Việt Nam - Nhật Bản: Mối bang giao đẹp từ một tình bạn ân tình…

Tình bạn Phan Bội Châu và Asaba Sakirato là minh chứng cho thấy thực tế mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đó đã có từ hơn 400 năm trước...

 

Không phải vô cớ khi một trong những điểm nhấn được chăm chút rất mực trong loạt sự kiện được tổ chức tại Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023) là cuộc triển lãm chuyên đề mang tên “Tình bạn”. Tình bạn ấy là mối quan hệ rất đỗi đặc biệt giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro. Chính tình bạn lớn, trong sáng, cao cả, đậm những ân tình ấy đã góp phần thắp lửa mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Từ ân nghĩa: “Hào hiệp chưa từng có xưa nay”…

“Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn bao trùm cả trong ngoài” - theo nhiều tài liệu, đó là hai câu thơ mà nhà chí sĩ yêu nước Việt Nam Phan Bội Châu đã yêu mến, trân trọng dành tặng cho vị bác sĩ người Nhật Bản mà trên hành trình mạo hiểm sang Nhật để tìm đường giải thoát đất nước khỏi ách đô hộ thực dân Pháp cách nay 100 năm…, ông đã may mắn có được tình bạn đẹp với người ấy: bác sĩ Asaba Sakitaro.

Câu chuyện về hành trình dẫn dắt hai người với hai ngôn ngữ khác nhau từ hai nền văn hóa khác nhau nhưng đã gắn bó và có được một tình bạn đặc biệt đã được nhiều tài liệu, nhiều cuộc hội thảo đề cập đến. Cách đây 11 năm, ngày 5/11/2012, tại Trường ĐH Waseda (Tokyo, Nhật Bản), trong khuôn khổ hội thảo “Phan Bội Châu, Asaba Sakitaro và quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trong thời đại mới”, ông Harada Hideyuki (thị trưởng Fukuroi) trong phát biểu của mình cho biết, năm 1905, Phan Bội Châu từ việc sớm nghĩ muốn xây dựng đất nước và chống lại đế quốc Pháp thì phải có tri thức nên đã đưa gần 200 trí thức yêu nước sang Nhật học tập về khoa học tự nhiên lẫn kỹ thuật quân sự.

Tại đây, Phan Bội Châu và du học sinh Việt Nam đã được bác sĩ Asaba Sakitaro giúp đỡ rất nhiều bởi ông cảm kích việc làm vì đất nước, vì dân Việt Nam. Theo lời ông Harada Hideyuki, thời điểm đó, bác sĩ Asaba Sakitaro đã dành số tiền khá lớn lúc bấy giờ là 1.700 yên (lương công chức lúc này chỉ có 10 yên/tháng) để hỗ trợ các du học sinh.

Chân dung nhà chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakirato. (Ảnh: TL)

Trong một bài viết về tình cảm người Nhật đối với phong trào Đông du và du học sinh Việt Nam, tác giả Nguyễn Thúc Chuyên cũng viết: Trong giới trí thức người Nhật giúp đỡ tận tình phong trào Đông Du và du học sinh phải kể đầu tiên là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (Asaba Sakirato). Một con người mà Phan Bội Châu đã đánh giá rằng “Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn bao trùm cả trong ngoài”.

Lòng “thương người như thể thương thân” của bác sĩ Sakirato được cụ Phan Bội Châu kể trong Niên biểu đại thể như sau: …Một lần bác sĩ đi trên hè phố, thấy một em học sinh đói lả, ngồi co ro, ông bèn đem về nhà cho ăn uống, nuôi nấng, dạy bảo… dần dà ông mới biết đó là một du học sinh Việt Nam tên là Nguyễn Thái Bạt, một thời gian sau ông làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho Bạt vào học trường Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin), thậm chí còn đứng ra trang trải cả tiền học phí. Khi Phan Bội Châu thấy trong quỹ của du học sinh do “Công hiến hội” quản lý không còn một đồng xu, túng thiếu quá, thông qua trò Bạt, Phan Bội Châu đã viết một bức thư “ăn xin” (khất cái) gửi cho bác sĩ Sakirato. Đáp lại lời cầu khẩn của Phan Sào Nam, bác sĩ đã gửi tặng 1.700 yên. Đây là một số tiền lớn (hơn số tiền lương của một hiệu trưởng trường tiểu học trong 7 năm).

Theo nhiều tại liệu, trước khi rời Nhật Bản, ngày 8/3/1909, Phan Bội Châu đến chào Asaba và cảm ơn tấm lòng hào hiệp của bác sĩ. Cụ Phan không ngờ đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Một năm sau, vào ngày 25/9/1910, bác sĩAsaba Sakiratomất tại nhà riêng vì bệnh lao phổi. Theo đúng lời hứa trước nấm mồ của ân nhân, năm 1918, Phan Bội Châu quay lại và lên kế hoạch làm Bia Tri ân bác sĩ Asaba Sakitaro. Bia cao 2,7m, rộng 0,87m được đặt trên một bệ đá cao trên 1m, dựng trong khuôn viên chùa Giôrin, cạnh ngôi mộ của bác sĩ Asaba Sakirato. Bia đá là vật chứng duy nhất và thuyết phục ghi nhận cũng như khẳng định "Phan Bội Châu và Asaba Sakirato trở thành những người đặt viên đá tảng cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản".

Cầu Nhật Tân - một biểu tượng của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN)Tới mối bang giao Việt Nam - Nhật Bản: Nửa thế kỷ những bước phát triển mạnh mẽ

Tình bạn Phan Bội Châu và Asaba Sakirato là minh chứng cho thấy thực tế mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đó đã có từ hơn 400 năm trước, đặc biệt từ năm 1905 với nền móng quan hệ giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro. Nhưng thực sự phải đến nửa thế kỷ qua, kể từ năm 1973, khi hai nước Việt - Nhật chính thức thiết lập quan hệ mối quan hệ ngoại giao, mối quan hệ bang giao giữa hai nước thực sự có những bước phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Nói như Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, 50 năm chưa phải là một giai đoạn dài trong lịch sử quan hệ giao lưu có bề dày gần 1.300 năm giữa hai dân tộc, nhưng đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc và toàn diện của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

50 năm qua, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (2009), “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (2014).

Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức gặp gỡ bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực, Việt Nam là một trong số ít các nước được Nhật hoàng đến thăm. Nguyên Thủ tướng Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên để đến thăm tháng 10/2020 sau khi nhậm chức, rồi đã nhận lời làm Cố vấn Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; thể hiện tình cảm chân thành, sự ủng hộ quý báu đối với Việt Nam, coi trọng hợp tác phát triển quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 11/2021) đã đạt được những kết quả toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, vừa có ý nghĩa chiến lược, tạo ra những dấu ấn lớn giúp tăng cường, củng cố quan hệ giữa hai nước. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Nhật Bản đã đi tiên phong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trước khi cấm vận được dỡ bỏ. Những dòng viện trợ ODA của Nhật Bản đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam từ rất sớm (từ năm 1992), liên tục tăng và chiếm hơn 1/3 trong tổng số viện trợ chính thức của các nước trên thế giới cho Việt Nam. Trong làn sóng dịch lần thứ 4 vừa qua, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên quyên tặng vaccine Covid-19 cho Việt Nam.

Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD. Trên khắp Việt Nam hiện diện các công trình được thực hiện với sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản: cải tạo quốc lộ 1A, cầu Nhật Tân, cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hầm Hải Vân, cảng Lạch Huyện, đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc - Nam...

Sự giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân hai nước cũng ngày một trở nên gần gũi. Hiện có trên 40 cặp địa phương của Việt Nam và Nhật Bản ký kết các văn bản hợp tác với nhau. Đặc biệt, nhiều địa phương Nhật Bản đã thành lập nhóm liên minh nghị sĩ, tổ chức hữu nghị của từng địa phương với Việt Nam.

Dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản, ngoài triển lãm chuyên đề “Tình bạn”, ca khúc hữu nghị “Tomodachi - Tình bạn” sẽ được giới thiệu tại các sự kiện chính thức kỷ niệm; đồng thời đã và đang được giới thiệu rộng rãi tại các trường học của Nhật Bản cũng như Việt Nam… Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, hợp tác chân thành, chia sẻ, tin tưởng cũng như tình bạn, bình đẳng, không phân biệt khoảng cách, tuổi tác, sắc tộc, màu da, chỉ cần đồng lòng và thấu hiểu sẽ cùng nhau tạo nên một thế giới tuyệt vời, bình yên, hạnh phúc.

Hà Anh

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận