Cần hiểu đúng về nợ công

  • 26/11/2020 12:00:00
  • Quang Tuấn
  • Kinh tế
  • 0

Nợ công của Việt Nam được kiểm soát tốt, được các tổ chức tài chính quốc tế, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao.

 

Nợ công của Việt Nam được kiểm soát tốt, được các tổ chức tài chính quốc tế, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao thì còn đó những cái nhìn phiến diện, lệch lạc, thậm chí tận dụng triệt để thông tin mới đây về dự toán nợ công năm 2021: Từ trẻ sơ sinh cho đến người già sẽ phải “gánh” hơn 40 triệu đồng để gây nghi ngại việc quản lý, xử lý nợ công ở Việt Nam.

Mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng cho biết, với dự toán nợ công năm 2021 lên đến 4 triệu tỷ đồng, thì từ trẻ sơ sinh cho tới người già sẽ phải “gánh” hơn 40 triệu. Trên nghị trường, những phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội về vấn đề của đất nước, vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm luôn được Chính phủ tiếp thu, Quốc hội, cử tri đánh giá cao. Phát biểu của ông Bùi Đăng Dũng cho thấy, ngoài việc nêu thực trạng nợ công thì cũng gửi gắm mong muốn chính đáng của cử tri đề nghị Chính phủ đã làm tốt thì sẽ làm tốt hơn nữa khi quản lý nợ công. Thế nhưng, bất chấp một thực tế nợ công của Việt Nam đã được kiểm soát tốt thì còn đó những cái nhìn phiến diện, lệch lạc, thậm chí tận dụng triệt để thông tin mới đây về dự toán nợ công năm 2021 để gây nghi ngại việc quản lý, xử lý nợ công ở Việt Nam.

Để bổ sung nguồn lực, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh thực tế ở mỗi quốc gia mà chính phủ sẽ huy động các nguồn lực để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Thực tế, không riêng Việt Nam mà các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật,… cũng đang gánh trên vai nợ công. Theo dữ liệu do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào tháng 10/2019 thì nợ công của Nhật Bản vào khoảng 237,6% GDP, Hy Lạp vào khoảng 181,8% GDP, Mỹ vào khoảng 105,2% GDP…

Nếu trước đây vấn đề nợ công luôn làm nóng nghị trường thì tại kỳ họp Quốc hội vừa qua việc quản lý, xử lý nợ công lại được xem như một điểm sáng. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế được trình bày tại Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, cho thấy: Các mục tiêu về nợ công hoàn thành vượt xa mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia, giảm áp lực trả nợ lên NSNN.

Cử tri mong muốn đồng vốn phải được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí.Đầu nhiệm kỳ năm 2016, những người nắm tay hòm chìa khóa của ngành tài chính “ăn không ngon, ngủ không yên” khi nợ công tính đến cuối năm 2015 đạt mức 62,2% GDP, tiến sát trần mức nợ công Quốc hội cho phép là 65%. Ngân sách “căng như dây đàn”, nguy cơ vượt trần hiện hữu; IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng không khỏi lo ngại.

Khi ấy, cả nền kinh tế oằn lưng với nợ nần, số nợ phải trả hằng năm tăng. Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN, tính cả trả nợ gốc thì trên 26%, trong khi giới hạn an toàn nợ công thường nhắc đến với tiêu chí tổng số nợ công không quá 65% GDP và tổng số nợ hằng năm phải trả không quá 25% tổng thu NSNN. Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Với những diễn biến không thuận của tình hình kinh tế thế giới, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế không khỏi lo lắng nợ công những năm sau sẽ ngày càng xấu hơn. Nhưng rồi một lộ trình mới để quản lý, xử lý nợ công đã được khởi động, quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Dự kiến nợ công năm 2020 lên khoảng 56-57%. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là con số chấp nhận được khi đặt trong bối cảnh Chính phủ phải thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành, hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thêm nữa, quy mô nợ Chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%. Như vậy, so với mức trần Quốc hội cho phép là 65% thì rõ ràng gánh nợ công đã giảm đi rất nhiều.

Thêm nữa, cuối năm 2017, đánh dấu sự việc Chính phủ bắt đầu cầm cương được bội chi, chính thức tạo tiền đề để đưa nợ công quay đầu. Bội chi, nợ công ngày càng giảm sâu. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng nợ công là hơn 18% thì giai đoạn 2016 - 2020 chỉ hơn 8%. Qua các đợt đánh giá bền vững trả nợ hằng năm, IMF, WB đã đưa ra kết luận “Nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam hiện ở mức bền vững”.

Xuất phát từ đâu mà nợ công được kiềm chế, rồi “quay đầu”?. Trước hết là việc Bộ Chính trị ra Nghị quyết vào năm 2017 về quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Thêm nữa là sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc rất trách nhiệm, quyết liệt của Bộ Tài chính trong việc bảo vệ thành công Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Nếu trước đây NHNN, Bộ KH-ĐT đi vay về, Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ thì theo luật sửa đổi Bộ Tài chính sẽ là nơi vừa quản lý vay nợ, vừa quản lý trả nợ.

Thêm nữa, nợ công đã được cơ cấu lại tốt hơn trước rất nhiều, kỳ hạn vay được kéo dài không gây áp lực lớn đến việc trả nợ, giúp chúng ta có thể chủ động đàm phán hạ lãi suất và kéo dài thời gian nợ.

Nợ công đã được kiểm soát tốt. Điều chúng ta mong muốn lúc này là những đồng vốn cần phải được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải không hiệu quả…

 

Bình luận

    Chưa có bình luận