43 năm, một vị thế…

43 năm là thành viên của LHQ, Việt Nam có những đóng góp thiết thực vào các hoạt động của tổ chức này, tham gia ngày càng hiệu quả sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

 

Tháng 9 này đánh dấu năm thứ 43 Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. 43 năm ấy, đất nước hình chữ S đã vượt qua một hành trình thật ngoạn mục, từ một thành viên dè dặt buổi ban đầu trở thành thành viên có tiếng nói đầy trách nhiệm và có sức ảnh hưởng tại tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Hơn 3 thập kỷ cho một niềm khát vọng

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, thì trước đó 3 tháng, tháng 6/1945, Liên hợp quốc (LHQ) cũng được thành lập. Nhận diện rõ tầm quan trọng của một tổ chức đa phương mang tính toàn cầu như LHQ nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, các đại diện của Mỹ, Liên Xô cũ, Trung Quốc, Anh - những nước thành viên cốt cán đầu tiên của LHQ… bày tỏ mong muốn đất nước hình chữ S được gia nhập ngôi nhà quốc tế chung.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) ngày 20/9/1977 thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của LHQ. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

“Chúng tôi tha thiết kêu gọi các ngài hãy mang vấn đề của chúng tôi ra trước Đại hội đồng LHQ nghiên cứu kỹ càng. Chúng tôi sẽ rất biết ơn quý ngài nếu quý ngài nói cho thế giới biết những ước nguyện sau này của quốc dân chúng tôi. Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập và giữ vững nền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy, và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ” - mong mỏi ấy được Hồ Chí Minh chuyển tải trong một số những bức điện gửi đến trụ sở LHQ ngày đó.

Dù vậy, những lời lẽ thống thiết của người đứng đầu Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không được hồi đáp. Nhưng điều huyền diệu là ngọn lửa khát vọng gia nhập ngôi nhà chung vẫn âm ỉ cháy trong mỗi trái tim Việt Nam và đất nước hình chữ S vẫn bền bỉ đấu tranh để khát vọng năm nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực.

Lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức lớn nhất hành tinh này. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Bằng thực tế cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập tự do, bằng những đóng góp to lớn cho phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới, Việt Nam dần nhận được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế. Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng thì 2 tháng sau, tháng 7/1975, hai đoàn đại biểu hai miền Bắc và Nam Việt Nam lên đường tới New York để vận động gia nhập LHQ. Các nước đều hoan nghênh và ủng hộ hai miền Việt Nam tham gia LHQ. Tuy nhiên, thời điểm đó, Mỹ đã đơn độc dùng quyền phủ quyết của uỷ viên thường trực HĐBA để ngăn cản Việt Nam gia nhập LHQ.

Nhưng không gì dập tắt được ngọn lửa khát vọng của người Việt. Với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, thái độ thiện chí và những nỗ lực hợp tác không mệt mỏi của Việt Nam, tháng 1/1977, Mỹ đã đồng ý để Việt Nam vào LHQ. 8 tháng sau, tháng 9/1977, tại phiên họp lần thứ 32 ĐHĐ LHQ, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của LHQ.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ là điểm sáng thể hiện tinh thần đối tác có trách nhiệm của Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đúng 9 giờ sáng ngày 20/9/1977, tại tòa sảnh chính của trụ sở LHQ, lễ thượng cờ Việt Nam được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của LHQ. Phải mất tới hành trình 31 năm đằng đẵng, với rất nhiều nỗ lực, lá đơn xin gia nhập ngày ấy mới được chấp thuận, khát vọng cháy bỏng ngày ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trở thành hiện thực. Một hành trình bền bỉ, đầy gian khó, nhưng sau cùng, đã thực sự đáng giá.

3 năm cho một sự khẳng định

43 năm đã qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, một quãng thòi gian không quá dài nếu so với cả một tiến trình lịch sử, nhưng Việt Nam, có thể nói, đã “làm nên chuyện” khiến các nước thành viên không thể không thừa nhận, thán phục, từ một nước thành viên dè dặt đến sau, trở thành một trong những quốc gia tích cực đi đầu trong các hoạt động của LHQ, có tiếng nói ngày càng quan trọng tại diễn đàn toàn cầu này. 

43 năm là thành viên của LHQ, Việt Nam luôn chủ động và có những đóng góp thiết thực vào các hoạt động của tổ chức này, tham gia ngày càng hiệu quả sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, minh chứng rõ nét nhất cho sự thừa nhận của quốc tế dành cho đất nước hình chữ S là việc Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của LHQ như HĐBA, Hội đồng kinh tế, xã hội, Hội đồng nhân quyền, Hội đồng chấp hành tổ chức văn hóa khoa học và giáo dục của LHQ, Ủy ban Luật pháp quốc tế.

Nổi bật nhất là việc Việt Nam hai lần được bầu vào HĐBA. Năm 2019, Việt Nam lần thứ 2 được bầu vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao chưa từng có trong lịch sử của LHQ, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. “Việt Nam luôn là đối tác mạnh nhất của LHQ kể từ khi gia nhập năm 1977. Lực lượng quân đội của Việt Nam đã tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ và vai trò đầu tàu của các bạn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp các bạn triển khai Chương trình phát triển bền vững 2030. Tầm nhìn và khát vọng của các mục tiêu phát triển bền vững sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta phục hồi sau đại dịch Covid-19. Với tư cách là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững” - khẳng định của Tổng thư ký LHQ Atonio Guteres có lẽ là sự khẳng định thuyết phục nhất cho hành trình “khẳng định thương hiệu Việt Nam” tại LHQ suốt hơn 4 thập kỷ qua.

Tối 7/6/2019 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Đồng hành vì một thế giới hòa bình và tương lai tươi sáng

Năm 2020 này, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đón tuổi 75 năm trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có tiền lệ: Đại dịch Covid-19, bất ổn, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền, biến đổi khí hậu… Để chu toàn được trọng trách “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, “phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, “hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế”, LHQ chắc chắn sẽ phải vượt qua rất nhiều trở lực không dễ dàng và cần lắm những sự phối hợp, đồng hành từ các quốc gia thành viên.

Người Việt vẫn có câu “trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau…”, trong khó khăn thách thức bộn bề, nhưng với tâm thế “Việt Nam luôn là đối tác mạnh nhất của LHQ”, đất nước hình chữ S không giấu giếm mong muốn sẽ luôn đồng hành cùng LHQ ứng phó với thách thức chung. Tại phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ ngày 22/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp gửi tới Đại hội đồng với lời tái khẳng định cam kết của một thành viên có trách nhiệm, rằng “Nhân dân Việt Nam quyết tâm cùng tất cả các dân tộc trên thế giới gìn giữ hòa bình, thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 và lá cờ Việt Nam sẽ tung bay tại nhiều Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ trên toàn cầu. Tôi tin rằng với quyết tâm cao và nỗ lực mạnh mẽ, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình và tương lai tươi sáng cho hôm nay và mai sau”.

43 năm Quốc kỳ Việt Nam có mặt tại Trụ sở LHQ, 43 năm Việt Nam tham gia và dần dần trở thành quốc gia đóng góp không nhỏ vào sự lớn mạnh của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này, và giờ đang là đối tác mạnh, đang đồng hành vì một thế giới hòa bình, vì một tương lai tươi sáng cho nhân loại./.

43 năm đã qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, một quãng thòi gian không quá dài nếu so với cả một tiến trình lịch sử, nhưng Việt Nam, có thể nói, đã “làm nên chuyện” khiến các nước thành viên không thể không thừa nhận, thán phục, từ một nước thành viên dè dặt đến sau, trở thành một trong những quốc gia tích cực đi đầu trong các hoạt động của LHQ, có tiếng nói ngày càng quan trọng tại diễn đàn toàn cầu này. 

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận