Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Hình mẫu về hợp tác hiệu quả, chân thành

​​​​​​​Năm 2023 là năm đặc biệt có ý nghĩa trong quá trình 50 năm phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

 

Đây là dịp hai bên tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ôn lại những giá trị lịch sử không chỉ ở thời gian này mà còn làm sống lại những giá trị của giao lưu hai nước từ hàng nghìn năm trước. Quan hệ hai nước ngày càng phát triển, đi vào thực chất, đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh của châu Á và thế giới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân thăm Nhật Bản tháng 11/2023. (Ảnh: Vũ Dũng)Phát triển toàn diện

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đánh giá rằng, trong 50 năm qua, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, trở thành một điểm sáng trong việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Mặc dù trải qua thăng trầm, nhưng từ sau thời kỳ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (2009), “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (2014). Đặc biệt, trong chuyến thăm Nhật Bản và dự Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra vào cuối tháng 11/2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ thành “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Điều này mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.

 

Ông Umeda Kunio - nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: Hai nước từ lâu đã có mối quan hệ hết sức thân thiết. Hợp tác từ lĩnh vực an ninh, đến kinh tế, văn hóa… đều phát triển từ nhiều năm trước. Do đó, việc nâng cấp quan hệ theo tôi mặc dù không phải là sớm, nhưng hết sức tuyệt vời.

Để đạt được những kết quả đó, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Riêng Thủ tướng Nhật Bản đã thăm Việt Nam tổng cộng 11 lần. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Nhật Bản 4 lần. Thủ tướng chính phủ Việt Nam thường xuyên thăm Nhật Bản, có thời kỳ từ 2 - 3 lần trong một năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản vẫn là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Ngoài ra, hợp tác ở các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, lao động, môi trường, giao lưu giữa các địa phương… cũng đạt được những thành quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của mỗi nước.

Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo hai nước đều cho rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên cơ sở chân thành, tình cảm, tin cậy, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, trên thế giới và vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Đây chính là thế mạnh mà hai nước cần tiếp tục phát huy.

Giao lưu nhân dân - khởi nguồn sự kết nối

Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ với tất cả các quốc gia, khu vực trên thế giới. Riêng đối với Nhật Bản, hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa thực sự sôi nổi, tạo sự gần gũi, thân thiện từ mỗi trái tim người dân hai nước.

Người dân hai nước luôn cảm thông, chia sẻ, ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Khi trận động đất, sóng thần lịch sử xảy ra ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản tháng 3/2011 gây ra những thiệt hại to lớn về người và của, phong trào chia sẻ quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản đã được tổ chức rộng rãi ở tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam, được đông đảo nhân dân Việt Nam tham gia.

Về phía Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ hết sức quý báu, kịp thời của nhân dân Nhật Bản trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược giành độc lập tự do cho dân tộc cũng như trong thời kỳ đổi mới phát triển kinh tế - xã hội. Vào khoảng thời gian 2012 - 2022, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã là quốc gia đầu tiên viện trợ vaccine phòng dịch Covid-19 quy mô lớn cho Việt Nam (hơn 7,4 triệu liều) và nhiều vật tư trang thiết bị y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch của Việt Nam.

Nhiều lễ hội lớn như lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, lễ hội Việt Nam tại Kanagawa, lễ hội Nhật Bản tại TP.HCM... đã trở thành sự kiện được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân hai nước tham gia, góp phần thúc đẩy giao lưu, hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.

Nhân dịp Lễ hội Gion tại Kyoto tổ chức vào tháng 8/2023, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trao tặng bức rèm thêu cung đình cho lễ hội. Dấu ấn lịch sử này không chỉ tồn tại ở thế hệ hiện tại mà còn lưu truyền cho tới hàng trăm năm sau. Điều này thể hiện sự giao lưu không chỉ dừng lại ở cấp quốc gia, mà còn mở rộng ra giữa các tổ chức, ban ngành, địa phương…

Thúc đẩy quan hệ cho tương lai tốt đẹp

Với những nền tảng có sẵn, để thúc đẩy quan hệ thực chất và hiệu quả hơn nữa, Việt Nam và Nhật Bản cần có những hoạt động cụ thể. Theo đó, hai bên cần tiếp tục giáo dục về lịch sử quan hệ hai nước cho thế hệ trẻ thông qua các cuộc giao lưu thanh niên hết sức quan trọng. Bởi đây là căn cốt, gốc rễ của sự phát triển quan hệ hai nước trong nhiều năm tới.

Ở tầng vĩ mô, hai bên cần tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị tin cậy thông qua thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc các cấp nhất là cấp cao. Trong lĩnh vực kinh tế, khai thác thế mạnh bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước. Đối với Việt Nam cần duy trì Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam về ODA, đầu tư, thương mại... tranh thủ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản nhất là vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng…

Về hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, hai bên thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến hợp tác và hỗ trợ về công nghệ thiết bị thông qua chương trình hỗ trợ an ninh chính thức. Ông Yohei Kono, nguyên Chủ tịch Hạ viện, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản tăng cường hợp tác với các địa phương Việt Nam. Nhật Bản có tới hơn 40.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên tập trung hợp tác vào những khu vực này. Hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.

Là người Việt Nam có hơn 50 năm sinh sống tại Nhật Bản đã đóng góp lớn cho y tế Nhật Bản khi sản xuất thành công máy thở, ông Trần Ngọc Phúc, Giám đốc công ty Metran cho rằng, để chuẩn bị cho những bước tiếp theo cho quan hệ hai nước trong thời gian tới, hai bên không chỉ quan tâm tới những quan hệ ở phương diện cấp cao (thượng đỉnh), mà còn cần quan tâm tới quan hệ ở cấp nhỏ hơn.

Ông Umeda-Kunio, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam đã thấu hiểu sâu sắc Nhật Bản, nên việc giao lưu giữa hai bên cần thiết phải tăng cường tích cực hơn nữa. Tôi cũng mong muốn rằng, ngược lại người Nhật Bản cũng cần phải thấu hiểu sâu sắc hơn người dân Việt Nam. Đây là điều rất quan trọng”.

Giai đoạn phát triển mới của Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu vào Xuân mới, hứa hẹn một mẫu quan hệ điển hình cho quan hệ quốc tế trên thế giới, chứng minh một điều tất cả sự thành công phải đến từ cảm xúc, tấm lòng chân thật và thấu hiểu nhau./.

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Ngoài ra, hợp tác ở lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, lao động, môi trường, giao lưu giữa các địa phương… cũng đạt được những thành quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của mỗi nước.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận