Doanh nghiệp du lịch đón khách có 'Hộ chiếu vaccine': Kỳ vọng nhưng không chủ quan

Doanh nghiệp du lịch cả nước kỳ vọng Việt Nam sớm mở cửa đón khách quốc tế có 'hộ chiếu vaccine' và ban hành cơ chế, lộ trình, hành lang an toàn...

 

Doanh nghiệp du lịch cả nước kỳ vọng Việt Nam sớm mở cửa đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” và ban hành cơ chế, lộ trình, hành lang an toàn cho việc đón khách có “hộ chiếu vaccine” để phục hồi ngành du lịch.

Mong mỏi, đợi chờ

Tại cuộc họp vào chiều ngày 9/4 vừa qua, thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 dự tính sẽ có ba nhóm được áp dụng “hộ chiếu vaccine” để nhập cảnh theo lộ trình. Bộ Y tế có hướng dẫn chi tiết về biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp.

“Hộ chiếu vaccine” mở ra cơ hội phục hồi ngành du lịch.

Nhóm đầu tiên gồm người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 sẽ được về nước. Trong nhóm này ưu tiên doanh nhân Việt Nam ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.

Nhóm thứ hai gồm người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Với nhóm này, tùy từng nước, loại vaccine đã tiêm... sẽ có quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.

Nhóm thứ ba là khách du lịch quốc tế, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trình Ban Chỉ đạo phương án cụ thể lộ trình mở cửa du lịch. Định hướng ban đầu là du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm, quản lý, kiểm soát được người vào đã an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước, vaccine đạt miễn dịch cộng đồng. Điểm đến trong nước sẽ là những khu du lịch, nghỉ dưỡng biển đảo.

Với nhóm này, thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL đang xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức thí điểm việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” để đón số đoàn khách được lựa chọn tại một số thị trường có đủ điều kiện, tới các điểm đến để điều kiện, an toàn.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ sự quay trở lại càng sớm càng tốt của thị trường quốc tế. Hiện tất cả doanh nghiệp tại địa phương đều sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu phòng chống dịch của Bộ Y tế, từ giám sát, cách ly y tế, tạo “luồng xanh” cho khách đi du lịch an toàn hay những khu biệt lập và dịch vụ riêng cho khách quốc tế. Đây cũng là điều kiện để thí điểm nguồn khách đặc thù cho Đà Nẵng sau này.

Doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng

Trước thông tin về việc một số nước đã ban hành cơ chế đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” cũng như việc Việt Nam đang xem xét kế hoạch cụ thể, xây dựng cơ chế, lộ trình đảm bảo an toàn cho việc đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”, doanh nghiệp du lịch cả nước đang háo hức chuẩn bị các phương án cụ thể để nắm bắt cơ hội, đón khách quốc tế trở lại Việt Nam.

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng để đón khách trở lại.

Ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Giám đốc Vidotour tại Hà Nội, cho biết: “Mặc dù thị trường du lịch quốc tế đóng băng hoàn toàn trong suốt năm 2020 vì dịch bệnh, nhưng Vidotour cố gắng duy trì hoạt động chủ chốt đối với nghiệp vụ lữ hành quốc tế, với mong muốn tiếp tục đón khách sớm nhất ngay khi điều kiện cho phép. Vidotour thường xuyên cung cấp thông tin, cập nhật về tình hình dịch bệnh, các dịch vụ du lịch mà Việt Nam đang cung cấp… với các đối tác nước ngoài. Các sản phẩm du lịch, chương trình giới thiệu, quảng bá vẫn định kỳ “lên kệ” để thông tin đầy đủ tới khách hàng. Việc Việt Nam đang nghiên cứu kế hoạch đón khách có “hộ chiếu vaccine” cũng được Vidotour và các đối tác cập nhật thường xuyên và cùng có phương án chuẩn bị, cùng xây dựng sản phẩm tốt nhất, phù hợp điều kiện để đưa đón khách ngay khi có thể”.

Cũng theo ông Chung, sau 1 năm cùng cả nước chống dịch Covid-19, doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm và luôn luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho du khách và cộng đồng. Ông Chung mong muốn Việt Nam sớm có cơ chế cụ thể về việc đón khách như thế nào, đối tượng khách nào, khách từ các quốc gia nào… cũng như ban hành hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp sớm có phương án tối ưu, kịp thời, an toàn cho du khách và cộng đồng.

Ông Lưu Đức Kế, Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường mục tiêu của Việt Nam cũng như của công ty, đồng thời cung cấp thông tin cho đối tác để phối hợp, chuẩn bị tốt nhất cho việc nối lại hợp tác, trao đổi các đoàn du lịch. Công ty cũng nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng những sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp thực tế và an toàn sức khoẻ cho du khách, nhân viên du lịch và cộng đồng. Sản phẩm cho giai đoạn đầu nối lại du lịch quốc tế là hướng tới các điểm đến du lịch biển đảo nhằm thuận tiện cho việc khoanh vùng, kiểm soát và áp dụng quy định phòng chống dịch”.

“Việt Nam là 1 trong số ít quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả. Chúng ta cần phát huy thành tích này, coi đây là lợi thế để phát triển giao thương kinh tế du lịch. Nếu chúng ta thiếu tự tin sẽ đánh mất thời cơ”, ông Lưu Đức Kế bày tỏ.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, nêu quan điểm: Nên sớm thí điểm đón khách bằng “hộ chiếu vaccine”. Đón khách ở một số địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ phù hợp và ít bị ảnh hưởng trong mùa du lịch nội địa vào mùa hè này vì lý do về y tế và kinh tế. Du lịch cần 2 đến 3 tháng để quảng bá, các ngành liên quan cũng cần chuẩn bị biện pháp về y tế, kỹ thuật. Vì vậy, nếu muốn sớm thực hiện thí điểm, chính phủ cần phê duyệt kế hoạch trong tháng 4 để du lịch kịp đón khách vào khoảng tháng 7, muộn hơn nữa Việt Nam sẽ đi sau nhiều điểm đến khác, mất cơ hội cho mùa du lịch quốc tế sắp tới.

Chủ động nhưng không chủ quan

Bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm phù hợp, an toàn, sẵn sàng đón khách, việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho du khách, nhân viên du lịch và cộng đồng được các doanh nghiệp chủ động quan tâm, cố gắng chuẩn bị điều kiện tốt nhất có thể, cho dù còn điều này điều khác được đặt ra khiến các doanh nghiệp và cơ quan quản lý không thể chủ quan lơ là.

Thái Lan công bố kế hoạch mở cửa theo 3 giai đoạn. Trong cả 3 giai đoạn, khách quốc tế dù đã tiêm phòng vẫn phải kiểm tra Covid-19 bằng xét nghiệm RT-PCR, phải tải ứng dụng cảnh báo theo quy định. Du khách cũng phải mua bảo hiểm sức khỏe Covid-19 với mức tối thiểu 100.000USD; xác nhận đặt phòng trong danh sách cơ sở lưu trú được phép sử dụng để cách ly, chứng nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành...

“Công ty chủ động lựa chọn đối tượng khách an toàn, có “hộ chiếu vaccine” từ các thị trường an toàn như New Zealand, Úc, Đài Loan… đã kiểm soát cơ bản dịch bệnh, hoặc các thị trường có năng lực tiêm chủng rộng rãi trong cộng đồng như Mỹ, Anh. Lựa chọn hãng vận tải hành khách an toàn. Xây dựng sản phẩm an toàn tại các điểm đến an toàn, giai đoạn đầu có thể triển khai tại các điểm đến du lịch biển đảo, dễ khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh. Xây dựng các hành trình du lịch hạn chế tiếp xúc, các điểm lưu trú có điều kiện hạ tầng phòng chống dịch bệnh đảm bảo theo hướng dẫn của ngành y tế”, ông Lưu Đức Kế cho biết.

Ông Trần Trọng Kiên đề xuất, chứng chỉ “hộ chiếu vaccine” phải được mã hoá trên hệ thống tin cậy và dễ dàng tra cứu quốc tế giữa các nước có cam kết giao lưu du lịch. Có chế tài xử lý trách nhiệm khi để lọt “hộ chiếu vaccine” giả.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, cho rằng, việc tiêm đủ vaccine chưa đảm bảo là không lây nhiễm dịch ra cộng đồng, cho nên ngành du lịch cần xây dựng hệ thống dịch vụ phục vụ an toàn hay có thể gọi là “hành lang xanh” để yên tâm đón khách quốc tế trở lại./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận