Những 'trải nghiệm' chưa từng có trong lịch sử của người dân Séc

Người dân Séc đang trải qua những ngày khó khăn khi là một trong những điểm nóng của dịch Covid-19 tại khu vực Đông Âu.

 

Gần tháng qua, châu Âu đang trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp và số ca tử vong tăng chóng mặt tại các quốc gia phía Tây Âu như Italy, Tây Ban Nha, Pháp. Cách ly, phong tỏa, đóng cửa… là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua. Ở phía còn lại của “lục địa già”, Cộng hòa Séc cũng là một trong những điểm nóng của dịch Covid-19 tại khu vực. Tính đến ngày 8/4, Cộng hòa Séc có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất trong khu vực Đông Âu với hơn 5.000 ca. Quốc gia này vẫn đang nỗ lực thực thi các giải pháp cứng rắn chưa từng có trong lịch sử để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Những lệnh cấm chưa từng có tiền lệ

Lần đầu tiên trong lịch sử, Séc thông qua lệnh cấm người dân tự do đi lại trên toàn lãnh thổ từ 0h ngày 16/3 đến 6h ngày 24/3 trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đây là động thái quyết liệt của Chính phủ sau liên tiếp các quyết định đóng cửa biên giới, cấm người nước ngoài không có giấy tạm trú, thường trú tại Séc, đóng cửa trường học... Các chuyến bay đến Cộng hòa Séc chỉ được chở công dân Séc, đồng thời tất cả những người trở về từ các quốc gia có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 đều phải cách ly 14 ngày.

Các tuyên phố trung tâm vắng vẻ.

Theo Thủ tướng Séc Andrej Babis ngày 14/3, việc tập trung đông người tại các trung tâm mua sắm, nhà hàng, điểm vui chơi sẽ kéo theo nguy cơ khó kiểm soát sự lây lan dịch Covid-19. Trong thời điểm có lệnh phong tỏa, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 của Cộng hòa Séc chưa có dấu hiệu giảm tốc. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Cộng hòa Séc trở thành quốc gia Đông Âu đầu tiên yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường, một biện pháp được cho là cứng rắn khi tâm lý người dân Séc nói riêng và châu Âu nói chung vẫn luôn coi nhẹ việc làm này.

Hàng loạt giải pháp được đưa ra, số ca nhiễm vẫn tăng hàng ngày ở mức khó kiểm soát. Các mốc kỷ lục ca nhiễm mới trong ngày của Séc liên tục bị phá vỡ và vào cuối tháng 3, nước này ghi nhận mức tăng hàng ngày cao nhất ở Đông Âu với 373 trường hợp. Đầu tháng 4, Séc cũng đã bắt đầu thí điểm biện pháp theo dõi cách ly thông minh tại Nam Moravia, nơi có số ca nhiễm ở mức trung bình cả nước. Biện pháp này dựa trên việc lập bản đồ chuyển động của người bị nhiễm bệnh trong năm ngày trước đó dựa trên dữ liệu thẻ tín dụng và điện thoại di động, từ đó xác định và cách ly kịp thời những trường hợp nghi nhiễm do tiếp xúc với người bệnh. Nếu đạt hiệu quả, hệ thống này sẽ được triển khai ở Praha và Bắc Moravia trong thời gian tới.

Các cửa hàng ở Quảng trường con ngựa đóng cửa.

Như vậy, sau 1 tháng với hàng loạt các lệnh cấm, người dân Séc đã quen với sinh hoạt kiểu nửa “cấm vận”. Mọi hoạt động đều đi vào khuôn khổ, từ việc sử dụng khẩu trang cho đến các lệnh hạn chế đi lại. Người dân địa phương đã hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, phần lớn đã lựa chọn ô tô là phương tiện chính để đi lại và chờ đợi những tín hiệu khả quan hơn của dịch bệnh và những giải pháp nới lỏng của chính phủ.

Những quyết sách mang tính “cực đoan” bất chấp thiệt hại về kinh tế trong trong một tháng qua đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ Séc nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Số người nhiễm mới trong vài ngày qua đã giảm rõ rệt, các trường hợp bệnh nhân được chữa khỏi cũng ngày một tăng, những kết quả này cho thấy, đó là một bước đi phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để chắc chắn về thời điểm dỡ bỏ các lệnh “cấm vận” tại Cộng hòa Séc.

Tại bến tàu điện ngầm có các băng rôn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang.

Sau những tranh luận giữa Chính phủ và các nghị sĩ trong cuộc họp gần nhất ngày 7/4, trước sức ép của các Đảng đối lập cho rằng Chính phủ không có kế hoạch cụ thể cũng như một lý do chính đáng cho việc đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp đến 11/5, Séc đã quyết định duy trì tình trạng khẩn cấp đến 30/4, đồng nghĩa với việc người dân tiếp tục chấp hành và sinh hoạt trong “khuôn khổ” cho đến khi có những tín hiệu tích cực hơn. Đó vẫn chỉ là một phương án tạm thời trong tình huống dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế và Chính phủ Séc hiện vẫn để ngỏ những phương án “bất thường” có thể xảy ra. Chắc chắn, quyết định kéo dài đến cuối tháng 4 sẽ có tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân cũng như kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc. Một điều chắc chắn là quốc gia này sẽ không thể chủ quan lơ là trước những bài học “nhãn tiền” mà các nước như Italy, Tây Ban Nha và Pháp đã từng mắc phải.

Người Việt trong “cơn bão Covid-19” tại Séc

Từ khi có dịch, Cộng hòa Séc luôn đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế. Theo báo cáo của nhà chức trách, nước này đã phải nhập lượng lớn khẩu trang và các trang thiết bị y tế từ các quốc gia khác để hỗ trợ cho các cơ quan y tế tuyến đầu đang phải căng mình với áp lực chữa trị cho người bệnh. Trước tình hình thiếu thốn trang thiết bị y tế, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, các hội nhóm người Việt đã chủ động lên phương án hỗ trợ, phát huy tinh thần truyền thống tương thân tương ái, không phân biệt quốc tịch, màu da để có những hoạt động hết sức ý nghĩa giúp đỡ Chính phủ và người dân sở tại trước đại dịch Covid-19.

 Cộng đồng người Việt trao khẩu trang cho Trung tâm Công nghệ sinh học và Dược phẩm sinh học thuộc Viện Khoa học và Đại học Charles.

Điển hình là nhiều hội đoàn Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã kịp thời kêu gọi người dân chung tay đóng góp tài chính, hỗ trợ may khẩu trang ủng hộ cho chính quyền và người dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Séc chia sẻ: Sau khi đọc được thông tin người dân địa phương thiếu khẩu trang, tôi đã cùng nhiều bà con người Việt tại nơi sinh sống may khẩu trang vải ủng hộ cho người dân. Hoạt động này cũng được tôi đưa lên facebook và được sự hưởng ứng của nhiều cơ quan đơn vị”.

Cộng hòa Séc trở thành quốc gia Đông Âu đầu tiên yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường, một biện pháp được cho là cứng rắn khi tâm lý người dân Séc nói riêng và châu Âu nói chung vẫn luôn coi nhẹ việc làm này.

Những câu chuyện về sự giúp đỡ của người Việt với người dân sở tại liên tục được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và trên các phương tiện truyền thông của Séc. Nhiều cửa hàng do người Việt làm chủ đã phát đồ ăn, khẩu trang miễn phí cho nhân viên y tế, cảnh sát, lính cứu hỏa để cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.

Các xưởng may của cộng đồng người Việt Nam tại Séc may khẩu trang cho người dân và chính quyền sở tại.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, chủ một cửa hàng ở Náchod, trung tâm vùng Bohemia cho biết, việc cung cấp các bữa ăn miễn phí cho đội ngũ tuyến đầu gồm các y bác sĩ, cảnh sát, lực lượng cứu hộ… cũng chính là sự tri ân tới những người đang trực tiếp chiến đấu chống dịch. Tình cảm, sự chia sẻ của bà con người Việt đang sinh sống tại Séc đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao không chỉ của người dân, chính quyền sở tại mà còn của các quan chức chính phủ Séc trước mối lo của nhân loại nói chung và Cộng hòa Séc nói riêng.

Người Việt từ khắp mọi miền tại Cộng hòa Séc đã nắm tay nhau tạo ra sự lan tỏa những thông điệp yêu thương, để giúp đỡ người dân Séc vượt qua thời điểm khó khăn này. Những hành động này một lần nữa khẳng định những đóng góp thầm lặng của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cả về vật chất và tinh thần cho quê hương thứ hai của mình; góp phần vun đắp thêm tình cảm, truyền thống hữu nghị tốt đẹp lâu năm giữa hai quốc gia Việt Nam - Cộng hòa Séc./.

Hải Đăng/VOV-Séc

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận