Báo in thế giới: Từ chuyện của những tờ báo đầu tiên…

Những tờ báo đã hình thành ra sao? Báo giấy - báo in: đâu mới là cụm từ chính xác?… lại là những câu chuyện ít độc giả biết tới.

 

Đã từ rất lâu, có lẽ đã mấy trăm năm có lẻ, báo chí đã hiện diện, và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của độc giả toàn cầu. Nhưng, những tờ báo đã hình thành ra sao? Báo giấy - báo in: đâu mới là cụm từ chính xác?… lại là những câu chuyện ít độc giả biết tới.

Báo in - Phát minh của người La Mã?

Đó là “nghi vấn” được đưa ra từ rất lâu, tạo ra không ít tranh cãi nhưng cho đến nay đó vẫn là một giả định được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi đi tìm khởi thủy của ngành báo in toàn cầu. Nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ học đã đồng loạt khẳng định báo in là phát minh của người La Mã, nhằm truyền đạt thông tin bằng chữ in. Họ in ra tờ báo có tên là The Acta Diurna (có nghĩa là: hành động hàng ngày, tin vắn) từ năm 131 trước CN, thời điểm đó, The Acta Diurna như một loại hình cung cấp các thông tin chính trị và xã hội cho cư dân La Mã cổ đại. Các thông tin về các sự kiện như chiến thắng quân sự, lịch thi đấu ở các võ đài hay các loại tin vắn khác, được khắc trên kim loại hoặc đá, và trưng bày tại những nơi đông người qua lại. Acta Diurna tồn tại cho tới tận hậu thời kỳ đế chế La Mã và được coi như là nguồn gốc của báo chí hiện đại, là tờ báo đầu tiên trên thế giới.

Đã từ rất lâu, báo chí đã hiện diện và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của độc giả toàn cầu.Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình và cho rằng The Acta Diurna không phải là tờ báo mà chỉ đơn thuần là những bản tin về các sự kiện đang diễn ra trong các thành phố lớn, không được “sản xuất” định kỳ mà mỗi khi chính quyền có việc cần thông báo mới lại “ra báo”.

Siloam Inscription - một văn bản được tìm thấy năm 1880 tại phía đông nam của Thánh địa Jerusalem, được coi là có niên đại khoảng năm 700 trước công nguyên, cũng được xem là văn bản mang tính chất báo chí cổ nhất.

Dù vậy, nhiều ý kiến khác lại khăng khăng với nhận định rằng những người Ý mới là những người đầu tiên có ý tưởng về báo in, rằng lịch sử báo in chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1566 - năm ra đời tờ báo hiện đại đầu tiên tại Venice, Italy. Thời ấy, chính quyền ở đây đã phát hành tờ báo này và trưng bày nó trên các con phố của Venice. Bất cứ ai muốn đọc toàn bộ tờ báo sẽ phải trả một đồng xu nhỏ gọi là Gazetta. Chính bởi lý do này nên tờ báo đầu tiên không gọi là newspaper như ngày nay mà đã được gọi là Gazettes.

Gazettes được coi là “khởi đầu của báo in hiện đại” còn bởi sau đó “từ khóa” này đã trở thành tên chung của các tờ báo giống như vậy ra đời tiếp theo tại các thành phố lớn ở châu Âu và châu Âu vì lẽ đó được xem là cái nôi của báo chí toàn cầu. Đơn cử như tờ báo in đầu tiên ở Anh là tờ The Gazette in tại Oxford chính thức ra mắt công chúng vào ngày 7/11/1665, sau này đổi tên thành The London Gazette, còn tồn tại đến ngày nay. Ngày nay tại bảo tàng Magliabechian ở Florence còn lưu trữ khoảng 30 tờ báo đầu tiên trên thế giới dạng này và tất cả đều được viết tay. Cũng bởi cái sự viết tay này mà những tờ Gazettes nếu gọi một cách sát nghĩa nhất, có lẽ không gì khác hơn là báo giấy.

Từ sự xuất hiện của máy in đến thời hoàng kim của báo in

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử báo chí, có lẽ cụm từ báo in để chỉ những tờ báo được in ra, chỉ thực sự bắt đầu từ sau thời điểm năm 1447 khi máy in ra đời từ phát minh vĩ đại của Johann Gutenberg. Thế nên, cũng mới có ý kiến cho rằng nếu nước Ý là nơi đầu tiên khai sinh ra ý tưởng về báo giấy nhưng chỉ được viết tay thì người Anh là những người đầu tiên cho ra đời loại báo in.

Cùng với Anh, Ý, các quốc gia châu Âu Thụy Sỹ, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Áo, Ba Lan… cũng lần lượt có báo in. Thế nên, nhìn lại những tờ báo được xem là có tuổi thọ lâu đời nhất thế giới cũng chính là những tờ báo được xuất bản tại các quốc gia này. Như tờ La Gazette (Gazette de France) tờ báo của Pháp ra đời năm 1631; tờ báo tiếng Đức "Relation aller Fürnemmen und gedenckwürdigen Historien" của Johann Carolus phát hành năm 1605 ở Strassburg (nay thuộc Pháp); Post-och Inrikes Tidningar - tờ “phát ngôn” chính thức của chính phủ Thụy Điển, chuyên tin về các thông cáo, thông tin quan trọng, tin tức phá sản, bán đấu giá và quảng cáo ra đời từ ý tưởng về một phương tiện chuyên đưa tin về đất nước và thế giới ra đông đảo cộng đồng của Nữ hoàng Christina (1626 - 1689); Merkuriusz Polski Ordynaryjny - tờ báo giấy đầu tiên của Ba Lan xuất hiện năm 1661; Wiener Zeitung hay Wiennerisches Diarium - là cơ quan “phát ngôn” của Chính phủ nước Cộng hòa Áo, bản in đầu tiên được phát hành ngày 8/8/1703, chuyên về các mảng tin tức xoay quanh đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của Áo; Haarlem Dagblad - ra đời năm 1656 tại thành phố Haarlem, Hà Lan, là một trong những tờ báo cổ nhất còn hoạt động cho đến ngày nay; Avisa Relation oder Zeitung - chính thức ra đời năm 1609 tại thị trấn Wolfenbüttel, Đức, xuất bản theo định kỳ, chuyên đưa tin về thế giới, tin tức từ chính phủ, những thay đổi trong chính sách và những cuộc thảo luận trong phạm vị quốc gia.

Việc phát minh ra máy điện báo vào giữa thế kỷ 19 (năm 1844) đã làm thay đổi ngành báo in khi thông tin được truyền đi nhanh hơn, cho phép các phóng viên đưa ra những tin tức mang tính thời sự hơn. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, báo in gần như đã xuất hiện trên toàn thế giới, những tờ báo bắt đầu có định kỳ ngắn hơn và nhật báo trở nên phổ biến hơn. Lúc này, báo chí đã trở thành phương tiện thông tin cơ bản và hữu ích nhất. Đây cũng sự khởi đầu của cái gọi là thời hoàng kim của báo in. Nhưng một sự thực khá trớ trêu là nếu như nước Anh và châu Âu là cái nôi, nơi khởi thủy của báo in toàn cầu, nhưng sự thịnh vượng nhất của báo in, nơi được coi là kinh đô của ngành công nghiệp báo in với những tờ báo có lượng phát hành lớn nhất thế giới lại là nước Mỹ. Tại Mỹ, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX từng có tới 2.430 đầu báo tới tổng lượng tia-ra lên tới hơn 70 triệu ấn bản một ngày; đã có thời cứ 5 người Mỹ thì có tới 4 người thường xuyên đọc báo in mỗi ngày…

Nhưng phàm ở đời, hết thịnh sẽ đến suy. Sự phát triển của công nghệ thông tin, sự chuyển hướng trong cách thức, tư duy tiếp nhận thông tin của độc giả… đã khiến thời hoàng kim của báo in dần dần đi vào dĩ vãng. Năm 2012, cái gọi là “sự xuống dốc” của báo in mới đến phần cao trào. Năm đó, hàng loạt tờ báo, từ Mỹ tới châu Âu, trong đó cả những nhật báo lừng danh bậc nhất đã phải ngậm ngùi nói lời giã biệt với các ấn phẩm báo in từng làm nên chính thương hiệu của họ. Giờ đây, trong thời đại fake news - tin giả hoành hành, mạng xã hội lên ngôi, khi lòng tin của độc giả vào báo chí có chiều hướng lung lay, suy giảm và thời kinh tế khủng hoảng, khó khăn khiến người đọc cân nhắc hơn trong việc móc hầu bao trả phí, thì để tồn tại, các tờ báo in khắp thế giới vẫn đang nỗ lực tìm phương cách để tồn tại.

Tới những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, báo in đã trở thành một ngành công nghiệp ăn nên làm ra nhất tại Mỹ. Những tập đoàn báo chí lớn nhất nước Mỹ: The Tribune, New York Times, Gannett, Washington Post… cũng đồng thời từng là những tập đoàn hùng mạnh, giàu có và quyền lực nhất xứ cờ hoa. “Qúy bà tóc xám - Grey Lady”, tức nhật báo Mỹ The New York Times - một trong những tờ báo lớn nhất nước Mỹ, trong lịch sử tồn tại của mình, đã từng có thời điểm, chính xác là vào những năm 80 thế kỷ trước, đã từng có lượng phát hành thường xuyên ổn định ở mức trên 1 triệu bản, có thời điểm lên tới 1,6 triệu bản.

Chuyện phát hành trên 1 triệu ấn bản in mỗi kỳ một thời cũng là… chuyện thường thôi đối với những nhật báo Mỹ khác như (WSJ (năm 2012 trong 2,1 triệu ấn bản phát hành mỗi ngày có tới hơn 1,5 triệu ấn bản báo in truyền thống); Tờ USA Today cũng từng nhiều lần chạm con số 1,8 triệu ấn bản phát hành một ngày. Những tờ báo châu Âu góp mặt trong thời hoàng kim của báo in thế giới với lượng phát hành hàng trăm ngàn bản mỗi kỳ tuy không nhiều nhưng không phải là không có. Đơn cử như nhật báo El Pais của Tây Ban Nha, ra đời năm 1976, trải qua thời hoàng kim vào những năm 1990 với số lượng phát hành đỉnh cao là 1.121.590 bản cho số Chủ nhật năm 1992. Đó là nhật báo Anh The Independent vào thời kỳ hoàng kim, tờ báo này phát hành hơn 420.000 bản/ngày. Nhật báo Pháp Le Monde cũng chẳng hề kém cạnh khi từng có một thời lượng phát hành thường xuyên luôn dao động trong khoảng từ 300.000 - 500.000 bản/ngày… 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận