ASEAN - Nhật Bản: Củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác, cùng phát triển, cùng thắng

Suốt 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản đã và đang có những bước phát triển toàn diện

 

Với sự can dự “lặng lẽ và bền bỉ” suốt 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản đã và đang có những bước phát triển toàn diện, năng động trên tất cả các lĩnh vực.

ASEAN - Nhật Bản: Nửa thế kỷ là “đối tác không thể thiếu của nhau”

Quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Nhật Bản bắt đầu thiết lập vào đúng nửa thế kỷ trước (năm 1973). Nhưng theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, mối quan hệ này bắt đầu có được dấu mốc, bệ phóng phát triển đặc biệt là vào năm 1977, khi Thủ tướng Nhật Bản T. Fukuda công bố Học thuyết Fukuda lịch sử, đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN. Kể từ đó, chính sách ngoại giao “từ trái tim đến trái tim” của ông đã trở thành “điểm tựa” cho mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo ASEAN - Nhật Bản thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 tại Indonesia. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)Cũng theo nhìn nhận của Đại sứ Phạm Quang Hiệu, bất chấp những trở ngại của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 và các mối đe dọa xuyên quốc gia trong những năm 2000, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện diện ở Đông Nam Á, trao đổi thương mại hai bên cũng được mở rộng đáng kể. Đặc biệt, từ sau năm 2000, Nhật Bản và ASEAN đã ký kết các hiệp định đối tác kinh tế song phương, hiệp định đầu tư song phương và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP).

Trải qua chặng đường năm thập kỷ, các thành viên ASEAN và Nhật Bản đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực và trở thành những đối tác tin cậy của nhau. Cơ sở để tạo dựng niềm tin cho mối quan hệ hợp tác này là việc hai bên luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược của nhau. Nhật Bản luôn ủng hộ sự đoàn kết của ASEAN, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, tôn trọng và đóng góp trách nhiệm vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Với sự can dự “lặng lẽ và bền bỉ”, quan hệ ASEAN - Nhật Bản đã và đang có những bước phát triển toàn diện, năng động trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển... Nhật Bản là đối tác tin cậy, thực chất và hiệu quả, là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo ASEAN - Nhật Bản thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 tại Indonesia. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ở chiều ngược lại, một ASEAN năng động, đa dạng, đang vươn mình phát triển, cũng luôn cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhật Bản để xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng. Với những điểm bổ sung, song trùng và hài hòa lợi ích như thế, trải qua nửa thế kỷ qua, ASEAN và Nhật Bản đã trở thành những đối tác không thể thiếu của nhau, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên.

Trong lĩnh vực kinh tế, từ lâu, Nhật Bản đã là một trong những đối tác kinh tế “đáng tin cậy nhất” của ASEAN. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đối tác đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN. Ngoài quan hệ kinh tế, Nhật Bản còn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác tài chính với các nước trong khối. Thông qua khuôn khổ ASEAN+3 được thành lập năm 1999, Nhật Bản hỗ trợ ASEAN trong thời kỳ khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á...

Nhật Bản và ASEAN phát triển mối quan hệ không chỉ với tư cách là đối tác thương mại và đầu tư lớn, mà còn là những người bạn thực sự, xuất phát từ mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim” được xây dựng, vun đắp qua nhiều thế hệ, thông qua nhiều hoạt động giao lưu nhân dân. Hiện nay, tổng số thành viên của Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (ASCOJA) là hơn 50.000 người.

Kể từ năm 2007, Chương trình Giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS) cũng đã mời khoảng 47.000 lượt học sinh, sinh viên khu vực Đông Nam Á sang Nhật Bản, cả trực tiếp và trực tuyến, để tham quan, học tập và ngược lại. Ngoài ra, Quỹ Nhật Bản đã thực hiện khoảng 2.500 dự án trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước ASEAN...

Phiên khai mạc Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chớp cơ hội vàng, “Đồng kiến tạo” kinh tế và xã hội

Năm 2023 là tròn 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản. Nhận định về mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong 50 năm qua, nhiều chuyên gia, học giả cho rằng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản là một trong những mối quan hệ ý nghĩa và toàn diện nhất của ASEAN với các đối tác, trải rộng trên các lĩnh vực vì hòa bình, thịnh vượng, vì chất lượng cuộc sống và gắn kết từ trái tim đến trái tim. Như lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quan hệ ASEAN - Nhật Bản gắn kết sâu sắc là bởi hai bên cùng chia sẻ các giá trị chung của liên kết kinh tế mở, thúc đẩy một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ và gắn kết người dân.

Tuy nhiên, bối cảnh mới của khu vực và thế giới đòi hỏi quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản cần phải có những bước chuyển mới, hay nói như Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, Chính phủ Nhật Bản và ASEAN sẽ phải vạch ra "tầm nhìn mới" về hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Tầm nhìn mới ấy, theo đề xuất của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản mới đây là việc hai bên cần tăng cường hợp tác chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ, với ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN-Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển ở khu vực.Đồng thời, khuyến khích Nhật Bản tiếp tục tích cực hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động lại cơ chế hợp tác Mekong, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển bền vững trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng nhấn mạnh nhu cầu đầu tư cho nhân tố con người, hoan nghênh các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân trong khuôn khổ “đối tác từ trái tim đến trái tim” ASEAN - Nhật Bản và đề nghị cần cụ thể hóa thành các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 4 kết nối, trong đó đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế - thương mại, đầu tư coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản.

Cùng với đó đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược; mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh…, đưa các lĩnh vực này trở thành sức sống mới cho hợp tác ASEAN - Nhật Bản.

Trong đó ưu tiên kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

“Trước những cơn gió ngược, những thách thức chưa từng có tiền lệ, ASEAN và Nhật Bản càng cần củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản trở thành một hình mẫu nhân tố tích cực đóng vai trò quan trọng môi trường hòa bình ổn định cùng phát triển và cùng thắng ở khu vực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Giờ đây, nhiệm vụ của chúng ta là cụ thể hóa quan hệ từ trái tim đến trái tim trở thành quan hệ từ hành động đến hành động và từ cảm xúc đến hiệu quả với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực cụ thể để khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản với nền tảng vững chắc như núi Phú Sĩ và cơ hội hợp tác rộng lớn như Biển Đông, thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân và đóng góp tích cực hiệu quả hơn nữa vào hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực và trên thế giới”.

Những đóng góp và kiến nghị cụ thể của Việt Nam có thể nói đã “đúng” và “trúng” với nhu cầu của hợp tác ASEAN - Nhật Bản trong giai đoạn phát triển mới, được phản ánh trên nhiều nội dung trong “Tuyên bố Tầm nhìn” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố” được thông qua tại Hội nghị lần này. Sức sống mới cho hợp tác ASEAN - Nhật Bản đã, đang được kiến tạo từ những đóng góp “trúng” và “đúng” như thế./.

“Trước những cơn gió ngược, những thách thức chưa từng có tiền lệ, ASEAN và Nhật Bản càng cần củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản trở thành một hình mẫu nhân tố tích cực đóng vai trò quan trọng môi trường hòa bình ổn định cùng phát triển và cùng thắng ở khu vực”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận