Công nghiệp chế biến: Làm gì để khai thác được 'mỏ vàng'?

  • 22/02/2019 11:21:39
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Được ví như 'mỏ vàng' với nhiều dư địa phát triển, nhưng công nghiệp chế biến của Việt Nam còn thiếu những cơ sở chế biến tầm cỡ, nhiều sản phẩm vẫn phải bán ở dạng thô.

 

Nhiều điểm sáng

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2019 ước tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò then chốt tăng tới 10,1% (so với cùng kỳ tăng 23,8%) và thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tại các địa phương chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2019 cũng tăng cao, cụ thể, Hải Phòng tăng 23,6%, Vĩnh Phúc tăng 18,2%, Hải Dương tăng 11,9%, Bình Dương tăng 10,9%, Quảng Ninh và Đồng Nai cùng tăng 8,5%,… Riêng tại Hà Tĩnh, trong tháng 1/2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh này ước tăng trên 45% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực có mức tăng trưởng cao, có vai trò dẫn dắt và đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng chung của toàn ngành. Một số lĩnh vực chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất kim loại tăng gần 65,3%; than cốc tăng 76,65%; đá xây dựng tăng 60,9%; may trang phục tăng 50,06%; dệt tăng 40,93%; sợi tăng 44,2%...

Theo Bộ Công Thương, năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, tiếp tục có mức tăng trưởng tốt là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Bộ Công Thương dự kiến, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng 13% trong năm 2019.

Công nghiệp chế biến nông nghiệp ở Việt Nam đa phần nhỏ lẻ, chế biến thô, giá trị thấp. Anh:PV

Các chuyên gia đánh giá, trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến Việt Nam có những bước phát triển tích cực, đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp có năng suất thấp hơn sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao hơn. Sự gia tăng của ngành công nghiệp chế biến là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dịch chuyển sang chiều sâu, tạo giá trị sản phẩm cao hơn. Trước đây, nói đến công nghiệp chế biến, chủ yếu nói đến hàng điện tử, máy vi tính, dệt may, da giày, thì nay có thể kể thêm nhiều ngành có đóng góp lớn như chế biến thủy sản, thực phẩm, lâm sản, sản xuất đồ uống,… Nhiều tập đoàn lớn đã tạo nên tên tuổi nhờ thành công từ lĩnh vực chế biến như Vinamilk, TH True milk, Vinamit, Hòa Phát… Song, công nghiệp chế biến tại Việt Nam vẫn còn là “mỏ vàng” chưa được khai thác với nhiều dư địa phát triển để doanh nghiệp nội lẫn ngoại rót vốn đầu tư.

“Mỏ vàng” chưa khai thác

Mặc dù được đánh giá là “mỏ vàng” nhưng tại báo cáo tổng kết năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo thành lập mới chỉ tăng 0,1% với 16,2 nghìn doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 7,9 nghìn doanh nghiệp tăng 77,4%.

Công nghiệp chế biến tại Việt Nam vẫn còn là “mỏ vàng” chưa được khai thác với nhiều dư địa phát triển để doanh nghiệp nội lẫn ngoại rót vốn đầu tư.

So với các ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam còn nhỏ bé về quy mô, công nghệ lạc hậu và đơn điệu về sản phẩm sản xuất ra. Từ đó, sự tác động của ngành công nghiệp chế biến đến nền kinh tế của nước ta còn hạn chế. Đặc biệt là sự tác động của ngành công nghiệp chế biến nông sản đến sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Tỷ trọng nông sản chế biến trong tổng sản lượng sản xuất còn rất thấp. Nhìn nhận về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra, công nghiệp chế biến của Việt Nam vẫn thiên về khai thác tài nguyên theo mô hình gia công và sản xuất thô là chủ yếu, vì thế chưa mang lại giá trị gia tăng cao.

Phát biểu tại Hội nghị “Đánh giá năng lực và thúc đẩy chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp phía Bắc”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, doanh nghiệp chế biến ở Việt Nam đa phần nhỏ lẻ,70-80% là chế biến thô, giá trị thấp. Tại Hội nghị, thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu một số vấn đề mấu chốt nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nói chung và ngành chế biến nông lâm thủy sản nói riêng. Cụ thể là trong giai đoạn tới cơ giới hóa và chế biến có nên tập trung vào các mặt hàng chủ lực không và làm sao để giảm đến mức tối thiểu tổn thất sau thu hoạch. Đảm bảo cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu. Giải quyết vấn đề nhân công nông nghiệp bởi người làm nông hiện nay có tỷ lệ người già tương đối cao.

Còn Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, Bộ sẽ triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp, tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.

Các chuyên gia kỳ vọng, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và tác động các Hiệp định thương mại thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận