Thế giới năm 2023: Đau thương dậy sóng!

Năm 2023 có nhiều bi kịch nối tiếp bi kịch, với những mất mát to lớn. Điển hình là sự tiếp diễn cuộc xung đột ở Ukraine, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas...

 

Có lẽ chưa bao giờ, kể từ hai cuộc thế chiến, số mạng người, những bi kịch lại xảy đến, liên tiếp và nhiều đến thế như trong năm 2023.

Tiếng súng vang lên khắp nơi, mạng người không ngừng đổ xuống

Chiến tranh, nội chiến, xung đột, khủng bố đã khiến tiếng súng không ngừng rền vang khắp các châu lục trong năm 2023, từ châu Phi, châu Âu… đến châu Á.Trên dải đất châu Âu, cuộc xung đột Nga-Ukraine dù tới nay đã tròn 1 năm 10 tháng song vẫn chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm", thậm chí ngày càng leo thang, bế tắc khi các bên liên quan vẫn tỏ thái độ cứng rắn và kiên quyết không thoả hiệp, bất chấp việc các bên liên tục kêu gọi chấm dứt xung đột thông qua ngoại giao.

Bức ảnh của phóng viên ảnh Emin Ozmen chụp cho tờ The New York Times, ghi lại khoảnh khắc bé gái 3 tuổi được cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà đã bị phá hủy sau trận động đất kinh hoàng xảy đến ngày 6/2/2023.Vũ khí vẫn tiếp tục được chuyển tới chiến trường, các cuộc giao tranh, tấn công vẫn cứ tiếp diễn… Và kết quả là cả Nga và Ukraine đều tiếp tục phải hứng chịu tổn thất nặng nề. Và tổn thất nặng nề, đau đớn nhất, không gì hơn là tính mạng con người. Tới nay, chưa thể có một thống kê đầy đủ về số thương vong của cả hai phía, tuy nhiên, theo thông tin mà tờ báo Mỹ New York Times đưa ra ngày 18/8, dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên, cho biết, dù khó xác định con số thương vong vì cả Nga và Ukraine đều không tiết lộ số liệu nhưng có thể ước tính thương vong của quân đội Nga là khoảng 300.000 người, trong đó 120.000 người chết và 170.000 - 180.000 người bị thương; số binh sĩ Ukraine thiệt mạng là khoảng 70.000 người, cùng với 100.000 - 120.000 người bị thương.

Dù các số liệu ước tính thương vong của Ukraine và Nga đều rất khác nhau, bởi dựa từ nhiều nguồn không chính thức: trên hình ảnh vệ tinh, nghe lén liên lạc, mạng xã hội và tin tức từ các phóng viên trong nước, cũng như báo cáo từ cả hai chính phủ… tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận, mạng người vẫn cứ đang đổ xuống.

Trung tâm dải Gaza ngày 7/10/2023, cảnh tượng sau đợt tấn công của Israel. “Chúng tôi kiệt sức rồi”- một người dân Gaza chia sẻ với phóng viên Samar Abu Elouf- tác giả bức ảnh.Chưa hết, máu còn đổ bởi những cuộc xung đột, nội chiến tại nhiều quốc gia. Tính đến cuối tháng 10/2023, cuộc nội chiến Sudan giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã khiến khoảng 9.000 - 10.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác bị thương. Cuộc xung đột Nagorno-Karabakh bùng phát trở lại sau nhiều năm lắng đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn khi hơn 100.000 người phải rời khỏi Nagorno-Karabakh. Căng thẳng ở biên giới Serbia - Kosovo, các cuộc giao tranh thường xuyên xảy ra ở các mặt trận quen thuộc như Syria, Lebanon hay Afghanistan… cũng khiến không ít người phải nằm lại dưới lòng đất. Tại Myanmar, các cuộc giao tranh giữa các nhóm nổi dậy và chính quyền quân sựcũng đã khiến hàng trăm người thiệt mạng…

 Nhưng đau đớn nhất, xót xa nhất phải là những gì đã, đang và sẽ còn xảy đến tại dải Gaza. Vùng đất thiêng giờ đây đã bị biến thành một nghĩa địa không hơn. Tính đến trung tuần tháng 11/2023, hơn 13.300 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến sự, gồm ít nhất 5.600 trẻ em và 3.550 phụ nữ. Trước đó, ít nhất 1.200 người Israel đã bị sát hại theo kiểu hành quyết bởi cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào ngày 10/7. Đau đớn nhất, là hơn 5.000 trẻ em đã bị cướp đi mạng sống. Người đứng đầu Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phải thốt lên: “Chúng ta đang chứng kiến một vụ giết hại dân thường chưa từng có trong bất kỳ cuộc xung đột nào kể từ khi tôi là Tổng thư ký”.

Thêm một bức ảnh đầy ám ảnh của Samar Abu Elouf  ghi lại tại Gaza ngày 12/10/2023. Những đứa trẻ bị thương được đưa đến Bệnh viện Al Shifa, khu phức hợp y tế lớn nhất Gaza, sau một cuộc không kích vào trại tị nạn Shati. Các bệnh viện phải sử dụng máy phát điện sau khi Israel chặn nước, điện và nhiên liệu vào Gaza.Thảm họa thiên nhiên liên tiếp, cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người

Năm 2023 đến thời điểm này có thể được xem là năm kỷ lục về thảm họa thiên nhiên. Theo một phân tích mới của tổ chức Save the Children, ít nhất 12.000 người - nhiều hơn 30% so với năm 2022 đã thiệt mạng do lũ lụt, cháy rừng, lốc xoáy, bão và lở đất trên toàn cầu vào năm 2023. Đó là chưa kể hàng chục nghìn người khác thiệt mạng do các trận động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và Maroco.

Ngay từ đầu năm, thế giới đã rúng động bởi hai trận động đất liên tiếp trong vòng 12 tiếng xảy ra tại miền Trung và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như miền Bắc Syria ngày 6/2/2023. Ước tính, có tới gần 60 nghìn người đã thiệt mạng vì thảm họa này. Ước tính có khoảng 14 triệu người, tương đương 16% dân số Thổ Nhĩ Kỳ, bị ảnh hưởng và khoảng 1,5 triệu người bị mất nhà cửa.

Một người đàn ông bước đi trên mặt đất nứt nẻ của hồ chứa Baells ở làng Cersc, Tây Ban Nha. Bức ảnh của Nacho Doce chụp cho hãng Reuters là một trong những minh chứng cho hệ luỵ của biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ trên khắp toàn cầu.Chưa hết bàng hoàng bởi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ thì một thảm họa khác đã đổ lên đầu những người dân ở Libya, khi một trận đại hồng thủy do bởi cơn bão Daniel gây rađã cuốn trôi 1/4 thành phố ven biển Derna. Số người chết trong thảm họa này lên tới 18.000 - 20.000 người, tương đương 1/5 dân số thành phố. Xảy ra vào tháng 9, cũng kinh hoàng không kém là trận động đất ở cao nguyên High Atlas. Mexico, tàn phá 2.930 ngôi làng với tổng dân số 2,8 triệu người, giết chết hơn 2.900 người; ít nhất 59.674 ngôi nhà bị hư hại, trong đó 32% bị sập hoàn toàn.

Cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên với nhân loại trong năm 2023 không dừng lại ở đó. Cháy rừng tại Indonesia vào tháng 6, cháy rừng dữ dội ở Hawaii vào tháng 8 thiêu rụi cả một thị trấn, riêng tại Hy Lạp xảy ra hàng trăm vụ cháy rừng lớn nhỏ. Hàng chục nghìn ha rừng hay đất canh tác, hàng triệu ngôi nhà đã biến thành tro bụi.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa chết người ở bang Odisha của Ấn Độ. Ít nhất 275 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương trong vụ tai nạn ba chiều liên quan đến hai đoàn tàu chở khách và một tàu hàng.Từ Á sang Âu, từ nước giàu cho tới nước nghèo, thảm họa tự nhiên không chừa bất cứ một mảnh đất nào của hành tinh. Trong khoảng 240 sự kiện liên quan đến khí hậu được quan sát vào năm 2023, cơ sở dữ liệu thảm họa quốc tế EM-DAT ghi nhận số người chết vì lở đất tăng 60%, số người chết vì cháy rừng tăng 278% và số người chết do bão tăng 340% trong khoảng thời gian từ năm 2022 và năm 2023. Không có gì nói hết được nỗi đau mà người dân phải hứng chịu trong những thảm họa khủng khiếp như vậy.

Hãng tin CNN nhìn nhận “năm nay có nhiều bi kịch nối tiếp bi kịch, với những mất mát to lớn. Điển hình là sự tiếp diễn cuộc xung đột ở Ukraine, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, trận động đất tàn khốc ở Afghanistan, Morocco, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, trận cháy rừng có sức tàn phá nhanh chóng, tàn khốc ở Maui (Hawaii), số vụ xả súng nhiều kỷ lục ở Mỹ, ở Thái Lan...". Đau thương dậy sóng trong bức tranh toàn cầu 2023 chỉ đậm một màu xám buồn.

Vĩ thanh cho một năm mới 2024

Dù không muốn, vẫn không thể chối bỏ được rằng, bức tranh thế giới năm 2023 thực sự chỉ tuyền một màu xám tối, của đau buồn, u uất, của những mất mát không dễ hàn gắn… Như cảnh báo của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres: “Xung đột ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn và khó giải quyết hơn… Những lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân lại xuất hiện. Các lĩnh vực xung đột và vũ khí chiến tranh tiềm năng mới đang tạo ra những cách thức mới mà loài người có thể tự hủy diệt lẫn nhau”.

Cảnh tượng kinh hoàng sau trận cháy rừng ở Maui. Vụ cháy rừng ở Maui trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử ở Hawaii, vượt qua trận sóng thần cướp đi sinh mạng của 61 người vào năm 1960, một năm sau khi Hawaii trở thành tiểu bang của Mỹ.(Ảnh của Nakamura cho The New York Times)

Trên mặt báo những ngày cuối cùng của năm 2023, là dòng tin về câu chuyện một người mẹ lấy thân mình che chở cho 2 con dưới đường ray tàu hỏa. Sự việc xảy vào ngày 23/12 tại bang Bihar, phía đông Ấn Độ. Chuyện là trong lúc hỗn loạn, cả 3 mẹ con đã bị đẩy khỏi sân ga và ngã xuống đường ray. Thấy vậy, một số người ở gần đó cố gắng tìm cách kéo 3 mẹ con lên nhưng họ chưa kịp hành động thì đoàn tàu bắt đầu lăn bánh. Giữa tình cảnh nguy hiểm, người mẹ theo bản năng đã lập tức cúi người xuống ôm lấy 2 đứa con, dùng toàn bộ thân thể che chắn cho các con khỏi sợ hãi và thương tích. Rất may, cuối cùng đoàn tàu chạy qua 3 mẹ con mà không hề chạm tới họ.

Một câu chuyện nhỏ, rất đời thường, có thể xảy đến bất cứ nơi đâu trên trái đất này, như là một phần của cuộc sống thường nhật. Nhưng nó vẫn khiến hết thảy những trái tim có lương tri trên trái đất này thổn thức, xúc động, bởi sự thiêng liêng cao cả của tình mẫu tử. Từ sự thổn thức, xúc động ấy, liệu có ai trong chúng ta đặt câu hỏi rằng: liệu thế giới chúng ta, đã đến lúc nên dừng lại, dừng lại những chiến tranh, xung đột, dừng lại những hành động làm biến đổi khí hậu toàn cầu… để những đau thương có thể vơi bớt, để những đau thương bớt dậy sóng, nhức nhối…/.

Hà Anh

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận