng còn lạc hậu, chưa tiếp cận được phương pháp giảng dạy hiện đại. Có chăng thì chủ yếu là các thành phố lớn và những trung tâm có điều kiện dạy và học, còn ở những vùng sâu, vùng xa thì việc dạy và học ngoại ngữ cần phải có sự thay đổi rất lớn, đó là một chương trình phù hợp, chất lượng đội ngũ, đặc biệt là quá trình dạy, quá trình học của học sinh nữa”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đối với môn ngoại ngữ, trong thời gian ngắn thì chưa thể thay đổi được chất lượng dạy và học mà cần cả quá trình, từ bậc tiểu học đến bậc phổ thông. Trong khi đó, Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữ ở các địa phương. Chính việc đầu tư tràn lan, đánh đồng tất cả các địa phương, chiến lược bồi dưỡng giáo viên không hiệu quả… nên việc dạy và học ngoại ngữ ở các địa phương vẫn không được cải thiện và điểm số của môn học này ở các kỳ thi phổ thông luôn “đội sổ” so với các môn học khác là điều tất yếu. Chỉ khi ngành Giáo dục và Đào tạo có chiến lược đầu tư đúng cho đào tạo đội ngũ, các điều kiện dạy và học theo hướng học ngoại ngữ để sử dụng, chứ không phải học kiến thức như các môn học khác thì mới có thể cải thiện được điểm số của môn học này./.

Minh Hường/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận