Thai Airways và cái chết được dự báo trước

Câu chuyện về Thai Airways là điển hình cho xu hướng khó khăn của các hãng hàng không trên toàn cầu trong thời dịch bệnh Covid-19.

 

Thai Airways từng là niềm tự hào của quốc gia này khi là hãng hàng không 5 sao hàng đầu thế giới. Nhưng giờ đây, sau 20 năm kể từ thời kỳ đỉnh cao đó, hãng hàng không của Thái Lan buộc phải nộp đơn xin phá sản.

Covid-19 chỉ là giọt nước làm tràn ly

Rất nhiều người không theo dõi sẽ lầm tưởng rằng việc Thai Airways nộp đơn xin phá sản là do dịch Covid-19 gây ra khi trở thành hãng hàng không đầu tiên của châu Á rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên, việc dừng 20 đường bay quốc tế và 8 đường bay trong nước chỉ làm khó khăn của hãng thêm trầm trọng chứ không phải là nguyên nhân chính gây nên sự đổ vỡ của Thai Airways. Ngay khi Covid-19 mới xuất hiện tại Thái Lan, chính phủ nước này đã tuyên bố sẽ làm mọi cách để hãng không phải phá sản và hơn 20.000 nhân viên của hãng không phải ra đường. Tuy nhiên, việc dịch bùng phát khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn nhiều.

Việc tung ra một gói cứu trợ cho Thai Airways đã không được thông qua trong hoàn cảnh nước Thái cũng phải gồng mình chống lại Covid-19. Hãng hàng không có lịch sử 60 năm của Thái Lan mà chính phủ sở hữu 51% đã không tìm kiếm được ngân khoản có trị giá 1,81 tỷ đô la Mỹ.

Thai Airways International từng là niềm tự hào của người Thái và là hình ảnh đại diện cho Thái Lan trên trường quốc tế. (Ảnh: KT)

Những người ủng hộ kế hoạch nói rằng điều quan trọng là phải bù đắp tổn thất doanh thu du lịch và đối mặt với một nền kinh tế đã được dự đoán sẽ giảm hơn 5% trong năm nay. Tổng cục Du lịch Thái Lan dự đoán sẽ có từ 14 đến 16 triệu người nước ngoài đến thăm đất nước này vào năm 2020, giảm từ con số 39,8 triệu vào năm 2019. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Thai Airways đã làm ăn thua lỗ 9 năm nay và tổng lỗ mà hãng đang gánh lên 2,19 tỷ USD.

Đỉnh cao của Thai Airways là vào năm 2002, 2003, thời đấy mỗi năm Thai Airways lãi khoảng 700 triệu đô la. Nhưng với sự cạnh tranh của của các hãng từ Trung Đông như Emirates hay Qatar, Etihad… cùng với các hãng giá rẻ, Thai Airways đuối dần, doanh số từ 6,8 tỷ USD năm 2012 giảm xuống 4,75 tỷ USD năm 2019, bắt đầu xuất hiện lỗ từ năm 2011. Chỉ tính riêng năm 2019, Thai Airways đã lỗ ròng gần 400 triệu USD và Giám đốc điều hành Sumeth Damrongchaitham buộc phải từ chức.

Tư duy “nhà nước”

“Tư duy nhà nước không phải là cách vận hành của một hãng hàng không quốc gia, nó làm gia tăng gánh nặng thuế cho người dân”, một nhà báo nổi tiếng của Thái Lan đã đăng trên tweet như vậy. Những lời phàn nàn về cung cách làm việc của Thai Airways như thế không phải là hiếm. “Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, khoảng 20 triệu người Thái Lan phải chờ đợi nhận khoản tiền mặt 5.000 baht từ chính phủ thì không có lý do gì để Thai Airways nhận tiền một cách vô điều kiện”. Những nghị sĩ đối lập đã lập luận như thế, khi các báo cáo tài chính về thua lỗ của Thai Airways được công bố từ năm 2017 và hãng đang muốn có một khoản tín dụng dưới sự bảo trợ của chính phủ.

Ngay cả Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng thừa nhận khoản vay này là một vấn đề lớn khi nhiều người Thái đang vật lộn mưu sinh trong tình trạng nước này ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Thai Airways đứng trước bờ vực phá sản do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. (Nguồn: Nikkei Asian Review).

Ngoài ra, những lùm xùm về tham nhũng cũng khiến danh tiếng của hãng hàng không 5 sao này bị tổn hại nghiêm trọng. Các bê bối và thất bại tài chính từ nền tảng bán vé trực tuyến tới việc mua sắm động cơ, máy bay… càng khiến hãng mất điểm trong mắt khách hàng. Nổi bật nhất đó là việc sử dụng động cơ Rolls Royce cho đội bay Boeing 777. Vào năm 2017, văn phòng chống gian lận tại Anh đã công bố việc hãng Rolls Royce đã hối lộ cho một số lãnh đạo của Thai Airways để đảm bảo hãng này sẽ đặc các động cơ cho máy bay Boeing 777-200. Chính Rolls Royce đã buộc phải thừa nhận điều này và các giao dịch bất hợp pháp có trị giá lên tới 36,38 triệu USD.

Tái cơ cấu

Việc Thai Airways nộp đơn xin phá sản không có nghĩa là mọi thứ đã chấm dứt. Tuy nhiên, những câu hỏi xung quanh tương lai của Thai Airways đang khiến thị trường nợ của Thái Lan sôi sục khi hãng còn tồn tại khoản nợ khoảng 200 triệu đô la phải đáo hạn trong năm nay. Cổ phiếu của hãng cũng đã sụt giảm 15% ngay khi có thông tin phá sản.

Thai Airways phải cơ cấu lại là điều chắc chắn bởi nói gì thì nói đó cũng là một thương hiệu tầm thế giới. Song việc tái cơ cấu như thế nào cũng là vấn đề rất phức tạp. Theo chuyên gia về luật phá sản Vicha Mahakul thì hãng Thai Airways là một doanh nghiệp nhà nước nên việc phê chuẩn và bán 51% cổ phần cũng là cả một quá trình. Theo luật thì các bên cho vay và người vay có thể cùng khởi động quá trình tái cơ cấu.

Một điều quan trọng hơn đó là việc giải quyết cho hơn 20.000 nhân công của hãng. Công đoàn của Thai Airways đã đồng ý với việc sa thải một phần và kế hoạch tái cơ cấu. Nhưng họ cũng đặt ra một dấu hỏi lớn đó là việc tái cơ cấu không phải là lần đầu tiên và các kế hoạch trước đó đều thất bại vì chịu ảnh hưởng từ chính trị quá nhiều. Công đoàn sẽ không đồng ý với việc cắt giảm cổ phẩn của chính phủ xuống dưới 51% để rơi quyền điều hành vào tay tư nhân.

Rõ ràng câu chuyện về Thai Airways là điển hình cho xu hướng khó khăn của các hãng hàng không trên toàn cầu trong thời dịch bệnh. Tuy nhiên, với một cơ thể khoẻ mạnh thì hoàn toàn có thể đề kháng được. Vấn đề ở đây là Thai Airways đã tự mình làm yếu kém bộ máy và việc phá sản gần như là điều tất yếu./.

Hãng hàng không quốc gia Thái Lan, Thai Airways từng là niềm tự hào của quốc gia này khi là hãng hàng không 5 sao hàng đầu thế giới. Sát cánh với du lịch Thái Lan, Thai Airways đã đưa hình ảnh của quốc gia thân thiện này ra với thế giới.

Quang Trung/VOV-Bangkok

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận