Khối tài sản của Nga ở nước ngoài: Chiếm dễ, dụng khó

Dù đồng rúp mất giá khá nhiều, nhưng chuyện tịch thu hoặc đóng băng khối tài sản của Nga ở nước ngoài đang tiếp tục là chủ đề nóng.

 

Dù đồng rúp mất giá khá nhiều, nhưng chuyện tịch thu hoặc đóng băng khối tài sản của Nga ở nước ngoài đang tiếp tục là chủ đề nóng.

Bản danh sách đen phong tỏa tài sản Nga

Từ sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh với Ukraine ở Ukraine cách đây hơn hai năm, Mỹ cùng với EU và các đồng minh khác thuộc khối phương Tây đã áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính. Phe này phong tỏa mọi tài sản của Nga ở nước ngoài. Tài sản của Nga ở đây bao gồm tài sản của nhà nước Nga, của các doanh nghiệp Nga và của các cá nhân người Nga. Những doanh nghiệp và cá nhân Nga này bị phe ấy coi là ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến tranh ở Ukraine bằng hậu thuẫn về chính trị và tài chính hoặc phục vụ cho ngành công nghiệp quân sự, quốc phòng của Nga.

Bản danh sách đen này của Mỹ, EU và đồng minh rất dài, càng về sau càng được mở rộng phạm vi và bổ sung thêm. Việc phong tỏa và tịch thu tài sản ở nước ngoài của các doanh nghiệp và cá nhân Nga bị Mỹ, EU và đồng minh đưa vào danh sách đen này cho đến nay đã được tiến hành khá triệt để và liên tục. Phe này cho rằng làm như vậy không trái với luật pháp quốc tế vì các đối tượng này bị nhằm đến trong khuôn khổ các biện pháp chính sách trừng phạt song phương và đa phương của phe phương Tây. Họ còn viện dẫn lý do đạo lý khi biện giải rằng các doanh nghiệp và cá nhân Nga phải trả giá cho việc tiếp tay và hậu thuẫn ông Putin tiến hành chiến tranh ở Ukraine. Phía Nga đáp trả bằng biện pháp ban hành nhiều đạo luật và quy định mới nhằm quốc hữu hóa tài sản ở Nga của các doanh nghiệp và cá nhân đến từ Mỹ, EU và đồng minh.

Việc tịch thu tài sản của Nga vẫn là vấn đề nan giải đối với Liên minh châu Âu. (Ảnh: EPA-EFE)Riêng đối với tài sản của nhà nước Nga ở nước ngoài là chuyện hoàn toàn khác bởi cơ sở pháp lý quốc tế liên quan khác và hậu quả, hệ lụy hoàn toàn khác. Mỹ, EU và đồng minh đã đề cập từ rất sớm đến việc tịch thu tài sản của Nga ở nước ngoài để giúp Ukraine chiến tranh với Nga, để đảm bảo có tài sản của Nga sau này bồi thường chiến tranh cho Ukraine và để tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Cho tới nay, phe này mới chỉ đề cập đến, nêu ra ý tưởng sử dụng chứ chưa dám động chạm gì đến tài sản của nhà nước Nga ở nước ngoài. Lý do đơn giản là họ có thể phong tỏa nhưng không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào để có thể sử dụng tài sản của nhà nước Nga ở nước ngoài.

Theo luật pháp quốc tế hiện hành, quốc gia được hưởng các quyền miễn trừ. Vận dụng quy định về quyền miễn trừ vào đây có nghĩa là không có bất cứ quốc gia nào trên thế giới có quyền chiếm đoạt và sử dụng tài sản của Nga ở nước ngoài. Chỉ khi bất chấp luật pháp quốc tế, phe này mới có thể "sử dụng" tài sản của Nga đang bị họ "chiếm giữ". Trong phe này đến nay mới chỉ thấy Mỹ có ý bất chấp luật pháp quốc tế để sử dụng khối tài sản của Nga ở nước ngoai trong khi EU và các đồng minh khác suy tính nhiều hình thức tận dụng mà không làm suy suyển khối tài sản ấy của Nga. Ý tưởng được nhóm này đề xuất là chuyển tất cả các khoản lãi ngân hàng từ khối tài sản của Nga ở nước ngoài vào một tài khoản riêng để sử dụng, tức là sử dụng tiền lãi trong khi giữ nguyên tài khoản gốc.

Bất đồng quan điểm nội bộ

Số liệu công khai có khác nhau về giá trị tài sản của Nga ở nước ngoài. EU tính rằng khối tài sản của Nga ở trong EU khoảng 300 tỷeuro, trong đó chủ yếu của nhà nước Nga và chỉ có phần nhỏ là của các doanh nghiệp và cá nhân Nga bị phe kia đưa vào danh sách bị trừng phạt. Khoảng 200 tỷ euro trong số ấy là dự trữ ngoại tệ của Nga gửi ở 2 trung tâm lưu giữ Euroclear tại Bỉ và Clearstream ở Luxemburg. Số tiền này sản sinh ra lãi và bị nhà nước Bỉ, Luxemburg đánh thuế 25%. Theo hãng thông tấn RIA của Nga, giá trị tài sản của các nước phương Tây ở Nga là 263 tỷ euro.

Đồng rúp của Nga. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

Ở phe này hiện có sự bất đồng quan điểm trong nội bộ về khối tài sản của Nga ở nước ngoài. Mỹ, Anh và một vài nước khác chủ trương dùng toàn bộ tài sản của Nga ở nước ngoài để giúp Ukraine tiếp tục chiến tranh đến cùng với Nga ở Ukraine. Nhóm này ý thức được rằng không có cơ sở pháp lý quốc tế để làm những việc ấy nhưng chủ định bất chấp luật pháp quốc tế. Lập luận của họ là ở thời chiến tranh thì có thể hiểu, lý giải và vận dụng luật pháp quốc tế phù hợp với bối cảnh chiến tranh. Suy tính cụ thể của họ ở đây là sử dụng ngay khối tài sản này thì họ đỡ phải bỏ tiền túi của họ ra giúp Ukraine và sau khi chiến tranh kết thúc sẽ là tình huống hoàn toàn khác. Nếu Ukraine thắng Nga thì đằng nào họ cũng còn có thể ép buộc Nga bồi thường chiến tranh và đóng góp vào việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh - như phe đồng minh đã làm với nước Đức, Italy và Nhật Bản sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai trong nửa đầu của thế kỷ trước. Còn nếu Nga thắng thì đằng nào cũng chẳng còn khối tài sản của Nga ở nước ngoài để đòi lại và Ukraine thua thì lấy đâu ra tiền mà hoàn trả lại cho Nga.

Phe thứ hai và EU nói chung hiện không dám hành động như vậy vì ý thức được rằng luật pháp quốc tế hiện hành không cho phép và không thể sửa luật pháp quốc tế hiện hành để hợp pháp hóa việc vừa chiếm vừa dụng khối tài sản của nhà nước Nga ở nước ngoài. Phe này không thể không quan ngại thật sự rằng nếu hành động chiếm dụng khối tài sản của nhà nước Nga thì làm sao còn giữ được lòng tin của thế giới bên ngoài vào cam kết của phe này đảm bảo lợi ích chính đáng và tài sản hợp pháp của các đối tác bên ngoài ở chỗ họ. Hơn nữa, sử dụng khối tài sản của nhà nước Nga ở nước ngoài không phải đơn thuần là hành động tịch thu mà sẽ gây tác động rất mạnh mẽ và sâu rộng tới sựổn định giá trị của đồng USD và đồng euro, tới hệ thống tài chính thế giới và các mối quan hệ tiền tệ quốc tế mà chắc chắn chỉ tiêu cực chứ không thể tích cực. Hơn nữa, Nga đâu có chịu ngồi yên xem tài sản của Nga ở nước ngoài bị các địch thủ này tùy ý chiếm dụng bất chấp luật pháp quốc tế. Nga sẽ hành động đáp trả quyết liệt và cũng sẽ tịch thu tài sản của các địch thủ kia - bao gồm tài sản của nhà nước, của các doanh nghiệp và của các cá nhân - hiện vẫn còn ở Nga. Nga không đáp trả theo kiểu ăn miếng trả miếng thì mới là chuyện lạ.

Mỹ, EU và đồng minh có thể dùng các kiểu tòa án quốc tế để hợp pháp hóa việc chiếm dụng khối tài sản của Nga ở nước ngoài với những lập luận như vẫn thường được nghe thấy lâu nay. Nhưng tất cả các tòa án quốc tế hiện tại đều không thể phán quyết theo hướng cho phe này quyền bất chấp luật pháp hiện hành mà có chăng thì chỉ có thể buộc Nga phải bồi thường chiến tranh. Cuộc chiến tranh này hiện chưa kết thúc, chưa biết đến khi nào mới có thể kết thúc và sẽ kết thúc như thế nào./.

EU tính rằng khối tài sản của Nga ở trong EU khoảng 300 tỷ euro, trong đó chủ yếu của nhà nước Nga và chỉ có phần nhỏ là của các doanh nghiệp và cá nhân Nga bị phe kia đưa vào danh sách bị trừng phạt. Khoảng 200 tỷ euro trong số ấy là dự trữ ngoại tệ của Nga gửi ở 2 trung tâm lưu giữ Euroclear tại Bỉ và Clearstream ở Luxemburg. Số tiền này sản sinh ra lãi và bị nhà nước Bỉ, Luxemburg đánh thuế 25%. Theo hãng thông tấn RIA của Nga, giá trị tài sản của các nước phương Tây ở Nga là 263 tỷ euro.

Sa Thảo

 

Bình luận

    Chưa có bình luận