Hồi sinh giải pháp 'hai nhà nước': Cơ may cho hòa bình tại Dải Gaza?

Cuộc xung đột Hamas - Israel, giải pháp hai nhà nước lại được bàn đến và được phần đa ý kiến cho rằng đây là giải pháp tốt nhất để có hòa bình cho Gaza.

 

Hồi sinh giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine đang được nhiều quốc gia xem là khả dĩ để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và các phe Palestine, mang lại nền hoà bình cho Dải Gaza. Tuy nhiên, theo nhiều nhà bình luận, như “bát nước đã bị đổ”, khi xung đột tại Gaza đã để đến mức tồi tệ như hiện nay, hồi sinh được giải pháp vốn đã được bàn thảo suốt hàng chục năm qua, càng trở nên bất khả thi.

Từ những nỗi đau thương đang ngày càng dữ dội

Ngày 7/11 vừa qua là ngày kỷ niệm mà có lẽ bất kỳ một trái tim có lương tri nào cũng không muốn nó xảy ra: Tròn một tháng kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas bùng nổ. Không muốn xảy ra bởi những đau thương mà cuộc chiến này đã, đang và sẽ còn để lại là không gì bù đắp được. Theo thống kê tính đến ngày 6/11 của Cơ quan Y tế tại Dải Gaza, số người thiệt mạng tại dải đất này đã lên tới hơn 10.000 người, chủ yếu trong số đó là thường dân.

Đặc biệt đau đớn trong số đó, trẻ em chiếm trên 40%, đến mức Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã phải đau xót thốt lên: Dải Gaza đang thành “nghĩa địa cho trẻ em” - cụm từ phản ánh đúng nghĩa đen sự tàn khốc của cuộc chiến, tính trung bình cứ 15 phút là có 1 trẻ em tại Dải Gaza thiệt mạng. Bên phía Israel, số người thiệt mạng cũng lên tới khoảng 1.400 người, trong số đó chủ yếu cũng là dân thường. Thêm vào đó, hàng trăm công dân Israel và nhiều quốc gia khác vẫn đang bị bắt làm con tin, số phận vẫn chưa được xác định bên trong những đường hầm dưới Dải Gaza.

Phát biểu tại khoá họp thứ 78 Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) ngày 21/9/2023, Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi các quốc gia chưa công nhận nhà nước Palestine hãy hành động ngay lập tức, nhấn mạnh rằng nhà nước Palestine phải được công nhận là thành viên đầy đủ của LHQ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, những người còn sống cũng đã, đang và sẽ còn đối mặt với tình trạng thiếu điện, nước uống và đủ nhu cầu thiết yếu khác. Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/11, khoảng 70% trong tổng số khoảng 2,3 triệu dân Gaza bị buộc phải di rời khỏi nhà mình, 50% số bệnh viện và 62% số cơ sở y tế ở Gaza không thể hoạt động. Người đứng đầu LHQ và nguyên thủ nhiều nước đã liên tục lên tiếng cảnh báo về “thảm họa nhân đạo khủng khiếp chưa từng có” tại Gaza.

Và bi kịch sẽ còn chưa dừng lại, thậm chí còn khủng khiếp hơn nữa khi vòng xoáy bạo lực, hận thù dù hơn một tháng đã trôi qua, vẫn không ngừng gia tăng, lan rộng. Ngoài Hamas, Hezbollah đã thấy lấp ló sự hiện diện, tham chiến của các lực lượng Houthi ở Yemen và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ở Gaza… Mỹ cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trong khu vực…

 

Bạo lực là vòng xoáy hận thù

Đó là nhìn nhận của hết thảy các chuyên gia, các nhà quan sát và lãnh đạo các tổ chức, các nước trước những diễn biến không chỉ trong vòng hơn một tháng qua mà cả nhiều thập kỷ nay tại Dải Gaza.

Căng thẳng giữa Israel và người Palestine được xem là chính thức khởi phát từ hơn 7 thập kỷ trước, khi năm 1947 LHQ đã ra nghị quyết 181 phân chia vùng đất Palestine cho người Do Thái (Israel) và người Arab với Nhà nước Palestine (PA) với hy vọng chấm dứt xung đột nhiều năm giữa hai bên, thành phố Jerusalem được đề nghị đặt dưới quyền kiểm soát bởi lực lượng của LHQ do tính chất đặc biệt của nó. Tuy nhiên, dù người Do Thái đồng ý với phương án mà LHQ đưa ra và nhanh chóng thành lập Israel nhưng các nước Arab nhất quyết cho rằng, toàn bộ vùng đất này phải nằm dưới sự kiểm soát người Arab và không đồng ý về cái gọi là một nhà nước Do Thái trên vùng đất này.

Những người bị thương, trong đó rất nhiều  trẻ em, tại bệnh viện al-Shifa, Dải Gaza. (Ảnh: AP)Cũng từ phản ứng ấy, ngày 15/5/1948, liên minh các lực lượng từ Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon và Iraq đã tiến hành tấn công nhà nước mới của người Do Thái, còn gọi là cuộc chiến tranh Arab-Israel lần thứ nhất. Năm 1967, khối Arab do Ai Cập, Syria, Jordan dẫn đầu, cân nhắc một cuộc chiến mới chống lại Israel. Trong cuộc chiến này còn được gọi là cuộc chiến 6 ngày, Israel đã đẩy lùi các nước Arab và giành chiến thắng, chiếm đóng gần như toàn bộ Jerusalem, Dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và Cao nguyên Golan, tuyên bố Jerusalem là thủ đô "không thể chia cắt".

Giám đốc tổ chức liên minh Hòa bình Palestine cho rằng: “Những gì xảy ra vào ngày 7/10 sẽ thúc đẩy sáng tạo hơn và đổi mới về giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, đây là một nhiệm vụ bất khả thi”.

Trẻ em trú ẩn tại một trường do Liên Hợp Quốc vận hành tại Dải Gaza vào ngày 14/10. (Ảnh: The New York Times)Lãnh thổ bị chiếm đóng, Palestine trở thành một quốc gia chỉ tồn tại trên danh nghĩa, với đường biên giới mơ hồ, việc phải sống lưu vong đã khiến sự phẫn nộ của người Palestine với Israel như “thùng thuốc súng” chỉ luôn chực chờ bùng nổ. Đến nay, cuộc xung đột Israel - Palestine được coi là cuộc xung đột phức tạp và khó giải quyết nhất thế giới với ít nhất 6 cuộc chiến tranh Trung Đông, 2 phong trào phản kháng của người Palestine cùng vô số các vụ đụng độ, tấn công bạo lực.

Giải pháp hai nhà nước: Có cơ may nào cho hoà bình?

Trong bối cảnh cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài đến hơn nửa thế kỷ vẫn chưa thể có lời giải, thế giới đang một lần nữa trở lại với giải pháp hai nhà nước vốn đã từng được đưa ra và tranh cãi có dễ đến cả thập kỷ nhưng vẫn “chưa đâu vào đâu”. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận về dự thảo nghị quyết nhằm ngăn chặn xung đột Hamas - Israel, thì giải pháp hai nhà nước Israel, Palestine đang được bàn thảo sôi nổi trở lại hòng kiếm tìm một kế sách bền vững hơn cho nền hòa bình tại dải Gaza.

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống trại tị nạn al-Mughazi ở Deir Balah, Dải Gaza, ngày 5/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 14/5/1948, người Do Thái tuyên bố thành lập Nhà nước Israel với thủ đô là Jerusalem. Từ bấy đến nay, người Palestine và các phe ủng hộ đều cho rằng một Nhà nước Palestine độc lập cần phải được thành lập với thủ đô là Đông Jerusalem. Tuy nhiên, mong mỏi này đến nay vẫn vấp phải quá nhiều tranh cãi và lực cản.

Tới cuộc xung đột Hamas - Israel, giải pháp hai nhà nước lại được bàn đến và được phần đa ý kiến cho rằng đây là giải pháp tốt nhất để có hòa bình cho Gaza. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một tuyên bố mới đây nhấn mạnh đây là giải pháp duy nhất, hướng tới cùng tồn tại hòa bình và chấm dứt xung đột giữa Israel và các phe Palestine.

Trong cuộc gặp mới đây, Ngoại trưởng bốn quốc gia Ai Cập, Đức, Pháp và Jordan đã kêu gọi các bước thiết thực để khởi động các cuộc đàm phán đáng tin cậy hướng tới việc đạt được một nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô của họ trên lãnh thổ mà Israel chiếm đóng từ năm 1967. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chia sẻ: “Chúng tôi vẫn tin tưởng chắc chắn rằng một giải pháp hai nhà nước là cơ sở tốt nhất cho hòa bình ở Trung Đông”.

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza ngày 4/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cao uỷ phụ trách an ninh và đối ngoại châu Âu, ông Josep Borrell ngày 10/10 cũng nhấn mạnh “giải pháp 2 nhà nước là con đường duy nhất cho nền hòa bình giữa Israel và Palestine”. Ngày 20/10, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, nước này vẫn theo đuổi giải pháp hai nhà nước để đạt một nền hoà bình ở Trung Đông, khẳng định đây là lập trường không đổi của Ottawa…

Đặc biệt Mỹ, trong chuyến thăm tới Palestine ngày 31/1/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi kiềm chế và tái khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, trong bối cảnh hiện nay khi tình hình địa chính trị toàn cầu đã có quá nhiều biến đổi, giải pháp hai nhà nước là khó có thể khả thi. Đơn cử như ý kiến của ông Gilead Sher, từng là trưởng đoàn đàm phán của Israel với Palestine: “Chúng ta không thể quay trở lại hiện trạng cũ khi mà mỗi năm lại xảy ra một cuộc đối đầu bạo lực giữa Israel và Hamas”.

 

Giám đốc tổ chức liên minh Hoà bình Palestine cũng cho rằng: “Những gì xảy ra vào ngày 7/10 sẽ thúc đẩy sáng tạo hơn và đổi mới về giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, đây là một nhiệm vụ bất khả thi”.

Dù vậy, khó nhưng không có nghĩa là không thể, nhất là khi nhiệm vụ ấy đi liền với sinh mệnh của dân thường. Nếu được tận mắt chứng kiến cảnh nhiều bậc cha mẹ ở Gaza đã phải viết tên con mình lên chân và bụng, bởi cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào và nguy cơ không thể nhận dạng được con mình, thì mới thấm rõ, như lời cựu Ngoại trưởng Ai Cập: "Vấn đề Palestine không thể trì hoãn được nữa và các quyết định của LHQ phải được thực thi"./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận