Chuyện bầu cử sơ bộ ứng cử viên tổng thống ở Mỹ

Bầu cử sơ bộ vốn không phải là chuyện đặc biệt gì trên thế giới nhưng nó lại rất độc đáo ở nước Mỹ và có nguồn gốc từ trong lịch sử xa xưa của nước này.

 

Độc đáo bầu cử sơ bộ ở Mỹ

Năm 2020 lại là một năm có cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa tái ứng cử. Ông Trump được đảng này và diện cử tri trung thành với mình ủng hộ mạnh mẽ đến mức hai nhân vật khác thuộc đảng này ra ứng cử tổng thống đều bị coi là không có cơ hội chiến thắng. Dù vậy, đảng này vẫn tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ ứng cử viên tổng thống.

Ngày 1/2 trong năm bầu cử tổng thống ở Mỹ, như năm nay, luôn là ngày bắt đầu các cuộc bầu cử sơ bộ nói trên ở cả Đảng Cộng hoà lẫn Đảng Dân chủ. Vì ông Trump được coi như chắc chắn sẽ là ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới nên chuyện bầu cử sơ bộ ứng cử viên tổng thống của đảng này không được dư luận và cử tri Mỹ để ý đến nhiều bằng diễn biến và kết quả của các cuộc bầu cử sơ bộ ứng cử viên tổng thống của phía Đảng Dân chủ.

Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên. (Ảnh: internet)

Bang Iowa tuy chỉ là bang nhỏ cả về diện tích lẫn số dân ở nước Mỹ nhưng luôn được cả hai đảng này lựa chọn làm địa điểm để tiến hành cuộc bầu cử sơ bộ ứng cử viên tổng thống đầu tiên. Có 2 lý do giải thích điều này.

Thứ nhất, Iowa là một trong mấy bang xưa nay cử tri không luôn ủng hộ hẳn một phe nào trong bầu cử tổng thống mà những bang như thế lại thường quyết định kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ do cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà bầu ra đại cử tri để rồi đại cử tri bầu ra tổng thống. Mỗi bang được phân bổ số lượng đại cử tri nhất định và phe nào giành được đa số phiếu bầu phổ thông ở bang nào thì có được tất cả số đại cử tri ở bang đấy. Hệ thống bầu cử này đưa đến tình trạng ai muốn thắng cử thì cần có được đa số đại cử tri chứ không nhất thiết phải giành được về đa số phiếu bầu phổ thông. Năm 2016, ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ nhưng thua kém bà Hillary Clinton hơn 2 triệu phiếu bầu phổ thông. George W. Bush năm 2000 cũng vậy.

Thứ hai, số liệu thống kê cho thấy, không phải tất cả nhưng đa phần ứng cử viên nào chiến thắng ở cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa thì thường sau này được đảng của họ đề cử chính thức làm ứng cử viên tổng thống của đảng. Vì thế, cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa luôn được các ứng cử viên đặc biệt coi trọng và tìm mọi cách để giành về phần thắng. Trong khi Đảng Cộng hoà chỉ tổ chức hình thức bầu cử sơ bộ này ở một số bang thì phía Đảng Dân chủ lại tiến hành nó ở tất cả các bang của nước Mỹ.

Những ứng cử viên sáng giá.

Năm nay, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên không gây ngạc nhiên trong khi ở phía Đảng Dân chủ lại gây thất vọng và bất ngờ, thất vọng vì công việc tổ chức, hậu cần và kiểm phiếu quá tồi tệ, còn bất ngờ vì không phải những ứng cử viên được coi là sáng giá nhất của đảng này chiến thắng mà là ông Pete Buttgieg, cựu thị trưởng một thành phố không lớn ở Mỹ, 38 tuổi.

Bầu cử sơ bộ vốn không phải là chuyện đặc biệt gì trên thế giới và chỉ ở Mỹ mới được tiến hành, nhưng nó lại rất độc đáo ở nước Mỹ và có nguồn gốc từ trong quá khứ lịch sử xa xưa của nước Mỹ. Ngay từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hình thức này đã được sử dụng để các đảng phái chính trị bầu chọn ra các ứng cử viên cho các cuộc bầu cử, cho các chức danh trong đảng và cho các cương vị quyền lực nhà nước. Năm 1912, nó được Đảng Cộng hoà Mỹ sử dụng lần đầu tiên để tuyển chọn ra ứng cử viên tổng thống của đảng này. Tuy nhiên, nó chưa trở thành thông lệ và chưa có được tính phổ biến.

Lịch sử xa xưa của bầu cử sơ bộ

Nó có được vai trò và ảnh hưởng như ngày nay từ sau năm 1968, đúng hơn là từ sau đại hội của Đảng Dân chủ Mỹ năm 1968. Năm ấy, tổng thống Mỹ Lyndon Johnson không tái ứng cử. Đảng Dân chủ Mỹ bị phân hoá sâu sắc giữa phe ủng hộ và phái chống chủ trương của Johnson tiến hành chiến tranh ở Việt Nam.

Phe phản đối chiến tranh ủng hộ ứng cử viên Eugene McCarthy, thượng nghị sỹ từ bang Minnesota và phó tổng thống Mỹ Hubert Humphrey ra ứng cử. Humphrey ý thức được rằng nếu tham gia bầu cử sơ bộ thì không có cơ may được đề cử bởi không được số đông đảng viên ủng hộ. Ông ta tập trung vào những bang mà chỉ có ban lãnh đạo đảng quyết định chuyện đề cử. Kết quả là ông ta chiến thắng. Nhưng những người chống chiến tranh phản đối quyết liệt tại đại hội cũng như trên đường phố và hình ảnh được truyền phát trực tiếp trên truyền hình.

Người Mỹ cho rằng chính những hình ảnh này cũng đã góp phần khiếm Humphrey bị Richard Nixon thuộc phe Đảng Cộng hoà đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó.

Đảng Dân chủ rút ra bài học từ đó và thành lập một nhóm làm việc nghiên cứu và khuyến nghị sửa đổi cách thức đề cử ứng cử viên. Nhóm làm việc này khuyến nghị giảm bớt ảnh hưởng, tác động và chi phối của bộ phận có chức sắc trong đảng để tăng vai trò của các tổ chức đảng ở các bang và các cơ sở bằng cách để cho các bang tham gia quyết định đề cử, cụ thể là các bang cử đại diện tham gia đại hội đảng để bỏ phiếu bầu sự lựa chọn nhân sự của họ làm ứng cử viên tổng thống của đảng.

Bất ngờ vì không phải những ứng cử viên được coi là sáng giá nhất của đảng này chiến thắng mà là ông Pete Buttgieg (trái), cựu thị trưởng một thành phố không lớn ở Mỹ, 38 tuổi. (Ảnh: Internet)

Năm 1972 thì chưa nhưng năm 1976, cách thức bầu chọn mới này đã đưa lại tác động quyết định. Jimmy Carter đã tận dụng nó để từ gần như vô danh ở Mỹ giành được phần thắng ở 30 cuộc bầu cử sơ bộ, đủ để trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Từ năm 1976 đến năm 2016 đã có 8 trong số 10 nhân vật của Đảng Dân chủ giành phần thắng ở cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa về sau được đảng này đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Cái gọi là "Huyền thoại Iowa" khởi xướng từ Jimmy Carter năm 1976.

Nhưng năm 1980, Carter bị thất cử thảm hại khiến trong Đảng Dân chủ Mỹ lại dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của việc để cho đảng viên và cơ sở đảng ở các bang quyết định ứng cử viên. Đảng này lại sửa đổi. Kết quả là sự ra đời của cái gọi là "Siêu đại biểu", tức là những người nhờ chức quyền hiện tại hay trước đây được tham dự đại hội đảng. Diện đại biểu này không bị ràng buộc vào việc phải bỏ phiếu cho những ứng cử viên nào như các đại biểu đến từ các bang. Số lượng siêu đại biểu này ngày càng tăng, năm 1984 (lần đầu tiên) là 14% thì năm 2008 đã lên đến 30% trong tổng số đại biểu dự đại hội của Đảng Dân chủ Mỹ. Qua đó, ảnh hưởng của giới chức sắc trong đảng này lại được phục hồi.

Năm nay, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên không gây ngạc nhiên trong khi ở phía Đảng Dân chủ lại gây thất vọng và bất ngờ.

Internet, mạng xã hội, truyền thông liên tục và vận động tranh cử trực tuyến đã phá bỏ tính độc quyền của các phương cách vận động tranh cử truyền thống. Vai trò và ảnh hưởng của các cuộc bầu cử sơ bộ không giảm nhưng cách vận động cho các cuộc bầu cử sơ bộ này thay đổi sâu sắc. Năm 2008, Barack Obama đã tận dụng chúng và giành được sự đề cử của đảng mặc dù Hillary Clinton được giới chức sắc trong đảng ủng hộ mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn.

Năm nay, đảng này có sự thay đổi nữa là ở vòng bầu cử đầu tiên, các siêu đại biểu kia không được tham gia biểu quyết tại đại hội đảng. Các cuộc bầu cử sơ bộ vì thế lại thêm quan trọng và quyết định./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận