Bỏ kiểm tra 1 tiết - Kiến thức của học sinh có bị hổng?

Theo Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT, học sinh sẽ không phải làm bài kiểm tra 1 tiết mà thay vào đó, tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét.

 

Điều này đang thu hút sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh học sinh. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn liệu khi bỏ kiểm tra 1 tiết - học sinh có bị hổng kiến thức khi không phải học ôn những bài trước đó.

Theo quy định tại Thông tư 26, điểm kiểm tra/đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1; điểm giữa kì tính hệ số 2 và điểm cuối kì tính hệ số 3. Trong mỗi học kì, một môn học có 1 điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ, đặc biệt không còn điểm 1 tiết. Điểm trung bình môn học kì là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên; giữa kì và cuối kì với các hệ số quy định. So với quy định hiện hành, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh giá học sinh đã được giảm, môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10 tới.

Nhiều phụ huynh lo lắng việc bỏ bài kiểm tra 1 tiết sẽ khiến cho học sinh lười học đi.   Ảnh: K.T

Đa số giáo viên đồng tình với quyết định bỏ bài kiểm tra 1 tiết và cho rằng việc thay đổi hình thức đánh giá không qua bài kiểm tra 1 tiết là cần thiết và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô Lường Thị Thu Trang, giáo viên môn toán Trường THPT số 1 Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết, điều này sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh hơn: “Tôi đồng tình với sự thay đổi này bởi việc bỏ điểm kiểm tra 1 tiết này đã đi đúng theo hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng đến phát triển năng lực của học sinh, giảm áp lực thi cử. Thay vì kiểm tra 1 tiết, các nhà trường sẽ dành quỹ thời gian này để dành cho những tiết trải nghiệm thực tiễn của môn học, giúp các em yêu thích môn học hơn và chỉ dùng một bài kiểm tra giữa kỳ cũng sẽ đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh cho cả một quá trình học”.

Để việc triển khai đánh giá học sinh theo hình thức mới này có hiệu quả, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức tập huấn và hướng dẫn các trường, giáo viên đa dạng hình thức đánh giá; đồng thời mỗi giáo viên cần phải chủ động đổi mới cách giảng dạy cũng như cách đánh giá học sinh bằng năng lực chứ không còn chỉ là kiến thức trong sách như trước đây.

Ông Nguyễn Tùng Lâm phân tích: “Các hiệu trưởng căn cứ vào trọng tâm của chương trình, từng kỳ 1 để đưa ra đánh giá phù hợp. Bộ GD-ĐT phải có những ngân hàng trao đổi kinh nghiệm hơn để cho các lãnh đạo nắm được. Phải bồi dưỡng giáo viên để họ nhận thức được cách làm mới. Nhiều nơi họ quen làm theo cách cũ rồi. Chúng ta phải thuyết phục, hướng dẫn họ làm cho tốt hơn để thấy niềm vui cho công việc chứ không phải nỗi khổ. Để nhiều quyền cho giáo viên trong quá trình kiểm tra, đánh giá. Cách kiểm tra đánh giá tích cực buộc học không phải là lấy điểm để đấy. Khi làm mới sẽ vướng và khó, mỗi người hãy tự động viên để phấn đấu, thực hiện đúng theo khoa học giáo dục mới”.

 

Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì vẫn còn những ý kiến băn khoăn như một giáo viên dạy hàng trăm học sinh, nhiều như vậy giáo viên có khả năng đánh giá, nhận xét chuẩn xác hết các em hay không? Nếu học sinh làm 1 bài kiểm tra duy nhất sơ sẩy sai, điểm kém thì có được làm bù không? Khi mà trước kia có nhiều bài kiểm tra, học sinh có thể sửa và kéo điểm lại. Bên cạnh đó, tư tưởng của học sinh hiện nay có kiểm tra, thi thì mới học. Điều này khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng khi bỏ bài kiểm tra 1 tiết như chia sẻ của anh Nguyễn Văn Việt, ở Hà Nội: “Tôi thấy bài kiểm tra một tiết rất quan trọng. Bởi điểm một tiết hệ số 2 ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của một kỳ hay 1 năm và thường những môn quan trọng như môn Văn hay môn Toán không chỉ một mà hai hoặc thậm chí là ba bài kiểm tra 1 tiết. Và với mỗi lần kiểm tra như vậy khiến cho các cháu phải thực sự học, bỏ thời gian để nghiên cứu những kiến thức trước đó, chứ nếu chỉ học bình bình, xong rồi làm bài tập cơ bản trên lớp, các cháu không chú trọng học nhiều. Nên tôi nghĩ rằng việc bỏ bài kiểm tra 1 tiết sẽ khiến cho các cháu có phần nào đó là lười học đi”.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để Thông tư 26 thực sự có hiệu quả khi đi vào thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn cụ thể và triển khai thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm. Song song với đó, mỗi nhà trường cũng cần phải xây dựng quy chế trong khen thưởng một cách chặt chẽ hơn. Trong đó, phải nêu cụ thể những tiêu chí kiểm tra, đánh giá để tạo tính công bằng, không quá dễ dãi, tùy tiện, cũng không khắt khe, đánh đố hay gây khó cho giáo viên và học sinh./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận