Trương Vĩnh Chấn, người lập bản đồ gene SARS-CoV-2

Giáo sư virus học Trương Vĩnh Chấn người Trung Quốc đã tạo dấu ấn khi trở thành người đầu tiên lập được bản đồ gene của virus SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020.

 

Không chỉ giải mã hàng nghìn loại virus chưa từng biết trước đây, giáo sư virus học Trương Vĩnh Chấn người Trung Quốc còn tạo dấu ấn khi trở thành người đầu tiên lập được bản đồ gene của virus SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020.

Một con người bình dị

Cuối năm 2019, một loại virus bí hiểm đã bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó lan rộng ra khắp thế giới, khiến gần 100 triệu người nhiễm bệnh và hơn hai triệu người chết. Thật tình cờ, một giáo sư người Trung Quốc và nhóm cộng sự vào đầu năm 2020 đã trở thành người đầu tiên lập được bản đồ gene của virus SARS-CoV-2, tạo tiền đề cho việc phát triển các loại vaccine chống lại đại dịch Covid-19 sau này.

Đó là chuyên gia y tế, giáo sư virus học Trương Vĩnh Chấn (Zhang Yongzhen). Trước khi được cả thế giới biến đến vào tháng 1/2020, người đàn ông 55 tuổi này làm việc tại Trung tâm Lâm sàng Y tế Cộng đồng Thượng Hải. Công việc chính của ông là giải mã hàng nghìn loại virus chưa từng biết trước đây.

Thổ lộ với tờ Times, giáo sư Trương nói rằng ông từng theo học tại Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, song cái duyên với ngành virus học đã thôi thúc ông đi theo nghiên cứu chuyên sâu tại Đại học Y Nam và Viện Động vật học Côn Minh. Tình yêu và sự đam mê với ngành virus học đã giúp ông gặt hái được không ít thành công và nhận được những lời khen ngợi bởi sự chăm chỉ và tinh thần làm việc hết mình.

Tạp chí Time nổi tiếng của Anh đã bình chọn giáo sư Trương Vĩnh Chấn vào Top 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020.Một số tờ báo Trung Quốc từng trích lại câu chuyện về con đường nghiên cứu virus của giáo sư Trương đầy ly kỳ, trong đó có một chi tiết rằng, khi làm nghiên cứu tiến sĩ tại Viện Động vật học Côn Minh, ông đã không về thăm gia đình trong suốt 3 năm. Ở Trung tâm Lâm sàng Y tế Cộng đồng Thượng Hải, giáo sư Trương thường xuyên làm việc vào cuối tuần, các ngày nghỉ lễ và cả những kỳ nghỉ phép năm.

Trở lại với câu chuyện giải mã bộ gene của virus SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020. Đó là những ngày đầu tháng 1, khi một loại virus lạ bắt đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán. Giáo sư Trương và các cộng sự như một thói quen nghề nghiệp, lặng thầm thu thập các mẫu virus để tiến hành giải mã gene của chúng.

Vào 13h30 ngày 3/1, một hộp kim loại được gửi đến tòa nhà màu be ở một khu vực buồn tẻ tại thành phố Thượng Hải sầm uất, nơi đặt Trung tâm Lâm sàng Y tế Cộng đồng. Bên trong chiếc hộp là một ống nghiệm ướp đá khô, có chứa các miếng gạc của một bệnh nhân bị bệnh viêm phổi đặc biệt ở thành phố Vũ Hán.

Nhóm của giáo sư Trương ngay lập tức lao vào nghiên cứu, phân tích mẫu bệnh phẩm bằng công nghệ giải mã thông lượng cao đối với RNA, bộ gene của virus có chức năng tương tự như ADN ở người. Đến 2 giờ sáng ngày 5/1, sau khi vất vả suốt 2 đêm liên tục, họ đã lập được bản đồ bộ gene hoàn chỉnh đầu tiên của loại virus hiện đã gây bệnh cho hơn 100 triệu người và khiến hơn hai triệu người trên toàn cầu tử vong: virus SARS-CoV-2.

“Chúng tôi chỉ mất chưa đầy 40 giờ. Rất nhanh”, giáo sư Trương chia sẻ với tạp chí Time trong cuộc phỏng vấn độc quyền. “Sau đó tôi nhận ra rằng, loại virus này có liên quan mật thiết với SARS, có lẽ là 80%. Vì vậy, chắc chắn nó rất nguy hiểm”.

Có được bộ giải mã gene đầu tiên trên thế giới, ông nhanh chóng gọi cho bác sĩ Zhao Su, Trưởng khoa Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, để yêu cầu dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân liên quan. "Tôi không thể nói nó nguy hiểm hơn virus SARS, nhưng tôi đã nói với ông ấy rằng chắc chắn nó nguy hiểm hơn cúm mùa hay cúm gia cầm H5N1", ông Trương kể lại.

Giáo sư Trương Vĩnh Chấn và nhóm cộng sự vào đầu năm 2020 đã trở thành người đầu tiên lập được bản đồ gene của virus SARS-CoV-2, tạo tiền đề cho việc phát triển các loại vaccine chống lại đại dịch Covid-19 sau này. (ảnh minh họa: KT)Sau đó, ông liên hệ với Bộ Y tế Trung Quốc và đến Vũ Hán, nơi ông thảo luận cùng giới chức y tế hàng đầu vào tối 8/1. "Tôi có hai đánh giá: đầu tiên nó là virus giống loại gây bệnh SARS, và thứ hai là nó lây qua đường hô hấp. Do đó, tôi có hai đề xuất: cần có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ cộng đồng trước căn bệnh này, đồng thời các cơ sở y tế nên phát triển phương pháp điều trị kháng virus", ông Trương cho biết.

Tạp chí Time nổi tiếng của Anh đã bình chọn giáo sư Trương Vĩnh Chấn vào Top 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020, đứng bên cạnh hàng loạt nhân vật lớn như Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci.

Quyết định dũng cảm

Ngày 11/1, trên sân bay Hồng Cao, Thượng Hải, ông Trương nhận được cú điện thoại từ đồng nghiệp, giáo sư Edward Holmes tại Đại học Sydney. Sau vài phút nói chuyện, khi máy bay chuẩn bị cất cánh, giáo sư Holmes xin phép công khai bộ gene virus mới. "Tôi đã xin một phút suy nghĩ và sau đó đồng ý", ông Trương thuật lại với tờ Times. Hai tiếng sau, khi giáo sư Trương trên máy bay, bài đăng của Holmes trên trang Virological.org đã gây chấn động cộng đồng khoa học toàn cầu. Khi Trương tới Bắc Kinh, phát hiện mới của ông đã xuất hiện khắp các mặt báo.

Tuy nhiên, quyết định đầy dũng cảm của giáo sư Trương cũng khiến ông gặp không ít rắc rối. Các quan chức đã tới phòng thí nghiệm của ông để yêu cầu giải thích về điều này, trong khi những nhà phê bình phản ứng của Trung Quốc đã xem bài đăng ngày 11/1 như bằng chứng cho thấy chính quyền Bắc Kinh giấu dịch.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao ông Trương không đăng thông tin ngay hôm 5/1 sau khi hoàn thành giải mã bộ gene virus Corona. Nhiều nhà quan sát còn cho rằng giới chức Trung Quốc muốn che đậy thông tin đã trừng phạt giáo sư Trương, đồng thời làm chậm quá trình công bố thông tin quan trọng này. Tuy nhiên, ông Trương bác bỏ các báo cáo của truyền thông thế giới rằng phòng thí nghiệm của ông bị đóng cửa và cho biết họ đã làm việc hết công suất trong giai đoạn đầu đại dịch. "Từ tháng 1 tới tháng 4, chúng tôi đã sàng lọc hơn 30.000 mẫu virus", nhà nghiên cứu cùng giải mã gene virus corona với ông Trương chia sẻ.

Khi nói về ông Trương, trong toàn văn tối hậu thư hồi tháng 5 của Tổng thống Donald Trump gửi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, có đoạn viết: “Phải thừa nhận rằng việc ông Trương đưa công trình khoa học của mình lên mạng internet là một hành động vĩ đại”.

Ngày 20/1, trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature, giáo sư Trương chỉ ra rằng virus corona tại Vũ Hán rất giống virus dơi Chu Sơn. Phát hiện của ông đã giúp các nhà khoa học trên thế giới bắt đầu phát triển các thử nghiệm phát hiện virus, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa lây nhiễm và chẩn đoán, qua đó cứu sống rất nhiều người tại Trung Quốc và các quốc gia khác.

Từ bản đồ phân tích bộ gene virus SARS-CoV-2 ban đầu của ông Trương, các nhà khoa học trên thế giới đã lập ra được khoảng 20.000 bản đồ gene trong vòng 3 tháng, giúp theo dõi tốc độ, đặc tính của những thay đổi trong gene với sự phân chia tỷ lệ lây nhiễm để tìm ra các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Bên cạnh đó, quyết định của giáo sư Trương đã tạo điều kiện để phát triển nhanh các bộ xét nghiệm, cũng như để giới khoa học bắt đầu thảo luận sớm về các loại thuốc kháng virus cũng như vaccine tiềm năng.

Việc các hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech, Moderna… phát triển được vaccine ngăn ngừa Covid-19 có sự đóng góp to lớn của giáo sư Trương và các đồng nghiệp người Trung Quốc./.

Hữu Kế

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận