Kết cục cay đắng của ban nhạc huyền thoại Beatles

Cái kết cục cay đắng và đầy bi hài của The Beatles không đến đột ngột mà là kết quả của một quá trình diễn ra không dài nhưng cũng không ngắn.

 

The Beatles thành công nhanh chóng nhất trong các ban nhạc thuộc tất cả các dòng nhạc xưa nay trên thế giới. Nhưng nó lại thuộc về diện những ban nhạc nổi tiếng đoản thọ nhất trên thế giới.

Bộ tứ đến từ thành phố Liverpool

Ở nước Anh, mỗi khi nói đến thành phố Liverpool, có hai điều được liên tưởng đến ngay là bóng đá và âm nhạc, cụ thể bóng đá là Câu lạc bộ bóng đá Liverpool và âm nhạc là ban nhạc The Beatles bao gồm 4 thành viên John Lennon, Ringo Starr, George Harrison và Paul McCartney. Năm 2020 này, Câu lạc bộ bóng đá Liverpool lại một lần nữa đoạt vương miện vô địch giải ngoại hạng Anh và lần đầu tiên sau 30 năm. Cách năm 2020 này đúng nửa thế kỷ, ban nhạc The Beatles tan rã.

Duyên lai tất tụ, duyễn tẫn tất tàn, cổ nhân đã đúc kết từ quá khứ dằng dặc của thời gian và cuộc sống. Trong thế giới âm nhạc xưa nay, chẳng có ban nhạc nào dẫu có nổi tiếng đến mấy tồn tại được vĩnh viễn. Nguyên nhân là cái gì cũng đều có thời của nó và ai cũng chỉ có thời của mình. Nguyên nhân còn là hào quang của thành công, giàu sang và danh tiếng làm lỏng lẻo và tan đứt mọi ràng buộc gắn kết giữa các thành viên. Nguyên nhân là các thành viên không còn tìm có được quan điểm chung nữa về sáng tạo nghệ thuật. Nhưng cái kết thúc của ban nhạc The Beatles xem ra trong thực chất có phần cay đắng hơn cả.

 Ban nhạc The Beatles tháng 8/1966. (Nguồn: Getty Images)

Năm 1963, bộ tứ đến từ thành phố Liverpool kia của nước Anh bắt đầu trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới với nhạc phẩm "She Loves You". The Beatles không chỉ thành công nhất mà còn thành công nhanh chóng nhất trong số tất cả các ban nhạc thuộc tất cả các dòng nhạc xưa nay trên thế giới. Nhưng nó lại thuộc về diện những ban nhạc nổi tiếng đoản thọ nhất trên thế giới. Như thế không cay đắng và không đáng để ngậm ngùi sao được.

Ban nhạc nổi tiếng đoản thọ nhất trên thế giới

Tờ nhật báo lá cải xuất bản ở thủ đô London của nước Anh Daily Mirror được coi là tờ báo lá cải già nua nhất trên thế giới. Trong số báo ra ngày 10/4/1970, nó đưa tin: "Paul rời bỏ nhóm The Beatles". "Paul" ở đây là Paul McCartney. Trong thực chất, người đầu tiên rời bỏ ban nhạc là John Lennon và ban nhạc huyền thoại này được đặt cho dấu chấm hết chính thức vào ngày 20/9/1969 tại London. Hôm ấy, khi bốn người này gặp nhau để cùng ký hợp đồng mới với hãng sản xuất đĩa hát (đĩa than) Capitol. John Lennon nói rằng: "Tôi dự định sau khi ký hợp đồng mới nói với mọi người là tôi sẽ rời khỏi nhóm, nhưng giờ tôi nói luôn. Tôi đã nghĩ đến việc chia tay này từ lâu rồi nhưng không có đủ can đảm để nói ra". Paul McCartney đã kể lại cho người viết tiểu sử cho mình như thế. Các thành viên của ban nhạc thỏa thuận với nhau là trước mắt giữ kín việc giải thể nhóm.

Đầu tháng 4/1970, chính McCartney đã công bố quyết định này của ban nhạc trong một bài trả lời phóng vấn gửi đi cho báo chí, nhưng không phải trả lời phỏng vấn ở một cuộc họp báo công khai thông thường mà bằng cách tự đặt câu hỏi và trả lời thành bài trả lời phỏng vấn để gửi đi. Trong đó, McCartney không loại trừ hoàn toàn khả năng các thành viên của ban nhạc lại tái hợp nhưng bác bỏ hoàn toàn việc lại hợp tác với John Lennon. Lennon là thủ lĩnh và hình ảnh đại diện cho ban nhạc. Lennon và McCartney không còn có thể nhất trí được với nhau về bản sắc âm nhạc cho ban nhạc. Không có ban nhạc nào có thể tiếp tục tồn tại được khi không còn bản sắc âm nhạc riêng nữa. Lennon muốn chính trị hóa định hướng âm nhạc trong khi McCartney chủ trương tiếp tục duy trì bản sắc âm nhạc đã giúp The Beatles nổi tiếng khắp thế giới là nhạc rock. Còn George Harrison lại để tâm nhiều hơn đến tôn giáo và các dòng nhạc dân gian của Ấn Độ. Ringo Starr quá mệt mỏi, nản chí và thất vọng về tình trạng lục đục và bất hòa trong nội bộ nhóm đến mức đã từng bỏ đi, nhưng rồi lại bị thuyết phục trở về.

Bi kịch số phận của ban nhạc này là tìm được định hướng sáng tạo nghệ thuật và bản sắc âm nhạc để trở nên nổi tiếng trên thế giới, để đến được đỉnh cao của vinh quang, nhưng rồi lại nhanh chóng bế tắc định hướng và bản sắc ở thời kỳ trong hào quang của thành công và vinh quang.

ban nhạc The Beatles bao gồm 4 thành viên John Lennon, Ringo Starr, George Harrison và Paul McCartney. (ảnh: KT)

Người đời về sau cho rằng ban nhạc này tan rã nhanh chóng bởi The Beatles lười xuất hiện trước công chúng và người hâm mộ, tức là ít trình diễn trực tiếp cho khán giả nghe và xem. Lần cuối cùng họ chính thức biểu diễn cho người hâm mộ và công chúng là buổi nhạc hội ở công viên Candlestick Park ở San Francisco (Mỹ) vào ngày 29/8/1966. Lần trình diễn trên mái nhà của toà nhà Apple ngày 30/1/1969 không được coi là một lần trình diễn chính thức thực thụ. Chuyến lưu diễn ở Mỹ năm 1966 là lần lưu diễn cuối cùng của họ. Trở về nước Anh, họ mua nhà, đồn điền, trang trại và gần như chỉ còn gặp nhau trong phòng thu nhạc. Nhân gian cũng vậy, cứ xa mặt thì khó tránh khỏi bị cách lòng và càng xa mặt thì càng dễ cách lòng.

Nguyên nhân sâu xa

Một nguyên nhân khác nữa khiến ban nhạc này tan rã nhanh chóng được người đời nhìn nhận ở nữ nghệ sĩ người Nhật Bản Yoko Ono, nói cho đúng hơn ở ảnh hưởng chi phối đến mức thao túng của người này tới John Lennon. Năm 1962, Lennon cưới cô Cynthia nhưng không phải vì tình yêu thực thụ mà vì làm cho cô gái này có bầu. Lennon nhìn nhận ở Yoko Ono người bạn đời, tri âm tri kỷ và đồng hành lý tưởng. Lennon cùng Ono sa chìm trong cần sa và rồi ma tuý. Cả hai đều muốn chính trị hoá âm nhạc và nghệ thuật. Biểu hiện ra bên ngoài, The Beatles là ban nhạc của bốn chàng trai trẻ, ngoan hiền. Trong thực chất, đấy lại là bốn người đàn ông sành sỏi ăn chơi có hạng. Không phải ai khác ngoài chính Bob Dylan, người năm 2016 được trao Giải thưởng Nobel về Văn học, đã dẫn dắt các thành viên của ban nhạc đến với thế giới của cần sa. Lennon bị cuốn ly tâm ra khỏi ban nhạc và kẻ bị coi là tội đồ có tên gọi Yoko Ono.

Một chuyện nữa được coi là nguyên nhân rất quan trọng là cái chết bất ngờ của Brian Epstein, người quản lý của ban nhạc, ngày 27/8/1967. Khi ban nhạc này bắt đầu nổi tiếng trên thế giới (1963), bộ tứ đều còn rất trẻ. John Lennon và Ringo Starr 23 tuổi, Paul McCartney 21 tuổi và George Harrison 20 tuổi. Brian Epstein là người gắn kết những chàng trai trẻ này với nhau như thuần chế bốn con ngựa hoang thành đàn. Brian Epstein được coi như thành viên thứ 5 của ban nhạc. Nguyên nhân cái chết của người này là rượu và thuốc kích thích. Một cú sốc định mệnh đối với số phận của ban nhạc huyền thoại.

Nhưng bi kịch và cay đắng hơn cả là cuộc tranh giành quyền lợi khi giải tán nhóm. Cuộc chiến giữa các luật sư này dai dẳng, quyết liệt và bất chấp thủ đoạn. Nó kéo dài còn hơn cả thời gian tồn tại của ban nhạc. Nó làm cho cả bốn người này bị nghèo đi và giúp các luật sư giàu lên. Khi tương lai nghệ thuật của nhóm không còn và tình người cũng cạn kiệt thì vấn đề cần phải giải quyết chỉ còn là chuyện pháp lý liên quan đến tiền bạc. Cái kết cục cay đắng và cả đầy bi hài của The Beatles không đến đột ngột mà là kết quả của một quá trình diễn ra trong thời gian không dài nhưng cũng không ngắn. Ai cũng ngậm ngùi là ban nhạc này lẽ ra xứng đáng có được kết cục khác. Điều khiến mọi người cảm thấy được an ủi là những nhạc phẩm của The Beatles vẫn duy trì được sức quyến rũ của chúng theo thời gian. Nửa thế kỷ qua đã như thế và cả trong tương lai nữa chắc chắn sẽ vẫn còn được như thế./.

Cái kết cục cay đắng và cả đầy bi hài của The Beatles khiến ai cũng ngậm ngùi. Điều khiến mọi người cảm thấy được an ủi là những nhạc phẩm của The Beatles vẫn duy trì được sức quyến rũ của chúng suốt nửa thế kỷ qua.

Sa Thảo

 

Bình luận

    Chưa có bình luận