Kết nối hợp tác xã với doanh nghiệp để xuất khẩu trái cây

  • 13/10/2021 09:03:42
  • Thu Thùy - Quốc Hưng
  • Kinh tế
  • 0

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu trái cây. Đây là cơ hội kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối

 

Mới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với đại biểu là các Tham tán thương mại Việt Nam tại nhiều nước, hợp tác xã sản xuất trái cây trong nước và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để nhà sản xuất và nhà phân phối trao đổi, kết nối cung cầu.

Trái cây là thế mạnh xuất khẩu

Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, tỷ trọng trái cây do các HTX sản xuất so với tổng sản lượng của các địa phương và cả nước chiếm khoảng 55%. Theo Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu đến năm 2030 góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới; giá trị đạt 8 đến 10 tỷ USD.

Nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 đến năm 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1% tổng giá trị, dù trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới. Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU. Đây là cơ hội để các HTX đẩy mạnh XK trái cây trong thời gian tới. Đặc biệt, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA),  bởi 94% số dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Thanh long xuất khẩu của Liên minh HTX Long An

Tuy nhiên, sản phẩm trái cây của các HTX vẫn còn có hạn chế như nồng độ tối đa dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng trong trái cây chưa đạt yêu cầu; các yếu tố đầu vào cho sản xuất và chế biến sản phẩm trái cây phải nhập khẩu; 90% trái cây được xuất khẩu ở dạng thô và sơ chế; dịch vụ hậu cần, chi phí vận chuyển cao; tình trạng được mùa mất giá do cung vượt cầu; các HTX chế biến trái cây sử dụng nhiều lao động phổ thông...

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: “Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu trái cây của các HTX với các thị trường xuất khẩu tiềm năng năm 2021; kết nối đồng thời với nhiều thị trường trong nước và nước ngoài. Hội nghị sẽ là cầu nối cho các HTX sản xuất trái cây và các sản phẩm từ trái cây nắm bắt được thông tin chính xác và nhanh nhất về các thị trường xuất khẩu tiềm năng, gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) XNK trái cây trong và ngoài nước, để từ đó có định hướng cho các HTX từ khâu sản xuất nhằm đảm bảo quy cách về sản lượng và chất lượng sản phẩm”.

Không ngừng tận dụng cơ hội

Một trong những kinh nghiệm đáng chú ý là sự chủ động của chính quyền và các cơ quan, tổ chức tại địa phương, trong đó có Liên minh HTX các cấp. Là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong đợt dịch thứ tư vào đúng mùa vải thiều chín rộ, Bắc Giang đã chủ động nhờ các Bộ ngành hỗ trợ địa phương tiêu thụ vải thiều; mời các tập đoàn bán lẻ lớn trong và ngoài nước, các chợ đầu mối nông sản, các DN XK nông sản; các sàn thương mại điện tử… tham gia tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa đạt 126.552 tấn, XK đạt 89.300 tấn. Giá bán được duy trì ổn định, bình quân đạt 19.800 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX Bắc Giang, đơn vị đã chủ động tích cực mời gọi, vận động các DN, HTX, đơn vị thành viên trên địa bàn tỉnh tham gia tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Từ đó đã kết nối tiêu thụ và hỗ trợ vận chuyển cho hơn 30 HTX, với số lượng hơn 26.905 tấn vải, dưa hấu, dưa lê và hàng chục tấn mỳ Chũ, mỳ bún khô…

Trái cây Việt Nam cần ổn định chất lượng để mở rộng xuất khẩu

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga, cho biết: Nga là thị trường tiêu thụ trái cây hàng đầu tại khu vực Đông Âu, tuy nhiên, trái cây Việt Nam vẫn chiếm thị phần nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu do chất lượng, kích cỡ trái cây chưa đồng đều, khó có thể thu mua khối lượng lớn; công nghệ bảo quản sau thu hái chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; chi phí vận tải cao; mặt hàng chưa đa dạng. Những doanh nghiệp thâm nhập thị trường Nga đều thành công khi tham dự các hội chợ/triển lãm (hạt điều, đồ uống, xoài sấy, cà phê…), nhưng chưa thấy có HTX, doanh nghiệp XK trái cây VN sang Nga dự triển lãm. Do đó, cùng với chính sách khuyển khích để các HTX mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ sau thu hoạch để ổn định chất lượng, cần khuyến khích các HTX tham dự các triển lãm tại Liên bang Nga. Thương vụ Đại sứ quán và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga luôn luôn sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, các HTX trong việc tìm kiếm thị trường, xúc tiến xuất khẩu trái cây và sản phẩm trái cây Việt Nam sang Nga./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận