Chính quyền cách mạng những ngày đầu độc lập: Ứng vạn biến cho một điều bất biến…

Trong giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám thành công đến trước ngày toàn quốc kháng chiến, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trải qua nhiều lần cải tổ.

 

Trong giai đoạn từ tháng 8/1945 khi Cách mạng tháng Tám thành công đến tháng 11/1946 - trước ngày toàn quốc kháng chiến, một quãng thời gian không dài, nhưng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trải qua tới… nhiều lần cải tổ. Điều đó cho thấy tầm nhìn, sự sáng tạo cũng như quan điểm “ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để bộ máy Chính phủ có thể theo kịp với những biến đổi mau lẹ của thời cuộc, đồng thời cũng cho thấy sự quyết liệt cho một điều mà  người đứng đầu Chính phủ đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập luôn luôn tâm niệm và đeo đuổi: “quyền lợi của dân, của quốc gia, dân tộc, là trên hết”.

Yêu cầu cấp bách về “một Chính phủ quốc dân có đủ uy tín và thực lực”

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào về độc lập của dân tộc Việt Nam và sự thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng trong ngày lịch sử ấy, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được cải tổ từ Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, đã long trọng ra mắt quốc dân đồng bào. Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Chủ tịch Hồ Chí Minh. So với Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, thành phần của Chính phủ lâm thời gồm nhiều đại diện của các đảng phái, đoàn thể, mang tính dân chủ hơn, mở rộng thành phần tham gia, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân. “Nó thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hòa chính thức” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ về vai trò, nhiệm vụ của Chính phủ mới.

Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chính phủ lâm thời đã tiến hành phiên họp đầu tiên. (Ảnh: T.L)

Với thành phần mở rộng gồm hàng loạt các bộ trưởng bao gồm toàn những tri thức, anh tài, Chính phủ lâm thời rất nhanh chóng đã cho ra đời và thực thi nhiều quyết sách thiết thực cho tình hình cách mạng và an sinh xã hội lúc bấy giờ. Ngày 3/9/1945, một ngày sau Lễ độc lập, 15 thành viên của Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành phiên họp đầu tiên. Ngay trong phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Thứ nhất, giải quyết nạn đói. Thứ hai, giải quyết nạn dốt. Thứ ba, tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử. Thứ tư, “mở cuộc chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân”. Thứ năm, bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”. Thứ sáu, tuyên bố: tín ngưỡng tự do Lương - Giáo đoàn kết.

Từ 6 nhiệm vụ cấp bách ấy, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay lập tức thực thi bằng hàng loạt Sắc lệnh liên tiếp ra đời sau đó. Trong đó, tác động nhiều hơn cả là việc ngày 4/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập; Ngày 7/9/1945 là Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân; Ngày 8/9/1945 là Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước; Ngày 26/10/1945, ra Nghị định giảm thuế ruộng 20% và miễn thuế hoàn toàn cho những vùng bị ngập lụt; Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân chống nạn đói... Bên cạnh những sắc lệnh tác động đến đời sống dân sinh xã hội, Chính phủ lâm thời còn liên tiếp cho ra đời những sắc lệnh mang tính lịch sử tới nền dân chủ như việc ngày 8/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội)…

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hay còn gọi là Chính phủ kháng chiến) được thành lập do Hồ Chí Minhlàm Chủ tịch ra mắt quốc dân ngày 3/11/1946. (Ảnh: T.L)

Đặt chính quyền lợi của dân lên trên hết thảy

Nhiệm vụ chính yếu và trên hết của chính quyền Cách mạng là hành động vì quyền lợi chân chính của dân. Chính phủ không thể có mục đích phấn đấu gì hơn ngoài mục đích phục vụ nhân dân tận tụy, công tâm.

Chính vì những điều luôn ngự trị trong tâm trí ấy, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người lãnh đạo đầu tiên của Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã không ngừng trăn trở làm thế nào củng cố, hoàn thiện bộ máy chính quyền cách mạng để có thể đáp ứng được với những diễn biến ngày càng mau lẹ của thời cuộc lúc bấy giờ. Không ngại cải tổ để có thể ứng phó được với yêu cầu của tình hình mới là điều không thể phủ nhận khi nhìn lại tiến trình phát triển của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong giai đoạn từ tháng 8/1945 khi Cách mạng tháng Tám thành công đến tháng 11/1946 - trước ngày toàn quốc kháng chiến, một quãng thời gian không dài, nhưng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trải qua 4 lần cải tổ. Đặc biệt chỉ trong năm 1946, Chính phủ đã có tới 3 lần chuyển đổi.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. (Ảnh: T.L)

Để đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời. Tại lễ ra mắt ở Nhà hát Thành phố Hà Nội, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố danh sách nội các mới và đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ, trong đó nêu rõ lý do ra đời: “Vì muốn tranh thủ hoàn toàn nền độc lập, muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đảng phái để làm cho Chính phủ mạnh mẽ thêm, nên nay thay đổi thành Chính phủ liên hiệp lâm thời. Trong giai đoạn này các đảng phái đoàn kết thì Chính phủ mới vượt qua được các cơn sóng gió. Hết thảy quốc dân Việt Nam ai cũng mong chờ Chính phủ Liên hiệp lâm thời giữ chức đến Quốc hội thì sẽ đổi thành Chính phủ Liên hiệp chính thức”.Chỉ tồn tại từ ngày 1/1 đến 2/3/1946 nhưng dưới sự lãnh đạo khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Liên hiệp lâm thời đã làm được “nhiều việc lớn” như dàn xếp ổn thỏa với quân đội Tưởng Giới Thạch; lãnh đạo và chi viện tích cực cho cuộc kháng chiến ở miền Nam; phát hành giấy bạc Việt Nam, động viên toàn dân tham gia sản xuất, đẩy lùi nạn đói. Đặc biệt là tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tạo tiền đề để Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa I kỳ họp thứ nhất đã trao quyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập, có nhiệm vụ “thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền cũng như về phương diện hành chính tư pháp, tổng động viên nhân lực và tài sản của quốc gia theo nhu cầu của tình thế, để đưa kháng chiến đến thắng lợi và đưa nước nhà đến độc lập hoàntoàn”.Trên cơ bản, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến là sự rút gọn về số lượng thành viên Chính phủ nhưng là sự mở rộng thành phần Nội các so với Chính phủ Liên hiệp lâm thời sao cho gọn nhẹ hợp thời chiến nhưng đảm bảo tính đoàn kết, hòa hợp dân tộc giữa các Đảng phái trong nước. Điểm nhấn của Chính phủ thời kỳ này là sự kiện ngày 6/3/1946, tại nhà số 2 phố Lê Lai, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam cùng với đại diện Chính phủ Pháp Sainteny ký Hiệp định Sơ bộ Việt-Pháp - Bản Hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước tự do, có Chính phủ, Nghị viện, quân đội, tài chính của mình.

Trước những diễn tiến tiếp tục mau lẹ của thời cuộc, ngày 28/10/1946 đến ngày 9/11/1946, kỳ họp thứ II của Quốc hội đã bàn tới việc lập Chính phủ kháng chiến; ủy nhiệm cho Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ theo nguyên tắc đoàn kết tập hợp nhân tài không phân biệt đảng phái. Ngày 3/11/1946, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu đã trình diện trước Quốc hội. “Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới… Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc có đủ nhân tài Trung - Nam - Bắc tham gia” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trước Quốc hội. Ngày 3/11/1946, Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh lập và đứng đầu ra mắt Quốc hội, về cơ bản đa số các thành viên vẫn là những nhân sĩ trí thức yêu nước, có uy tín cao với nhân dân... Đó thực sự đã là một Chính phủ đoàn kết toàn dân. Cũng chính từ sự đoàn kết, hợp lực ấy, chỉ sau ngày ra mắt 7 tuần lễ, Chính phủ kháng chiến “đã đảm đang trọng trách lãnh đạo quốc dân trong cuộc kháng chiến toàn quốc kéo dài suốt 8 năm đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Chỉ trong vòng hơn một năm ngắn ngủi, Chính phủ đã có tới 4 lần cải tổ. Tất cả đã cho thấy sức sáng tạo, sự quyết liệt và tâm thế “ứng vạn biến” của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho một điều bất biến: quyền lợi của nhân dân, của quốc gia, của dân tộc./.

Chính vì những điều luôn ngự trị trong tâm trí ấy, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người lãnh đạo đầu tiên của Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã không ngừng trăn trở làm thế nào để củng cố, hoàn thiện bộ máy chính quyền cách mạng để có thể đáp ứng được với những diễn biến ngày càng mau lẹ của thời cuộc lúc bấy giờ. Không ngại cải tổ để có thể ứng phó được với yêu cầu của tình hình mới là điều không thể phủ nhận khi nhìn lại tiến trình phát triển của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận