'Combo 10kg nông sản' - hiệu quả nhưng đừng phá giá!

  • 16/09/2021 11:22:28
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Gần 1 tháng sau khi triển khai sáng kiến 'combo 10kg nông sản' của Tổ công tác 970, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận được đánh giá cao từ người tiêu dùng và sự hưởng ứng tích cực của hầu hết các tỉnh, thành phố, hợp tác xã phía Nam.

 

55.000 lượt đặt hàng trong vòng 10 phút

Trước thực trạng người dân ở các khu cách ly phong toả thiếu thốn lương thực thực phẩm thì nhiều nơi bị ùn ứ nông sản do không tiêu thụ được, Tổ công tác 970 đã có sáng kiến và thí điểm triển khai combo kết hợp 5 loại nông sản với trọng lượng 10kg/túi và được cung cấp tới tận nơi cho người dân TP Hồ Chí Minh với các mức giá từ 100.000 đến 200.000 đồng/túi gồm khoai lang, khoai sọ, củ đậu, dứa, chanh, củ cải trắng, dưa chuột, gạo, trứng...

Combo ngay lập tức nhận được nhiều đơn đặt hàng bởi giá cả bình ổn, sản phẩm đa dạng, giúp người dân hạn chế đi lại mua sắm. Trong 2 tuần đầu triển khai, lượng nông sản đặt hàng trung bình 300 - 400 tấn/ngày. Cao điểm có tới 55.000 lượt đặt hàng chỉ trong 10 phút. Có ngày tổng số tiền hàng lên tới 3,6 tỷ đồng và 43.000 combo được giao. Theo thống kê, combo nông sản có thể cung cấp 55% lượng nông sản đến TP.HCM, Bình Dương, với sản lượng khoảng 2,1 ngàn tấn/ngày.

TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý NN& PTNT II, TP.HCM, thành viên tham gia Tổ công tác 970 cho biết: “Sáng kiến combo nông sản gồm 5 loại, tổng trọng lượng 10kg của Tổ 970 được người tiêu dùng chấp nhận, đánh giá cao. Người dân mua một lần, sử dụng được 3 - 5 ngày, hạn chế tiếp xúc”.

Thấy được hiệu quả tiêu thụ nông sản thông qua combo, các sở NN&PTNT, hợp tác xã (HTX) đã kết nối với Tổ công tác 970 để được hỗ trợ triển khai. Hiện có thêm hàng chục loại combo khác bổ sung thêm thịt, sữa, cá, tôm… với nhiều mức giá nhằm đáp ứng khách hàng ở nhiều phân khúc. Tỉnh Cà Mau có “combo 4 loại cá” với giá 350.000 đồng/túi, “combo 4kg tôm thẻ, mực ống, nục suông, cá điêu hồng” giá 500.000 đồng. “Combo đặc sản Hậu Giang” gồm chả cá thát lát, cá lòng tong 1 nắng, cá lóc non tẩm gia vị, dưa mắm - củ cải muối, trứng vịt cùng dưa leo, đu đủ hoặc bầu - bí - mướp” giá 300.000 đồng. “Combo Tiền Giang” gồm nhãn da bò (4kg), bưởi da xanh (2,5kg), dưa lưới (1,5kg), cam xoàn (2kg) kèm tặng 1kg chanh, giá 250.000 đồng... Dự kiến, số lượng đặt hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể lên tới 150.000 combo/ngày.

Sáng kiến gói “combo nông sản” được người tiêu dùng đánh giá cao.Ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện HTX Nông nghiệp Evergrowth tỉnh Sóc Trăng, cho biết, thời gian vừa qua, việc tiêu thụ sản phẩm sữa bò của đơn vị gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có lúc người nông dân phải đổ bỏ sữa. Nhờ sự hỗ trợ của Tổ công tác 970, HTX đã tiêu thụ được sản phẩm sữa trong 100.000 combo nông sản, qua đó đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng cho người dân.

Bỏ bớt khâu trung gian

Người dân có thể đặt mua các combo nông sản bằng nhiều hình thức như thông qua zalo, web hay gọi điện trực tiếp. Tổ công tác 970 còn triển khai bán hàng bằng xe lưu động từ các tỉnh lên TP.HCM. Các tỉnh giới thiệu sản phẩm với các phường, quận, sau đó chọn 3 - 4 địa điểm, hẹn khung thời gian để mang sản phẩm đến. TS Trần Minh Hải đánh giá: “Việc này là bán hàng trực tiếp từ trang trại lên, không qua trung gian, chi phí vận hành thấp, giá bán cũng “nhẹ” hơn. Mô hình này đang được nhân rộng”. Sang giai đoạn 2, Tổ công tác 970 sẽ mở rộng, kết nối trực tiếp giữa nhà cung cấp và người đặt hàng để hai bên tự thương lượng giá cả, số lượng, điểm giao hàng…

Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp khẳng định, việc kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình thực hiện giãn cách phòng chống Covid-19 đã đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, nông sản, góp phần giảm tải căng thẳng cho thành phố.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam lưu ý: “Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, các combo chỉ đủ lấy thu bù chi, lợi nhuận của nông dân thấp. Vì vậy, các tỉnh không nên cạnh tranh để giành thị phần. Đừng cạnh tranh bằng hạ giá nông sản để bán phá giá, kiểu như thấy khoai lang tỉnh khác bán 100.000 đồng mà mình hạ xuống 70.000 - 80.000 đồng. Nông sản phải tính theo giá thành, tính các chi phí và cố gắng nâng giá trị bằng thương hiệu, bao bì, mẫu mã, đừng hạ giá làm mất giá trị sản phẩm”. Các sở NN&PTNT cần tiếp tục duy trì tổ phát triển thị trường hay tổ kết nối nông sản, để gắn kết thông tin với bộ, với doanh nghiệp. “Tư duy bán hàng phải cụ thể, rành mạch, hàng hóa ở đâu, cung cấp thế nào là phải nắm được” - ông Nam nhấn mạnh.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận