Thị trường chứng khoán đang đo nhà đầu tư

Tuần trước giao dịch ảm đạm đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi cả 4 ngày giao dịch (thứ năm 18/4 nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương), VN-Index đã mất 105 điểm.

 

         Tuần trước là một tuần giao dịch ảm đạm đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi cả 4 ngày giao dịch (thứ năm 18/4 nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương), VN-Index đã mất tới 105 điểm, tương đương khoảng 8% giá trị. Trong đó, đáng chú ý nhất là phiên thứ hai đầu tuần 15/4/2024, VN-Index đã mất tới 59,99 điểm, số điểm "đánh rơi" cao nhất kể từ phiên 12/5/2022. Phiên "mở hàng" của tuần trước ảm đạm kéo theo cả tuần ảm đạm đã khiến nhà đầu tư lo lắng và mong chờ một phiên "mở hàng" tuần mới khởi sắc hơn. Họ đã không thất vọng. VN-Index kết phiên thứ hai 22/4/2024 ở 1.190 điểm, tăng hơn 15 điểm so với kết phiên cuối cùng của tuần trước và đưa chỉ số đến gần hơn với mốc 1.200 điểm vừa đánh mất. Thế nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", đó chỉ là phản ứng nhất thời của thị trường trước thông tin hệ thống KRX sẽ chính thức hoạt động từ 2/5/2024, sau kỳ nghỉ lễ dài. Đến phiên 23/4/2024, chỉ số chứng khoán tiếp tục lao dốc và dừng ở mức 1.177 điểm, giảm gần 13 điểm so với phiên trước với số mã giảm giá cao gấp 3 lần số mã tăng giá và thanh khoản gần 18.000 tỷ đồng.

          Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều lý do cho tình trạng thị trường liên tục giảm điểm. Trước hết là do thị trường đã tăng cả một thời gian dài trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không quá nhiều khởi sắc. Trong khi đó, giá vàng và tỷ giá tăng mạnh khiến cho đồng tiền Việt Nam mất giá. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn tranh thủ xả hàng chốt lời của những nhà đầu tư lớn khi đã đạt lợi nhuận kỳ vọng.

Bảng thông tin chứng khoán ngày 15/4/2024

          Kể từ tháng 1/2022 đến nay, VN-Index đã qua một thời gian dài giảm điểm, nhiều nhà đầu tư cá nhân mất một lượng vốn lớn khi lỡ mua vào ở mức giá cao. Sau hơn 2 năm chờ đợi, thị trường mới ngấp nghé gần đạt ngưỡng kỳ vọng 1.300 điểm thì lại bị mất 105 điểm tuần trước khiến đến nay ngưỡng 1.200 điểm vẫn còn là xa xỉ với thị trường, trong khi khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn rất thấp do hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hồi phục. Tất cả những yếu tố này khiến nhà đầu tư cá nhân bất an khi đầu tư vào thị trường chứng khoán bởi nỗi lo vốn bị thâm hụt, không sinh lời.

          Những tin tức tốt hay xấu cũng chỉ có thể tác động nhất thời đến tâm lý của nhà đầu tư, còn về lâu dài, họ vẫn mong muốn thị trường chứng khoán tăng giảm theo quy luật chứ không phải "sáng xanh, chiều đỏ" như thời gian qua. Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính "Thúc đẩy và kiểm soát phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2024". Để đạt được mục tiêu đó, một trong những yếu tố quan trọng là củng cố được lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán khi thị trường được vận hành theo đúng quy luật cung cầu./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận