Phạt nặng để bảo vệ sức khỏe

'Bị phạt tù đến 20 năm nếu vi phạm ATTP', là một trong những chế tài được quy định trong Thông tư 24/2019/TT-BYT về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

 

Ông Lê Hoàng, Trưởng phòng quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chia sẻ với PV Báo TNVN về những nội dung đáng quan tâm của Thông tư này.

Ông Lê Hoàng, Trưởng phòng quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.Thưa ông, ông có thể nêu lý do ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT?

Trước khi Thông tư số 24/2019/TT-BYT được ban hành và có hiệu lực từ 16/10/2019, việc quản lý phụ gia thực phẩm thực hiện theo Thông tư 27/2012/TT-BYT, Thông tư 08/2015/TT-BYT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 27/2012/TT-BYT và quy định về quản lý hương liệu thực phẩm tại Quyết định 3742/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Các văn bản này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn về phụ gia thực phẩm năm 2015 của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex. Cho đến nay tiêu chuẩn quốc tế này đã được cập nhật và sửa đổi. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, thực phẩm, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập, hài hòa tiêu chuẩn với quốc tế và khu vực, Bộ Y tế đã tiến hành soát xét, bổ sung Thông tư 27/2012/TT-BYT, Thông tư 08/2015/TT-BYT để cho ra đời Thông tư số 24/2019/TT-BYT. Thông tư này thay thế hoàn toàn quy định trước đây về quản lý phụ gia thực phẩm và quy định về quản lý hương liệu thực phẩm.

Điểm mới nổi bật trong Thông tư số 24/2019/TT-BYT là gì, thưa ông?

Thông tư được xây dựng trên cơ sở hài hòa hoàn toàn với tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex và phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm ở Việt Nam.

Thông tư quy định 400 chất phụ gia với tên phụ gia, đối tượng thực phẩm sử dụng, mức sử dụng tối đa của từng phụ gia trong thực phẩm.

Vi phạm trong quản lý và sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm sẽ bị phạt nặng.Quy định về hương liệu dùng trong thực phẩm bao gồm các hương liệu đã được Ủy ban hỗn hợp các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) về phụ gia thực phẩm và các chất nhiễm bẩn (gọi tắt là JECFA) đánh giá, xác định an toàn ở các lượng ăn vào dự kiến hoặc lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được.

Thông tư đã mô tả, giải thích cụ thể từng nhóm, loại thực phẩm để sử dụng phụ gia thực phẩm. Ví dụ: nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa gồm các sản phẩm cụ thể nào (sữa dạng lỏng, đồ uống từ sữa, sữa lên men, sữa đặc…).

Việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm và trong sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo nguyên tắc nào?

Việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm trong thực phẩm phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Thứ nhất, phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, đúng đối tượng thực phẩm và còn thời hạn sử dụng; Thứ hai, không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; Thứ ba, hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn (duy trì giá trị dinh dưỡng, duy trì chất lượng hoặc tính ổn định của thực phẩm); Thứ tư, chỉ được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm khi phụ gia đó đã được tự công bố hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với phụ gia sản xuất, nhập khẩu phục vụ cho việc sản xuất nội bộ thì được miễn tự công bố.

Vấn đề ATVSTP đang được người dân cả nước quan tâm. Việc thanh tra, kiểm tra vi phạm trong sản xuất kinh doanh cũng như sử dụng phụ gia thực phẩm đang được các cơ quan chức năng thực hiện như thế nào?

Công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện đang được Chính phủ rất quan tâm. Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Hằng năm, các cơ quan quản lý có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương đều triển khai công tác thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai theo quy định.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra về tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm thời gian qua của Bộ Y tế và các địa phương đã ghi nhận: về cơ bản các phụ gia thực phẩm lưu hành, sử dụng đã được các cơ sở sản xuất thực hiện theo đúng quy định (sử dụng phụ gia thực phẩm theo đúng danh mục, trong giới hạn cho phép và đúng đối tượng thực phẩm, kê khai thành phần phụ gia trên nhãn rõ ràng theo quy định). Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một vài cơ sở sản xuất thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa nhận thức đầy đủ quy định pháp luật dẫn đến việc sử dụng phụ gia chưa đúng, ví dụ như sử dụng phụ gia vượt mức tối đa cho phép. Các trường hợp vi phạm đều đã được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chế tài về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm về cơ bản đã đầy đủ. Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018).

Đối với các vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, Nghị định đã tăng mức phạt tiền đối với các hành vi so với các quy định trước đây, cụ thể như: sử dụng phụ gia thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quy định an toàn thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng, không đúng đối tượng thực phẩm, vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép...

Tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng phụ gia thực phẩm cấm sử dụng, ngoài danh mục hoặc chưa cho phép sử dụng… gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.

Cảm ơn ông!

Lưu Hường thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận