'Thẻ xanh Covid-19': Biện pháp dài hạn để sống chung với… corona

Tại thời điểm này, 'Thẻ xanh Covid-19' vẫn là một giải pháp để các quốc gia bảo tồn sinh kế của người dân và nền kinh tế trước phong ba bão táp từ Covid-19.

 

Tới thời điểm này, khi cả thế giới đã gần như đồng nhất quan điểm rất khó có thể đạt được trạng thái “Zero Covid-19” (triệt tiêu Covid-19) thì “nóng” nhất trên toàn cầu là câu chuyện “Thẻ xanh Covid-19” hay “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên, quan điểm, cách ứng dụng sáng kiến này thì mỗi quốc gia một quan điểm, muôn hình vạn trạng.  

Từ bước đi tiên phong của Israel

Trong câu chuyện chống Covid-19, với tiềm lực mạnh về tài chính cũng như y học, công nghệ, Israel là một trong những quốc gia đi đầu trong nhiều giải pháp phòng chống dịch, từ câu chuyện phủ vaccine, tiêm mũi thứ 3, thứ 4, cho đến cả câu chuyện áp dụng “Thẻ xanh Covid-19” hay “hộ chiếu vaccine” (thậm chí còn được gọi với những cái tên như thẻ sức khỏe, thẻ an toàn, thẻ corona).

Học sinh tại trường Tiểu học Arazim ở Tel Aviv, Israel. (Ảnh: Reuters)

Ngay từ đầu năm 2021, “Thẻ xanh Covid-19” đã được triển khai tại Israel, được áp dụng với hầu hết các địa điểm công cộng, cũng như tất cả những sự kiện giải trí như ca nhạc hay các trận bóng đá. Thẻ này có hiệu lực trong tối đa 6 tháng sau khi tiêm đủ liều, hoặc trong vòng 72 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Thậm chí, Israel còn áp dụng mạnh “Thẻ xanh Covid-19” tại trường học, đối với tất cả giáo viên, nhân viên các trường. Nghĩa là những người này chỉ được phép đến nơi làm việc sau khi xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính.

Đến ngày 1/6, khi các trường hợp mắc Covid-19 giảm xuống dưới 20 ca/ngày, Israel đã ngừng hoạt động hệ thống kiểm tra "Thẻ xanh Covid-19" và dỡ bỏ các hạn chế. Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau, khi số ca nhiễm lại trở lại con số hơn 100 ca một ngày, Israel lại tính tới chuyện quay trở lại "Thẻ xanh Covid-19".

Đêm 29/7/2021, với quan điểm: người Israel hãy học cách sống chung với Covid-19 và áp dụng các biện pháp hạn chế ít nhất có thể đồng thời để tránh gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế, Israel thông báo bắt đầu tái triển khai hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”.

Mới đây, trước sự nguy hiểm của biến thể Delta, Israel còn tuyên bố sẽ siết quy định cấp “Thẻ xanh Covid-19”. Theo đó, khi có đủ vaccine để tiêm đủ ba mũi (hai mũi chính và một mũi tăng cường) cho người từ đủ 12 tuổi, những ai từ chối tiêm mũi tăng cường sẽ không được cấp “Thẻ xanh Covid-19”.

Người dân xếp hàng chờ trước hộp đêm La Boucherie ở Copenhagen ngày 3-9. (Ảnh: AP)

Thành công của Đan Mạch và châu Âu

Đan Mạch là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên triển khai “Thẻ xanh Covid-19” và cũng là nước đầu tiên cho thấy những thành công quan trọng từ việc triển khai loại hình thẻ kỹ thuật số này.

 “Thẻ xanh Covid-19” được Đan Mạch triển khai từ tháng 4 - 5/2021. Nhờ ứng dụng này, người dân Đan Mạch có thể ra ngoài tụ tập với bạn bè, hoặc tham gia vào các sự kiện đông người. Với sự hiện diện của “Thẻ xanh Covid-19”, từ 14/8, người dân Đan Mạch không còn phải đeo khẩu trang khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng. Từ 1/9, các hộp đêm được phép mở cửa trở lại.

Và đến ngày 10/9 vừa qua, tỷ lệ dân số được tiêm phòng đầy đủ vượt mốc 73%, đặc biệt là việc khoảng 95% dân số dễ tổn thương, cư dân viện dưỡng lão và những người trên 60 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ, “Thẻ xanh Covid-19” coi như đã “hoàn thành thành công sứ mệnh” tại quốc gia này khi chính phủ Đan Mạch đã quyết định người dân được phép tụ tập nơi đông người mà không cần xuất trình hộ chiếu “Thẻ xanh Covid-19” khi vào nhà hàng, hộp đêm, phòng gym cũng như những sự kiện lớn khác.

Thành công của Đan Mạch dường như đã “tiếp lửa” cho các quốc gia láng giềng. Áo, Bỉ, CH Cyprus, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia đã liên tiếp công bố “Thẻ xanh Covid-19” của riêng mình với những khác biệt trong quy định của từng nước. Đơn cử như Pháp yêu cầu “Thẻ xanh Covid-19” đối với rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, nhà hàng, quán bar, quán cà phê, câu lạc bộ, phương tiện di chuyển đường dài, các sự kiện công cộng… Còn tại Italy, “Thẻ xanh Covid-19” lại không bao gồm khu vực ngoài trời của các quán cà phê hoặc nhà hàng. Trong khi Đức còn yêu cầu cả “Thẻ xanh Covid-19” để vào ăn uống trong nhà hoặc tại Áo, vào tiệm làm tóc cũng cần “Thẻ xanh Covid-19”… Hà Lan là quốc gia châu Âu muộn màng nhưng Thủ tướng nước này cũng vừa lên tiếng cho biết kể từ 25/9, những người từ 13 tuổi trở lên đến quán bar, nhà hàng và các lễ hội sẽ cần xuất trình “Thẻ xanh Covid-19”, giúp chứng nhận đã tiêm chủng Covid-19, bình phục sau khi nhiễm virus hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.

Nhiều nước châu Âu đã triển khai thẻ xanh vaccine như một công cụ để mở cửa trở lại. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Trong các quốc gia châu Âu, chính phủ Pháp đã rất hài lòng về câu chuyện “Thẻ xanh Covid-19” bởi nhờ đó, nước này đã tăng tỷ lệ tiêm chủng rất thành công. Trong một khảo sát tháng 12/2020, khoảng 60% người Pháp cho biết không chắc sẽ tiêm vaccine. Nhưng kể từ giữa tháng 7, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo kế hoạch áp dụng “Thẻ xanh Covid-19”, hơn 13 triệu người Pháp đã tiêm liều đầu tiên. Đến nay, khoảng 88% dân số trưởng thành và 85% trẻ em từ 12 tuổi trở lên ở Pháp đã tiêm ít nhất một liều.

Biện pháp dài hạn để sống chung với đại dịch

Tới thời điểm này, vẫn còn nhiều quốc gia trên thế giới, mà ngay cả châu Âu cũng đang ngần ngại hay có nhiều ý kiến trái chiều trong triển khai “Thẻ xanh Covid-19”. Tại Tây Ban Nha, chính quyền một số vùng như Canaries, Galicia, Cantabria và Andalucia muốn triển khai “Thẻ xanh Covid-19” song vấp phải sự phản đối của Tòa án tối cao. Chính phủ Anh lại đang cân nhắc tạm thời không áp dụng hộ chiếu vaccine, song có thể… xem xét lại nếu số ca Covid-19 tăng theo cấp số nhân lần nữa.

Dù mỗi quốc gia có thể có những góc nhìn khác nhau nhưng tại thời điểm này, “Thẻ xanh Covid-19” vẫn là một giải pháp nên tính đến để các quốc gia bảo tồn sinh kế của người dân và nền kinh tế trước phong ba bão táp từ Covid-19.

Tuy nhiên, dù không tuyên bố một cách rõ ràng nhưng với nhiều quốc gia như Pháp, việc áp dụng “Thẻ xanh Covid-19” qua đó “ngầm” khuyến khích người dân tiêm chủng, tiến tới phủ vaccine cho toàn bộ dân chúng là cách tốt nhất để có thể chống chọi và chiến đấu với Covid-19, đại dịch mà tới thời điểm này, cả các chuyên gia lẫn báo giới, các chính phủ đều phải thừa nhận là chưa thể đánh bại để có thể đạt được mục tiêu “Zero Covid-19”. Giới khoa học cũng đã nhiều lần lên tiếng nhấn mạnh thực tế rằng Covid-19 sẽ không biến mất nhanh như khi xuất hiện, mà thay vào đó nhiều khả năng trở thành bệnh theo mùa như cúm và rằng chỉ cần với việc phủ tối đa vaccine thì giai đoạn chết chóc nhất của đại dịch gần như chắc chắn đã qua, và giải pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn đại dịch sẽ có khả năng trở nên không cần thiết.

Và như thế, về một khía cạnh nào đó, dù mỗi quốc gia có thể có những góc nhìn khác nhau nhưng tại thời điểm này, “Thẻ xanh Covid-19” vẫn là một giải pháp nên tính đến để các quốc gia bảo tồn sinh kế của người dân và nền kinh tế trước phong ba bão táp từ Covid-19./.

Hà Anh 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận