Thảm kịch đổi đời 'miền đất hứa'

Vụ 39 người chết trong container đã cho thấy, con đường bất hợp pháp tới 'miền đất hứa' luôn là hành trình phải trả bằng máu và sinh mạng.

 

Từ lâu, châu Âu và Mỹ đã đi vào tâm trí của triệu triệu người khắp nơi trên thế giới như những “miền đất hứa”, những nơi “đáng sống nhất thế giới” và là chốn lý tưởng nhất để hiện thực hóa “giấc mơ đổi đời”. Nhưng sự vụ 39 thi thể người nhập cư chết cứng tự bao giờ bên trong chiếc container ngày 23/10 vừa qua và vô số những thảm kịch kinh hoàng xảy đến nhiều năm qua, đã cho thấy, con đường bất hợp pháp tới “miền đất hứa” luôn là hành trình phải trả bằng máu và sinh mạng.  

Khi mạng người trở thành trò hên xui

"Hên xui thôi. Ai rồi cũng sẽ chết thôi" - chủ nhân của câu nói mang đầy sự vô cảm ấy là Kastrijot Ahmati - kẻ buôn người gốc Almania tại Anh quốc. Nhưng đằng sau sự lạnh lùng vô cảm ấy, Kastrijot Ahmati đã nói ra một phần sự thật cay đắng về hành trình nhập cư bất hợp pháp của hàng triệu triệu con người trên khắp hành tinh này. Để hiện thực hóa giấc mơ được đặt chân tới “miền đất hứa”, tất cả trong số họ đều chấp nhận mang sinh mạng của mình ra đặt cược.

Người di cư từ các nước Trung Mỹ vượt biên đến Mỹ. (Ảnh: KT)Theo các thống kê, đại đa số dân nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu bằng đường bộ hoặc qua biển Địa Trung Hải, thông qua ba tuyến chính (tuyến hàng không rất ít vì đắt đỏ). Đường thứ nhất được gọi là "đường trung tâm Địa Trung Hải" nối Libya và Tunisia đến Malta và đặc biệt là Italy, được dân Nigeria, Guinea và Bờ Biển Ngà sử dụng, hoạt động mạnh nhất vào năm 2016 và 2017. Đường thứ hai là "đường phía tây Địa Trung Hải", nối Maroc và Tây Ban Nha được dân Morocco, Algeria và Bờ Biển Ngà sử dụng và đang được ưa chuộng nhất hiện nay là "đường phía đông Địa Trung Hải" đi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, được dân Syria, Iraq và Afghanistan sử dụng với Hy Lạp là điểm đến đầu tiên. Ngoài ra còn có một số con đường phụ, nhất là đường phía tây bán đảo Balkan nối Hy Lạp với Đông Âu. Từ các nước đầu cầu tiếp nhận, người di cư tiếp tục đi Pháp và Anh.

Cũng chính bởi di cư bằng đường biển, đường bộ, chuỗi hành trình thì dài mà sóng to gió lớn, thời tiết thay đổi bất thường và những sự biến, tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào… nên hiểm nguy rình rập càng lớn, càng khó có thể lường trước.

Chưa hết, cảnh sát Pháp từng khẳng định 100% người nhập cư bất hợp pháp đều thông qua các mạng lưới buôn người. Mà các tổ chức buôn người, bởi lợi nhuận khổng lồ ngày càng gia tăng thu được từ việc đưa người qua biên giới bất hợp pháp, đã khiến thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, thậm chí tàn bạo. Tính mạng người nhập cư bất hợp pháp theo đó cũng bị đe dọa hơn bao giờ hết.

Đến mức, tháng 6/2019 vừa qua, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn đã cảnh báo nguy cơ số người tị nạn chết khi cố gắng vượt qua biển Địa Trung Hải đang tăng lên mức cao nhất. "Nếu chúng ta không can thiệp sớm, sẽ có một biển máu ở đấy (Địa Trung Hải)", bà Carlotta Sami, phát ngôn viên của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), cảnh báo. Theo số liệu của UNHCR và Tổ chức Di cư Quốc tế, từ đầu năm 2019 đã có 1.940 người đến Italy từ Bắc Phi, trong đó gần 350 người đã chết trên đường đi. Tỷ lệ tử vong của những người vượt biên lên tới hơn 15%. Trước đó, theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế thuộc Liên hiệp quốc (IOM), kể từ khi cuộc khủng hoảng di dân bùng nổ năm 2014, hơn 25.000 người đã thiệt mạng trên đường tha hương, phần lớn nằm lại dưới đáy biển (hơn 17.000 người), hoặc chết đau đớn trong thùng xe tải mà sự vụ 39 cái chết được phát hiện tại Essex ngày 23/10 vừa qua chỉ là một trong rất nhiều sự vụ thương tâm tương tự.

Điều đáng quan ngại là việc số lượng người chết trên hành trình nhập cư bất hợp pháp ngày càng tăng, số vụ ngày càng nhiều theo chiều hướng bi thảm hơn, dường như vẫn không tác động nhiều tới tâm lý muốn đến bằng được các “miền đất hứa” của cư dân từ: Eritrea, Iraq, Afghanistan, Iran, Albania, Sudan, Pakistan, Syria, Ethiopi, Morocco, Tunisia, Haïti, Bờ Biển Ngà, Congo, Comoros, Albania, Nigeria… - những nước đứng đầu trong bảng xếp hạng những quốc gia có lượng người nhập cư bất hợp pháp đông đảo nhất.         

Không chỉ trả giá cao bằng mạng sống, số tiền mà những người nhập cư bất hợp pháp phải bỏ ra để có được hành trình đến “miền đất hứa” không hề nhỏ. (trong khi phần đa trong số đó đều là những người có thu nhập thấp, nếu không muốn nói là nghèo đến đáy xã hội). Đơn cử như hành trình nhập cư  vào nước Anh, theo Europol, toàn bộ hành trình có thể có giá từ 10.000 đến 20.000 euro (22.000-33.000 USD).

Phải trả cái giá rất đắt cả về tiền bạc lẫn mạng sống nhưng lạ lùng là, ước mơ được đổi đời tại “miền đất hứa” vẫn khiến những người nhập cư bất chấp tất cả.

Những cuộc sống như nô lệ

Nhưng điều đắng cay chua chát là đặt cược cả mạng sống, phải đổ cả máu và tiền bạc, nhưng thực sự khi đặt chân đến “miền đất hứa”, mong muốn “đổi đời” đã trở thành trò nực cười. Phải khi đã đặt chân tới Lancashire, chấp nhận một cuộc sống thường nhật với việc ngủ trên sàn bê tông cùng 25 người khác, ăn bánh mỳ, uống nước trắng, sáng sáng đeo ủng đi đào sò trên vịnh Morecambe lạnh buốt với thù lao chỉ 10 bảng (gần 13 USD) một ngày, chàng thanh niên người Trung Quốc mang tên Li Hua mới thấy cuộc sống ấy còn tồi tệ gấp trăm lần cuộc sống bán rau của anh ở quê hương, thậm chí còn tồi tệ hơn bởi ngày còn ở làng, Li Hua còn là người tự do, giờ đây, anh đã trở thành một nô lệ đúng nghĩa.

Những chiếc xe tử thần. (Ảnh: www.airdrietoday.com)Nhưng trường hợp của Li Hua cũng chưa là gì so với nhiều “bạn bè” cùng “giới nhập cư bất hợp pháp” khác. Nhiều người được đưa đến làm việc trong các trang trại cần sa, bị nhốt trong các ngôi nhà này và phải chăm sóc cây cả ngày lẫn đêm. Thậm chí, như lời kể của một chàng trai người Việt được giao đi chăm sóc cây cần sa tại Anh, vì tính chất bí mật của công việc, anh không thể nhìn ra ngoài cửa sổ vì tất cả đều bị bịt bằng những tấm nhựa, không biết đang là đêm hay ngày, không biết đang ở đâu, được cho ăn gì thì ăn nấy và nhất là nếu khiến một số cây chết, những trận đòn lôi đình sẽ tới. Thân phận nô lệ có lẽ chỉ đến mức ấy mà thôi.

Số khác thì cắm mặt cả ngày trong tiệm làm nail. Bi kịch hơn là nhiều cô gái, chàng trai bị ép hành nghề mại dâm. Bi kịch hơn nữa là họ không dám cất lên tiếng nói phản kháng của mình, không dám cất lời tố cáo với nhà chức trách, đơn giản, bởi chính họ - những kẻ nhập cư bất hợp pháp cũng chính là những con người đang sống ngoài vòng luật pháp, đang phải chống chui, sống lủi.

Đường đến với “miền đất hứa” rõ ràng là con đường đến địa ngục nhưng lạ rằng hàng triệu triệu người trên thế giới vẫn chọn lối này.

"Có đủ mọi lý do đau đớn và kinh hoàng khiến người ta phải rời xa Tổ quốc, chẳng hạn để trốn chạy xung đột vũ trang, chính trị... Nhiều người tuyệt vọng đến mức sẵn sàng liều mạng sống. Liều mạng vẫn tốt hơn thứ họ đang chạy trốn" - bà Debbie Busler, lãnh đạo Tổ chức Chữ thập đỏ Anh, chia sẻ.

Nhưng tại sao họ không nghĩ, sẽ không gì tuyệt vời hơn khi được sinh sống và lao động trên ngay Tổ quốc mình, bởi dù có chuyện gì đi nữa, đất mẹ vẫn sẽ là đất mẹ… Chừng nào còn những ảo vọng về “miền đất hứa”, còn những toan tính làm giàu bất chấp, chừng ấy còn bi kịch…

Chỉ có duy nhất một đối tượng có lợi trong sự liều lĩnh, bất chấp của những người di cư bất hợp pháp, đấy là những băng đảng đưa người đi di cư - mà đích thị là những hội buôn người.

“Không thể hy vọng gì vào tương lai. Không ai tử tế với tôi" - đó chẳng là cảm nhận của riêng ai mà có lẽ của tất cả những người nhập cư bất hợp pháp đang sống rải rác, chui lủi khắp các “miền đất hứa”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận