APEC: Hơn 3 thập niên và những dấu ấn đặc biệt về hành trình gắn kết

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 đang diễn ra tại San Francisco từ 11 - 17/11/2023 mang màu sắc khá đặc biệt.

 

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 đang diễn ra tại San Francisco từ 11 - 17/11/2023 mang màu sắc khá đặc biệt bởi APEC năm nay là 34 năm kể từ Diễn đàn APEC được thành lập và đặc biệt là tròn 30 năm kể từ Hội nghị cấp cao APEC đầu tiên được tổ chức và cũng tại Hoa Kỳ. Hơn 3 thập kỷ, hành trình gắn kết các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn có sự chênh lệch lớn về nhiều mặt là một hành trình không đơn giản những lại chứa đựng nhiều điều đặc biệt.

Từ sự ra đời để đón đầu một xu hướng lớn

Tròn 34 năm trước, cũng vào tháng 11 năm 1989, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập.

Thực ra, từ những năm 1960, ý tưởng về liên kết kinh tế khu vực đã được một số học giả người Nhật Bản và Australia đưa ra. Sau đó, vào cuối những năm 1980, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản lúc đó là Hajime Tamura đã gợi ý thành lập một diễn đàn hợp tác có tính chất kỹ thuật về các vấn đề kinh tế khu vực. Tuy nhiên phải tới thời điểm năm 1989 là thời điểm toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, các quốc gia, khu vực ngày càng tăng tính phụ thuộc lẫn nhau, nhu cầu đẩy mạnh và mở rộng hợp tác kinh tế ngày càng lớn.

Từ nhu cầu ấy, xu hướng liên kết kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhất là ở châu Âu với việc EU đẩy mạnh liên kết nội khối và châu Mỹ với sự ra đời của Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico. Nhiều nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời điểm đó, khao khát việc được đứng chung trong một cơ chế hợp tác để đẩy mạnh tự do hóa, thuận lợi hoá thương mại và đầu tư; thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Cuộc họp đầu tiên của APEC diễn ra tại Australia năm 1989  với sự góp mặt của 12 nền kinh tế thành viên. (Ảnh: APEC.org)

Australia có lẽ là một trong những nền kinh tế bày tỏ mong muốn ấy một cách quyết liệt nhất. Ngày 31/1/1989, tại buổi ăn trưa làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Seoul, Thủ tướng Australia khi đó là ông Bob Hawke đã bất ngờ nêu ý tưởng thành lập một diễn đàn tư vấn kinh tế cấp Bộ trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mục đích phối hợp hoạt động của các chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế ở khu vực và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương. Ý tưởng của ông Bob Hawke thật “trúng lòng người”. Ngay sau đó, rất nhiều nước như: Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Canada và Mỹ đã ủng hộ sáng kiến này.

Và chỉ 10 tháng sau, ngày 6-7/11/1989, các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của 12 nền kinh tế nằm hai bên bờ Thái Bình Dương gồm Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia đã nhóm họp tại Thủ đô Canberra (Australia) lần đầu tiên tổ chức hội nghị và ra quyết định chính thức thành lập APEC.

Đó là sự ra đời của Diễn đàn APEC, còn sự ra đời của Hội nghị cấp cao APEC lại là bởi một nguyên do khác. Từ năm 1989 đến 1992, các nền kinh tế APEC tiến hành các cuộc đối thoại không chính thức giữa các quan chức cấp cao và các bộ trưởng. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế, trong đó có Hoa Kỳ lại thấy rằng đã đến lúc cần phải nâng các cuộc họp tại APEC lên tầm cấp cao với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thành viên nhằm đưa ra tầm nhìn chiến lược và định hướng hợp tác trong khu vực, trước mắt lúc đó là thúc đẩy Vòng đàm phán Uruguay (về thuế quan và thương mại) vốn đang bị đình trệ. Từ đề nghị của Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Bill Clinton, cơ chế Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC - còn gọi là Hội nghị cấp cao APEC - được thiết lập năm 1993 và được tổ chức hằng năm.

Từ đó đến nay, APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên. 21 nền kinh tế khác biệt hội tụ trong một diễn đàn hợp tác, phản ánh mục đích và quyết tâm chính trị chung là thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững trong khu vực và trên thế giới. Một điều đặc biệt là APEC đã tạm ngừng kết nạp thành viên mới trong vòng 10 năm với lý do để ổn định và củng cố tổ chức, cho dù hiện nay, nhiều nền kinh tế có nguyện vọng gia nhập APEC như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanca, Mông Cổ, Lào, Campuchia, Costa Rica, Colombia, Panama, Ecuador… Việt Nam cùng Peru, Nga đã trở thành thành viên APEC năm 1998.

Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC đầu tiên năm 1993 tại Seattle (Mỹ). Ảnh: ITN

Đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc

Hợp tác trong khuôn khổ APEC là hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên, thay vì giữa các quốc gia có chủ quyền, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế và thương mại. Lãnh đạo cấp cao của các thành viên vì thế được gọi chung là các nhà lãnh đạo kinh tế.

Với tiêu chí: hướng tới xây dựng cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết, tự cường thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh và hợp tác kinh tế - kỹ thuật, giúp quá trình lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế thành viên dễ dàng hơn, bởi vậy nên, khác với nhiều cơ chế hợp tác khác, APEC có cho mình một nguyên tắc đặc biệt: "Đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc”. Các nền kinh tế thành viên tham gia trên cơ sở đối thoại cởi mở và tôn trọng quan điểm của tất cả các bên. Trong APEC, tất cả các nền kinh tế đều có tiếng nói bình đẳng và việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại phiên họp thứ nhất Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế thành viên APEC ở San Francisco, California (Mỹ) ngày 13/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Và bởi tự nguyện và không ràng buộc nên APEC không có hiến chương hay điều lệ hoạt động. APEC cũng không có các cam kết mang tính ràng buộc. Các nền kinh tế thành viên tham gia đối thoại mở, trao đổi chính sách để tiến tới những thỏa thuận chung. Các cam kết được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Các thỏa thuận được triển khai thông qua các Kế hoạch hành động tập thể (Collective Action Plan - CAP) của APEC và Kế hoạch hành động của từng nền kinh tế thành viên (Individual Action Plan - IAP) do mỗi nền kinh tế tự đề xuất trên cơ sở trình độ và điều kiện phát triển. Để thúc đẩy triển khai các thỏa thuận, APEC định kỳ rà soát các CAP và IAP. Đồng thời, APEC thực hiện các dự án nâng cao năng lực hỗ trợ các thành viên đang phát triển thực hiện cam kết.

Kết nối, đổi mới để kiến tạo tương lai bền vững

Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 là sự kiện đặc biệt đánh dấu tròn 3 thập kỷ Cấp cao APEC được thiết lập, lại diễn ra trongtrong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, liên kết kinh tế quốc tế và khu vực chuyển đổi sâu sắc; các rủi ro, thách thức đan xen với những cơ hội lớn cho hợp tác và phát triển, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến phức tạp. Đó cũng là lý do nước chủ nhà Hoa Kỳ đặt mục tiêu của Tuần lễ cấp cao năm nay là cố gắng làm cho các nền kinh tế APEC trở nên kiên cường hơn, các thành viên APEC cần tăng cường đối thoại, hợp tác, biến những thách thức thành cơ hội để phục hồi và phát triển bền vững.

Cũng bởi lẽ đó, chủ đề "Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người" được đưa ra. Hội nghị lần này sẽ tập trung đánh giá những kết quả hợp tác APEC trong 30 năm qua, đúc kết những thành công, bài học, những giá trị đối với hợp tác khu vực, từ đó xác định những định hướng hợp tác trong giai đoạn mới với mục tiêu để APEC tiếp tục khẳng định vai trò là Diễn đàn hàng đầu về liên kết và hợp tác kinh tế, đóng góp cho hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên với khoảng 2,5 tỷ dân, chiếm 38% dân số, 62% GDP và gần 50% thương mại thế giới, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn trong khu vực, phát triển mạnh và năng động nhất thế giới với những nét đặc thù và đa dạng về chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.

Một sự kiện đáng chú ý bên lề Hội nghị cấp cao APEC là cuộc hội đàm dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 15/11. Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong một năm qua. Hai nhà lãnh đạo được cho là nhiều khả năng sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, như: hướng đi chiến lược của mối quan hệ song phương, tầm quan trọng của việc khôi phục đối thoại quân sự song phương, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cuộc xung đột Israel - Gaza…/.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận