100 năm hiệp ước Versailles

Chiến tranh thế giới thứ nhất và Hiệp ước Versailles đã khởi đầu cho thế kỷ với nhiều biến động sâu sắc nhất đối với nhân loại trong lịch sử.

 

Cách đây đúng 100 năm, tại lâu đài Versailles ở ngoại ô thủ đô Paris của nước Pháp đã diễn ra hội nghị của các bên thắng trận trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và ký kết văn bản đi vào lịch sử với tên gọi là Hiệp ước Versailles.

Nền móng cho trật tự thế giới

Hội nghị này và văn kiện này không chỉ đã chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất trong thế kỷ trước mà còn đặt nền móng cho trật tự thế giới từ sau đó với những tác động, hậu quả và hệ lụy rất mạnh mẽ và sâu sắc đối với cả thế giới chứ không chỉ đối với châu Âu. Woodrow Wilson, tổng thống thứ 28 của nước Mỹ, đã đến dự hội nghị này và trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới châu Âu. Tất cả những bên tham dự hội nghị đều bị ám ảnh bởi chủ nghĩa quân phiệt Đức và đều quyết tâm triệt hạ chủ nghĩa quân phiệt Đức đến cùng.

Đối với nước Đức, cả hội nghị này lẫn Hiệp ước Versailles đều chẳng khác gì nỗi sỉ nhục lớn. Vai trò của nước Đức dường như chỉ được giới hạn đến chỗ là hiện diện để ký vào thoả thuận mà các nước thắng trận đã đạt được với nhau. Nước Đức cảm nhận hội nghị chẳng khác gì phiên toà xét xử nước Đức và hiệp ước Versailles giống như bản án được tuyên ra đối với nước Đức.

Cách đây 100 năm, Hiệp ước Versailles  (hay còn gọi là hòa ước Versailles) được ký kết đã chính thức chấm dứt chiến tranh thế giới thứ nhất. Nội dung hòa ước đã có tác động rất lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. (ảnh: KT)Cũng tại chính nơi này, ngày 18/1/1871, Đế chế Đức đã được thành lập. Hội nghị và Hiệp ước Versailles năm 1919 đã chính thức hoá sự tan rã của Đế chế Đức. Mất lãnh thổ và thuộc địa, mất sự liên kết với Áo, hạn chế lực lượng quân đội, phi quân sự hoá vùng sông Rhein, bồi thường thiệt hại và đặc biệt là điều 231 trong đó quy kết trách nhiệm hoàn toàn cho nước Đức. Tất cả những điều đó đều áp đặt cho nước Đức, nước Đức buộc phải chấp nhận chứ không muốn và sẵn sàng chấp nhận.

Cũng chính vì thế mà hiệp ước này không loại trừ được chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt Đức mà ngược lại. Ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc Đảng Quốc xã ở Đức với Adolf Hitler sau đó lên cầm quyền ở nước Đức là chuyện gần như không còn có thể tránh khỏi đối với nước Đức và ở châu Âu. Hậu quả và hệ lụy của việc này là bùng phát chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến tranh còn khủng khiếp và gây thiệt hại cho nhân loại lớn hơn rất nhiều cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Hiệp ước Versailles được coi là giấy khai sinh của một trật tự thế giới mới. Trật tự thế giới ấy đúng là được ra đời thật nhưng tồn tại không được bao lâu và ẩn chứa trong nó những nhân tố khiến cho thế giới không được trật tự hơn mà vẫn mất trật tự trên nhiều phương diện, đặc biệt về chính trị an ninh.

Và những bi kịch sau hiệp ước

Từ giác độ ngày nay mà nhìn lại, có thể thấy những gì xảy ra kể từ sau hội nghị này ở châu Âu và trên thế giới là hệ lụy của sai lầm tai hại của hội nghị và hiệp ước.

Thứ nhất, các bên tham gia hội nghị trên danh nghĩa xử lý chuyện chấm dứt chiến tranh và hậu quả của cuộc chiến tranh, nhưng trong thực chất phân chia chiến lợi phẩm chiến tranh với nhau. Vì thế, họ không có được sự đồng thuận quan điểm cần thiết cho việc định hướng tương lai cho cả châu lục và thế giới. Họ cho rằng chỉ cần không để nước Đức mạnh lên về mọi phương diện, đặc biệt về quân sự, là đủ để có thể ngăn ngừa chiến tranh lại bùng phát trong tương lai ở châu Âu và trên thế giới. Họ thống nhất được với nhau về những điều kiện đối với nước Đức nhưng lại không chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nước Đức không tuân thủ các điều kiện ấy hoặc khi sau đấy có đối tác này hay đối tác kia lại lợi dụng nước Đức phục vụ cho các lợi ích riêng.

Thứ hai, họ không lôi kéo nước Đức vào giải pháp hoà bình cho châu Âu và thế giới sau chiến tranh mà áp đặt cho nước Đức giải pháp của họ. Nước Đức cam chịu bề ngoài vì không có sự lựa chọn nào khác, nhưng ở bên trong thì nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc và ý chí phục thù, chờ cơ hội thuận lợi để trỗi dậy và lật ngược những quy định bị áp đặt kia, giải lại bài toán chính trị quyền lực và lợi ích ở châu Âu.

Thứ ba, các nước thắng trận đã dùng hiệp ước Versailles để đối phó với sự hình thành và lớn mạnh của nước Nga sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong thực chất, các bên này chủ ý vừa kiềm chế nước Đức vừa chuẩn bị bài binh bố trận ở châu Âu và trên thế giới để đối phó với nước Nga và Liên Xô.

Khởi đầu cho một thế kỷ mới

Thế giới cách đây 100 năm là như thế đấy. Bi kịch đến đâu và sai lầm đến đâu thì cũng đã xảy ra. Thật khó có thể trả lời được câu hỏi có phải chính nó đã đưa lại cuộc chiến tranh thế giới thứ hai hay không. Phát xít Đức và nhà nước Đức quốc xã đã gây ra cuộc chiến tranh thứ hai. Hiệp ước Versailles đã tác động tới nước Đức theo hướng làm nảy sinh ra chủ nghĩa phát xít Đức, Đảng Quốc xã và đưa đến việc Adolf Hitler lên nắm quyền. Nếu cứ suy diễn như thế thì không thể gạt bỏ đi được cảm nhận là những chuyện ấy ở nước Đức đều có phần nào gốc rễ từ Hiệp ước Versailles.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và Hiệp ước Versailles đã khởi đầu cho một thế kỷ với nhiều biến động sâu sắc nhất đối với nhân loại trong lịch sử từ trước đến nay. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ về thời kỳ lịch sử này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhân loại hiện tại cũng như trong tương lai. Châu Âu đã rút ra được những bài học cần thiết từ hai cuộc chiến tranh và từ hiệp ước Versailles để không đi lại vết xe đổ của thời trước. Hoà giải và cân bằng lợi ích, xoá bỏ cách nhìn nhận và phân biệt đẳng cấp giữa thắng trận và thua trận cũng như xây dựng tương lai chung được các nước thực hiện sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Cho tới nay, không phải mọi vấn đề đều đã được giải quyết liên quan đến quá khứ và tương lai của châu Âu cũng như trên thế giới, nhưng chiến tranh thế giới không xảy ra lần thứ ba và châu Âu có được thời kỳ hoà bình lâu dài. Nước Đức từ chỗ bị coi là thủ phạm gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới thì ngày nay đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất cho các tiến trình hoà bình, hợp tác, liên kết và nhất thể hoá châu lục, có được uy tín và ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và Hiệp ước Versailles đã khởi đầu cho một thế kỷ với nhiều biến động sâu sắc nhất đối với nhân loại trong lịch sử. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ về thời kỳ lịch sử này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhân loại hiện tại cũng như trong tương lai.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận