Tình hữu nghị Việt - Triều: Vàng đã thử lửa…

Tình hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên như 'vàng đã thử qua lửa', chẳng những không thể phai nhạt mà còn ngày càng nồng đượm, sâu sắc hơn.

 

Kể từ ngày chính thức thiết lập mối quan hệ bang giao đến nay đã tròn 69 năm với vô số những biến thiên, thăng trầm, nhưng tình hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên như “vàng đã thử qua lửa”, chẳng những không thể phai nhạt mà còn ngày càng nồng đượm, sâu sắc hơn.  

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 1 - 2/3/2019 vừa qua của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un một lần nữa làm bền chặt hơn mối duyên tình ngoại giao ấy.

Đến với nhau, chẳng ngại ngần…

Tháng 9/1945, nước Việt Nam DCCH ra đời trong niềm thán phục của cộng đồng quốc tế về một dân tộc có đến cả thế kỷ ngoan cường chống lại thực dân và phong kiến để mưu cầu nền độc lập, tự do chính đáng cho mình. Tuy nhiên, thời điểm đó, bởi sự hạn chế về thông tin, nhiều quốc gia vẫn còn dè dặt, ngại ngần trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Nhưng, nhiều không phải là tất cả. Giữa bao nhiêu ngần ngại, vẫn có những đất nước kiên định dành mối thiện cảm đặc biệt với dải đất hình chữ S, thực sự muốn trở thành những người bạn của Việt Nam. Trong số đó có Triều Tiên. Ngày 31/1/1950, CHDCND Triều Tiên đã là nước thứ 3, sau Trung Quốc và Liên Xô, thiết lập quan hệ ngoại giao với CHXHCNVN.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un giới thiệu và trao đổi tặng phẩm. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)Và điều may mắn nhất, là ngày từ những “năm tháng đầu đời”, mối quan hệ hữu nghị Việt - Triều đã liên tục được nuôi dưỡng, bồi đắp bởi những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước. Chỉ trong vòng 2 năm, hai nước liên tiếp có những chuyến thăm ngoại giao cấp cao.

Từ ngày 8 - 12/7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên. Chứng kiến hàng loạt sự kiện trọng thể được nước bạn Triều Tiên tổ chức những ngày đó mới thấy sự trọng thị cũng như tình cảm lớn mà nước bạn dành cho Việt Nam, cho vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam. Ngày 8/7, lễ đón vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam cùng đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam được tổ chức trọng thể tại sân bay quốc tế Sunan, Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành - lúc đó là Thủ tướng Triều Tiên đã ra tận sân bay đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai nhà lãnh đạo đã dành cho nhau cái bắt tay thật chặt và nụ cười tươi rói, nồng ấm. Ngay sau đó, một cuộc mít tinh trọng thể với sự tham dự của đông đảo nhân dân thủ đô Bình Nhưỡng đã diễn ra. Tối 8/7, tại thủ đô Bình Nhưỡng, Thủ tướng Kim Nhật Thành đã mở tiệc chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao lưu, tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân Triều Tiên, đến thăm các nông trường, nhà máy, trường học, các thắng tích, tham dự các buổi biểu diễn văn nghệ, để lại nhiều câu chuyện sâu sắc về tình hữu nghị.   

Nhân dân thủ đô Bình Nhưỡng nồng nhiệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Triều Tiên năm 1957. Ảnh: TTXVNHơn một năm sau, từ ngày 28/11 - 2/12/1958, Thủ tướng Kim Nhật Thành đến Hà Nội bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Nhiều người dân Việt Nam đã đổ ra đường vẫy cờ hai nước và vỗ tay chào mừng ông. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp đón trọng thị lãnh tụ Triều Tiên tại Phủ chủ tịch. Một ngày sau, ngày 29/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Kim Nhật Thành tham dự lễ mít tinh trọng thể của nhân dân thủ đô Hà Nội chào mừng chuyến thăm hữu nghị Việt Nam của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Chiều ngày 30/11/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Kim Nhật Thành. Cũng trong chuyến thăm 6 ngày tới Việt Nam này, Thủ tướng Kim Nhật Thành còn đến thăm nhà máy dệt Nam Định, Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam… ở đâu cũng được nhân dân Việt Nam nhiệt liệt đón mừng. Đặc biệt Thủ tướng Kim Nhật Thành còn đến thăm hợp tác xã nông nghiệp thôn Quán La, xã Xuân La, huyện Từ Liêm, Hà Nội, xem và sau đó đã thử dùng kẹp đập lúa của người nông dân nơi đây. Hợp tác xã này sau lấy tên là Việt - Triều Hữu nghị. Một điểm đáng nhớ trong chuyến thăm Việt Nam năm 1958 của nhà lãnh đạo Triều Tiên là Tuyên bố chung Triều Tiên - Việt Nam cũng như Hiệp định mậu dịch giữa Việt Nam và Triều Tiên đã được ký kết.

Ngày 29/11/1958, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành thăm hữu nghị Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự. (Ảnh: TTXVN)3 năm sau chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Triều Tiên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 6/1961, tháng 10/1964, nhà lãnh đạo Triều Tiên lần thứ 2 có chuyến thăm Việt Nam. Dù là chuyến thăm không chính thức nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn tranh thủ ghé thăm một số nơi như Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), thăm nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội), thăm phong cảnh vịnh Hạ Long, (Quảng Ninh)…

Bên nhau trong gian khó

Bất chấp những e ngại xung quanh để đến với nhau từ rất sớm, cận kề, chia sớt cho nhau trong những thời khắc khó khăn nhất… đó là những điều đặc biệt nhất và cũng cảm động nhất của tình hữu nghị Việt - Triều. Người Việt Nam, vốn luôn tâm niệm “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” sẽ chẳng bao giờ có thể quên những ngày tháng, khi Việt Nam căng mình trong cuộc chiến vệ quốc, Triều Tiên, dù điều kiện kinh tế cũng chẳng phải đã dư dả, vẫn hết lòng hỗ trợ cho Việt Nam. Bình Nhưỡng đã gửi hơn 100 quân nhân sang Việt Nam để học tập kinh nghiệm chiến đấu. Nhiều người trong số họ còn trực tiếp tham chiến và đã hy sinh. Những năm 1960 - đầu 1970, Triều Tiên đã giúp Việt Nam đào tạo hàng trăm sinh viên. Nhiều lưu học sinh Việt Nam tại Bình Nhưỡng sau này đã rưng rung khi nhớ lại những ngày học trên đất Triều, được người dân nơi đây hết lòng hỗ trợ, giúp sức. Điểm sáng trong quan hệ hai nước còn là trường mẫu giáo Việt - Triều Hữu nghị tại Hà Nội và Trường Mầm non Việt - Triều hữu nghị Kyongsang tại Bình Nhưỡng. Ngôi trường ở Hà Nội được thành lập vào năm 1965 với sự tài trợ của Triều Tiên, hiện được coi là một trong những trường mẫu giáo hàng đầu tại Hà Nội.

Ngày 28/11/1958, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Kim Nhật Thành. (Ảnh: TTXVN)Không quên những ân tình đó, khi nạn đói nghiêm trọng xảy ra ở Triều Tiên năm 1994 -1998, Việt Nam viện trợ 100 tấn gạo năm 1995 và 13.000 tấn gạo năm 1997. Giai đoạn 2000 - 2012, Việt Nam hỗ trợ Triều Tiên 22.700 tấn gạo, 5 tấn cao su nguyên liệu và 50.000 USD. Năm 2016, Việt Nam viện trợ lũ lụt 70.000 USD.

Không chỉ là những chia sẻ, hỗ trợ, nhiều thập kỷ qua, Việt Nam - Triều Tiên không ngừng hợp tác cùng phát triển. Quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng được tăng cường đáng kể từ cuối những năm 2000 với những chuyến công du như chuyến thăm Triều Tiên của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007, nguyên Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh năm 2008. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong Nam và Thủ tướng Nội các Triều Tiên Kim Yong Il lần lượt thăm Việt Nam năm 2001 và 2007…

“Vững chắc giữ gìn, mãi mãi tôn vinh”

Đó là chia sẻ đầy xúc động của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong phát biểu đáp từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại tiệc chiêu đãi trọng thể Chủ tịch Triều Tiên được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội tối ngày 1/3. “Lập trường của Đảng, Nhà nước và nhân dân chúng tôi kế thừa từ đời này đến đời khác mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước Triều Tiên - Việt Nam là trước sau như một và bất di bất dịch” - Chủ tịch Kim Jong Un nhấn mạnh. Trước đó, Chủ tịch Kim Jong Un cũng khẳng định: “Chúng tôi đến thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tấm lòng nối tiếp một cách không lay chuyển truyền thống lịch sử của tình hữu nghị Triều Tiên - Việt Nam và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước lên giai đoạn cao hơn, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, trong tình hình chính trị thế giới thay đổi sôi động”.

Ngày 29/11/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành tham dự Lễ mittinh trọng thể của nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng chuyến thăm hữu nghị Việt Nam của Thủ tướng Kim Nhật Thành (Ảnh: TTXVN)Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi cũng khẳng định: “Qua chuyến thăm Việt Nam lần này của đồng chí Kim Jong Un, với sự quan tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp đó sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển hơn nữa vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Tình hữu nghị Việt - Triều, gần 70 năm qua, như “vàng đã được thử lửa”, từng bên nhau trong gian khó và giờ đây với những quyết tâm, nỗ lực, sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm từ hai phía, chẳng thể nào không nuôi niềm tin rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống ấy sẽ còn đơm hoa kết trái, còn nồng đượm hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

Hai nước đã ký nhiều Hiệp định quan trọng như: Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (1/10/1956), Hiệp định hợp tác văn hóa (11/1957), hiệp định hợp tác Khoa học kỹ thuật (10/1958), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và CHDCND Triều Tiên (1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (12/1962), hiệp định hỗ tương y tế (12/1966), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (1/197), Hiệp định vận tải biển (3/6/2002), Hiệp định thương mại (3/5/2002), hiệp định tương trợ tư pháp (3/5/2002), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3/5/2002), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (3/5/2002).

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận